Việc UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Hội thảo về các giải pháp quản lý, ứng dụng và phát triển cát nhân tạo trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Nam vào ngày 14/11 vừa qua là một minh chứng rõ nét thể hiện sự quan tâm, sâu sát của lãnh đạo tỉnh, Sở chuyên ngành đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người sử dụng cát nhân tạo.
Dư địa của cát tự nhiên không còn nhiều
Ông Phạm Mạnh Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nam cho biết, nhu cầu cát xây dựng của tỉnh Hà Nam đến năm 2020 cần khoảng 1,97 triệu m³/năm. Trong khi đó, Quy hoạch phát triển VLXD của tỉnh đến năm 2020, yêu cầu việc tổ chức khai thác cát tại các bãi bồi ven sông Hồng thuộc 2 huyện Duy Tiên và Lý Nhân theo đúng quy hoạch và sản lượng, cung cấp sản lượng cát tự nhiên là 250.000 m³/năm.
Theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, thì mục tiêu, giải pháp của tỉnh là quản lý chặt chẽ khai thác tài nguyên, khoáng sản, chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã có nhiều biện pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác cát tự nhiên, đặc biệt là từ đầu năm 2017 đến nay, chỉ đạo mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và hoạt động vi phạm pháp luật trong khai thác cát tại các địa phương. Tất cả các yếu tố này cho thấy, dư địa cho việc khai thác cát tự nhiên không nhiều.
Cũng theo ông Phạm Mạnh Hùng, năm 2017, thị trường cát xây dựng trên địa bàn tỉnh liên tục diễn biến phức tạp, nguồn hàng trở nên khan hiếm, không đáp ứng nhu cầu cát xây dựng. Giá cát thường xuyên biến động, giá Quý II tăng bình quân 12% so với giá Quý I, riêng sản phẩm cát vàng tăng 25%. Có thời điểm giá cát vàng tăng 120%, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng và tăng chi phí đầu tư xây dựng.
Như vậy, để đáp ứng nhu cầu về cát là gần 2 triệu m³/năm, Hà Nam phải có giải pháp thay thế nguồn cát tự nhiên, trong đó việc sản xuất, đầu tư cát nhân tạo là phương án hữu hiệu, phù hợp với địa phương.
Đã có 3 dây chuyền đi vào hoạt động
Hiện trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã có 3 doanh nghiệp đầu tư và hoàn thành dây chuyền sản xuất quy mô, có tổng công suất 750.000 m³/năm, sản xuất đạt gần 80% công suất thiết kế. Cả 3 dây chuyền của 3 doanh nghiệp đều nằm ở xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, gồm: Cty TNHH Hợp Tiến có dây chuyền công nghệ cát khô, công suất 350.000 m³/năm; Cty TNHH Tân Thủy và Cty CP Khoáng sản Nam Hà đều có dây chuyền công nghệ cát ướt Hàn Quốc, công suất 200.000 m³/năm.
Ngoài ra, còn có 6 dây chuyền nữa đã có Quyết định chủ trương đầu tư, trình chủ trương đầu tư hoặc nghiên cứu đầu tư của các doanh nghiệp, là Cty CP VLXD Nucetech, Cty TNHH Tân Thủy, Tổ hợp sản xuất do ông Vũ Hữu Sựu đại diện, Cty CP Bê tông 319, Cty TNHH Nhiệt đới Hà Nam và Tập đoàn Tư vấn ĐTXD Hải Lý.
Kỳ vọng, với lợi thế về vùng nguyên liệu cũng như sự quan tâm sâu sát, tích cực của lãnh đạo UBND tỉnh, Sở chuyên ngành trong những bước khởi đầu, tỉnh Hà Nam sẽ triển khai tốt việc đầu tư sản xuất và sử dụng cát nhân tạo, không chỉ phục vụ cho nhu cầu trên địa bàn, mà còn phục vụ cho các tỉnh lân cận, vùng Thủ đô Hà Nội, hướng tới xây dựng thương hiệu cát nhân tạo có chất lượng đặc trưng của vùng nguyên liệu trên địa bàn, như kỳ vọng của một lãnh đạo Bộ Xây dựng tại cuộc Hội thảo.
VLXD.org (TH/ Xây dựng)