Cát nhân tạo hay còn gọi là cát nghiền thời gian gần đây bắt đầu được biết đến và sử dụng trong xây dựng như một loại vật liệu thay thế cát tự nhiên. Việc sử dụng cát nhân tạo trong các công trình sẽ góp phần giữ gìn môi trường sống và nguồn tài nguyên đang dần trở nên cạn kiệt này.
Dây chuyền sản xuất cát nhân tạo của Công ty cổ phần Hồng Hà (TP. Bắc Kạn).
Tình trạng khai thác cát bừa bãi đã và đang gây nên những hệ lụy khôn lường cho tài nguyên đất đai, ảnh hưởng xấu đến môi trường, thay đổi dòng chảy và là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở bờ sông, xói mòn mất đất canh tác. Trong khi đó, việc bồi lắng, tái tạo các mỏ cát dưới đáy sông cần trải qua rất nhiều năm, khiến nguồn cát tự nhiên ngày càng khan hiếm. Vật liệu nhân tạo thay thế cát tự nhiên đang trở nên cần kíp, đồng thời cũng là giải pháp bù đắp vật liệu thiếu hụt cho thị trường cát hiện nay.
Từ năm 2001, sản phẩm cát nghiền đã được Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) nghiên cứu và quy hoạch sản xuất cát nghiền cho xây dựng. Theo các chuyên gia, cát nhân tạo được nghiền từ đá có khả năng đáp ứng những đòi hỏi khắt khe trong cấp phối bê tông. Ngoài ra, cát nhân tạo không chỉ được dùng trong xây dựng mà còn dùng để sản xuất gạch xi măng cốt liệu- loại vật liệu không nung thay thế gạch thủ công trong thời gian tới.
Nguồn nguyên liệu để sản xuất loại cát nghiền tại Bắc Kạn tương đối dồi dào, với các mỏ đá rải rác tại nhiều địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên việc sản xuất kinh doanh cát nhân tạo hiện nay tại tỉnh ta còn ít. Đến thời điểm này mới chỉ có một doanh nghiệp duy nhất đầu tư sản xuất cát nghiền từ bột đá là Công ty cổ phần Hồng Hà (TP. Bắc Kạn).
Nắm bắt xu hướng, nhu cầu thị trường và tìm hiểu thực tế tại các tỉnh lân cận, tháng 7 năm 2017 Công ty cổ phần Hồng Hà đã đầu tư gần 2 tỷ đồng đầu tư dây chuyền sản xuất cát nhân tạo. Nguyên liệu sẵn có từ mỏ đá đang khai thác, trung bình mỗi tháng doanh nghiệp này sản xuất được từ 4.000 – 5.000m3 cát nghiền. Việc đầu tư sản xuất cát nhân tạo của Công ty cổ phần Hồng Hà là hướng đi tiềm năng đối với ngành sản xuất vật liệu xây của tỉnh bởi hiện nay cát tự nhiên ngày càng khan hiếm, phải nhập từ các tỉnh lân cận.
Ưu điểm của cát nghiền là thành phần hạt đồng đều, độ kết dính cao, có thể điều chỉnh tỷ lệ thành phần hạt từng cấp phối vật liệu cho các loại bê tông khác nhau... Loại cát nhân tạo cũng cho phép tiết kiệm xi măng, nhựa đường, rút ngắn thời gian thi công và tăng tuổi thọ công trình, đặc biệt là rất phù hợp với công trình bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn. Với những ưu việt như vậy, song hiện nay cát nhân tạo vẫn chưa được sử dụng phổ biến, chủ yếu phục vụ trong các công trình dân dụng và cung cấp cho một số cơ sở sản xuất gạch xi măng cốt liệu trong tỉnh.
Theo ông Trần Hiếu Chung- Phó Giám đốc Công ty cổ phần Hồng Hà, cát nhân tạo là dòng sản phẩm vật liệu xây dựng mới, đang được sử dụng rộng rãi tại nhiều địa phương trên cả nước. Chất lượng cát nghiền được các cơ quan chuyên môn đánh giá tốt, đảm bảo đủ điều kiện đưa vào các công trình xây dựng cơ bản và phù hợp với quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng chung. Sản phẩm cát nghiền của Công ty được chứng nhận hợp quy, xây dựng đơn giá đưa vào hệ thống báo giá hàng quý của liên Sở Xây dựng - Tài Chính. Để cát nhân tạo được biết đến và sử dụng rộng rãi, doanh nghiệp mong muốn tỉnh khuyến khích đưa sản phẩm này vào sử dụng trong các công trình xây dựng cơ bản và có sự định hướng phát triển trong thời gian tới.
Với thực trạng cát tự nhiên ngày càng khan hiếm thì sản phẩm cát nhân tạo chính là giải pháp hữu hiệu thay thế, đồng thời sẽ góp phần làm giảm tình trạng khai thác cát bừa bãi như hiện nay. Việc sử dụng cát nghiền trong xây dựng cũng là xu hướng tất yếu, phù hợp với định hướng phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường của ngành xây dựng.
VLXD.org (TH/ Báo Bắc Kạn)
Ý kiến của bạn