Vẫn là giải bài toán kinh tếTheo nhiều chuyên gia, tại Việt Nam hiện nay chi phí cho việc mua lại các sản phẩm phế thải này từ các nhà máy nhiệt điện đang là một trong những nguyên nhân khiến cho giá thành của các loại VLXD sản xuất từ phế thải bị đẩy lên cao. Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, người ta cho không tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện, thậm chí hỗ trợ cả tiền vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
Ông Nguyễn Kiên Cường - một chuyên gia lâu năm trong cho biết, những năm trước đây khi ông làm việc tại Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch, trong khi giá bán của đá silic có 60 - 70 nghìn đ/tấn thì giá bán của tro xỉ Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại là 105 - 110 nghìn đ/tấn, đắt gần gấp đôi giá đá silic.
Còn theo đại diện của Cty CP Sông Đà Cao Cường, tại thời điểm hiện nay đơn vị này đang mua tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại về tuyển thành tro bay và một số nguyên liệu cho sản xuất các loại VLXD khác với giá 96 nghìn đ/tấn và đang bán tro bay qua tuyển cấp cho các trạm trộn bê tông tại thị trường Hà Nội với giá 680 nghìn đ/tấn.
Ông Tống Văn Nga - Chủ tịch Hội VLXD lý giải, việc nhà máy nhiệt điện không tách ngay thành phần tro bay và xỉ đáy lò ra là một trong những nguyên nhân khiến giá tro bay qua tuyển bị đội lên, mức giá này thậm chí cao hơn cả mức giá tro bay nhập khẩu từ nước ngoài.
Mới đây, Cty CP Xi măng Nghi Sơn vừa được phép nhập khẩu tro bay từ Nhật Bản trong 2 năm, mặc dù trước đây vài năm họ cũng xin được nhập loại phụ gia này nhưng không được phép.
Vậy, bài toán đặt ra ở đây là gì? Tro bay sản xuất trong nước không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của DN hay giá của nó quá cao so với giá tro bay nhập khẩu? Có rất nhiều lý giải cho thực tế này, nhưng cuối cùng vẫn là việc giải bài toán kinh tế.
Ông Nguyễn Kiên Cường cho biết, tro bay dùng để sản xuất xi măng đem lại hiệu quả cao hơn so với các phụ gia khác. Nếu như các phụ gia khác đem vào sản xuất xi măng có thể làm ảnh hưởng đến mác xi măng thì tro bay sẽ làm cho độ giảm mác ít hơn và sẽ pha trộn được khối lượng lớn hơn, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho DN.
Tuy nhiên, trong trường hợp giá tro bay trong nước quá cao hay chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của DN, thì việc Chính phủ cho phép DN tạm thời nhập khẩu tro bay từ nước ngoài và có sự kiểm soát nghiêm ngặt là chuyện không phải bàn cãi. Điều này cũng có lợi hơn là việc phải khai thác các phụ gia khác từ thiên nhiên để làm nguyên liệu cho sản xuất xi măng.
Chỉ cấp bãi chứa trong 2 nămThế nhưng, chúng ta không thể đi khai thác mãi nguồn tài nguyên thiên nhiên để làm nguyên liệu cho sản xuất VLXD, khi mà nhu cầu về diện tích bãi chứa của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất tăng lên hàng năm. Và việc Chính phủ cho phép nhập khẩu tro bay, một loại phế thải công nghiệp từ các nước khác, chỉ là giải pháp tình thế.
Theo kết quả điều tra đánh giá nguồn tro xỉ và các giải pháp sử dụng của Trung tâm Xi măng - Viện VLXD, được xây dựng trên cơ sở của quy hoạch điện VII, khối lượng tro xỉ thải trong năm 2015 khoảng 12,8 triệu tấn, đến năm 2020 khoảng 25,4 triệu tấn và đến năm 2030 khoảng 38,3 triệu tấn. Với khối lượng thể tích của xỉ là 0,8 tấn/m3, bãi chứa xỉ có độ sâu trung bình 2m thì trong năm 2015, nhu cầu của diện tích bãi chứa mỗi năm là 127,4ha và sẽ còn tăng nhiều hơn nữa theo quy hoạch điện VII nếu không có giải pháp sử dụng.
Trước thực trạng đó, vào cuối tháng 9/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1696/QĐ-TTg về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất VLXD. Theo đó, đến năm 2020, chỉ cấp diện tích bãi thải cho các dự án nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón với dung lượng chứa tối đa cho 2 năm sản xuất tương đương với quy mô, công suất của dự án.
Bên cạnh đó, Quyết định 1696 cũng đưa ra 7 giải pháp thực hiện quyết định này, trong đó quy định thiết kế cơ sở các dự án nhiệt điện, hóa chất phải hoàn chỉnh từ đến khâu xử lý tro, xỉ, thạch cao và phương án thu hồi, xử lý các chất thải này. Đặc biệt, quyết định cũng nêu rõ, chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện, hóa chất phải có trách nhiệm trả chi phí xử lý tro, xỉ, thạch cao trong trường hợp không tự đầu tư dây chuyền thiết bị xử lý chất thải cho sản xuất VLXD.
Như vậy, Chính phủ đã có những giải pháp quyết liệt hơn trong việc xử lý tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất. Và kỳ vọng chúng ta có thể sử dụng các loại phế phẩm này làm phụ gia cho sản xuất các loại VLXD để không phải đi nhập phế phẩm từ các nước khác trên thế giới và đặc biệt không phải khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt là có cơ sở.
Theo Thanh Nga (Báo Xây Dựng)