Năm 2005, người viết bài này làm nhà. Lục lại sổ chi phí, thấy giá cát mua dao động từ 20 -25 ngàn đồng một khối. Đầu năm 2019, có dịp làm một công trình nho nhỏ, mua có lúc giá cát hơn 250 ngàn đồng và bây giờ, đã đứng ở đỉnh 350 ngàn đồng/khối, chở tới chân công trình. Không biết đỉnh giá này đã là cuối cùng hay chưa? Song, với nguồn cung khan hiếm (nguồn cát tại chỗ) và nhu cầu xây dựng ngày càng cao thì rất có khả năng, đỉnh giá nêu trên sẽ bị “chọc thủng” bất cứ lúc nào.
Nói chung, các loại tài nguyên khó tái tạo, hoặc là cần một thời gian rất dài để tái tạo thì giá thường có xu hướng ngày càng tăng chứ không bao giờ giảm. Tương tự như cát, gỗ quí cũng vậy. Gỗ có thể cần vài mươi năm, cùng lắm là trăm năm nhưng cát thì có khi hàng triệu năm. Thị trường bây giờ hết gỗ kiền Nam Đông (một thương hiệu gỗ lớn). Nghe rảo giá ngoài thị trường 45 – 50 triệu đồng một khối nhưng tìm không ra?.
Ti tan là một loại khoáng sản hiếm. Nó được dùng trong những lĩnh vực công nghệ cao. Thừa Thiên Huế đã từng có nhiều khoáng sản ti tan phân bổ dọc theo ven biển. Và chúng ta cũng đã từng khai thác “rất cật lực” để bán thô!
Các công ty sản xuất ti tan từng một thời làm ăn “hiệu quả” đến độ, tài trợ cho nhiều chuyến đi du lịch nước ngoài… Giờ thì ti tan ở Huế cũng cạn dần và không biết đã hết chưa. Chỉ mấy mươi năm phát triển, một thời gian quá ngắn nhưng chúng ta đều được chứng kiến nhiều thứ tài nguyên cạn dần: vàng, ti tan, cát, gỗ, đất sét… thậm chí là nước…
Giá cát tăng ảnh hưởng nhiều đến lĩnh vực xây dựng.
Điều này nhắc nhở chúng ta, không chỉ nhìn nhận vấn đề dừng lại ở giá cả mà phải ứng xử với tài nguyên như thế nào cho tiết kiệm. Thậm chí, có những thứ tài nguyên chỉ sử dụng khi nào thật sự cần thiết.
Lạm phát, tức là sự tăng giá (đồng tiền mất đi một phần giá trị). Nếu tính ra, từ năm 2005 đến 2019, mười bốn năm, giá cát từ 20 ngàn đồng tăng lên 350 ngàn đồng, qui ra là bao nhiêu lần? hơn 15 lần, tức là mỗi năm giá cát tăng hơn 100%. Có mặt hàng nào tăng đến độ phi mã như vậy không? Có lẽ cũng có nhưng rất ít. Điều này nó cung cấp thêm cho chúng ta một thông điệp, đến một lúc nào đó, có thể cát cũng sẽ rất khan hiếm.
Ở Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng chưa thấy những loại vật liệu xây dựng mới khả dĩ thay thế các loại tài nguyên. Và nếu có, người dân (người tiêu dùng) cũng chưa sẵn sàng cho việc này. Vì vậy, trước khi các loại tài nguyên chưa kịp cạn kiệt thì chúng ta phải nghĩ đến điều này.
Tốc độ đô thị hóa kèm theo tốc độ xây dựng bây giờ nó còn “nhanh khủng khiếp” hơn bất cứ thứ gì. Và chắc chắn, một tương lai nhìn thấy trước được là nó tạo áp lực rất lớn lên nguồn tài nguyên quốc gia. Sống xanh, sống sạch… là một xu hướng thế giới, chúng ta cần tìm mọi giải pháp để đi theo xu hướng này.
Giá cát tăng làm thiệt hại không chừa một ai, vì ai cũng có vẻ như dính dáng đến xây dựng. Ngay chính quyền cũng vậy, nguồn ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản là liên quan đến cát. Cát tăng, ngân sách cũng thiệt. Nếu chưa làm gì được nhiều, mọi người có thể cùng nhau, hãy tiết kiệm việc sử dụng một ít.
Có những loại vật liệu thay thế thân thiện hơn với môi trường, ít tạo áp lực hơn lên tài nguyên, thì chúng ta nên chấp nhận sử dụng, nếu chưa được một trăm phần trăm thì hãy ý thức sử dụng một phần. Nhiều người làm được một ít, tức là tổng thể sẽ được nhiều.
VLXD.org (TH/ Báo TT Huế)