Có căn nhà cấp 4 đang xây dựng tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, anh Trần Văn Nam (trú tại quận Thanh Khê) cho biết, hiện đang giai đoạn xây móng nên công trình của gia đình tôi tiêu thụ khá nhiều thép. Tôi mua thép với giá 15,5 triệu đồng/tấn mà chỉ sau vài ngày, khi hỏi mua thì giá đã lên 16 triệu đồng/tấn. Với mức giá này, chúng tôi sẽ phải phát sinh thêm hơn 5 triệu đồng so với dự tính ban đầu trước khi xây nhà. Ngay gần căn nhà đang xây dựng của anh Nam tại phường Hòa Xuân, chủ một căn nhà 3 tầng đang xây dựng cho biết, giá thép liên tục “leo thang” và chưa có dấu hiệu dừng lại, khiến chi phí xây dựng nhà của ông cũng tăng thêm so với dự tính khá nhiều, khoảng 25 - 30 triệu đồng tiền thép.
Giá thép liên tục tăng khiến doanh nghiệp, người tiêu dùng gặp khó.
Không chỉ người dân đang có công trình xây dựng chịu ảnh hưởng trực tiếp, các doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu cũng chịu tác động không nhỏ vì giá thép tăng. Ông Nguyễn Liên, Giám đốc Công ty CP Xây lắp Điện và Cơ khí mạ Đà Nẵng (quận Thanh Khê) cho biết, so với quý 3 năm 2020, giá thép hiện nay đã tăng đến 40%. Điều này khiến doanh nghiệp như “ngồi trên đống lửa” bởi hợp đồng sản xuất đã được ký kết từ trong năm 2020 chưa tính hết mức độ tăng giá của nguyên liệu. Bên cạnh đó, vì không đoán trước được nhu cầu xây dựng sẽ là loại thép nào nên công ty không tích trữ nhiều. Đơn cử vừa qua, Công ty trúng một gói thầu xây lắp điện ở tỉnh Quảng Bình có trị giá hàng trăm tỷ đồng, nhưng thời điểm đó giá thép 11 triệu đồng/tấn, tới khi tiến hành thi công thì giá thép đã lên 14 triệu đồng/tấn. Với các hợp đồng như vậy, công ty chỉ mong hòa vốn.
Dù giá thép tăng cao, nhất là từ đầu năm đến nay song doanh nghiệp vẫn phải duy trì quy mô sản xuất để ổn định việc làm cho người lao động. Nguyên liệu đầu vào gặp khó do giá tăng trong khi sản phẩm đầu ra xuất cho các đối tác vẫn giữ nguyên giá hoặc tăng rất ít. Thời điểm này, dù các công trình đấu thầu nhiều nhưng đều theo phê duyệt dự toán với giá nguyên vật liệu của năm 2020 nên công ty rất khó để nhận công trình mới, chỉ những công trình có dự phòng ngân sách khoảng 5% thì mới có thể nhận”, ông Liên chia sẻ
Giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng Việt An Gia (quận Ngũ Hành Sơn) Lê Thanh Hòa cho hay, từ cuối năm 2020 đến nay, giá thép xây dựng tăng cao do nhu cầu thế giới và trong nước tăng do nguồn cung ở một số nước bị gián đoạn về thép và nguyên liệu thô, giá các nguyên liệu chính để sản xuất thành phẩm như quặng sắt, phế liệu tăng 30 - 35%. Trong nước, thông thường vào thời điểm sau Tết âm lịch cũng là “mùa xây dựng” nên nhu cầu về thép và nguyên liệu khác tăng cao. Từ tháng 9/2020 đến nay, hầu như giá thép tăng liên tục, cứ theo chu kỳ 2 tuần tăng khoảng 2%, có thời điểm 2 - 3 ngày đã tăng 1 lần.
Tháng 2 vừa qua, giá thép có thời điểm xuống khoảng 500.000 đồng/tấn (16 triệu đồng xuống 15,5 triệu đồng/tấn), tuy nhiên cũng nhanh chóng lên giá lại. Theo ông Lê Thanh Hòa, đối mặt với tác động kép của dịch bệnh cũng như thép tăng giá, doanh nghiệp phải cân đối lại sản xuất. Theo đó, doanh nghiệp ứng dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động, tiết giảm tối đa chi phí đầu vào, chấp nhận giảm lợi nhuận để có đơn hàng, bảo đảm việc làm cho người lao động. Cùng với việc duy trì các đơn hàng với đối tác sẵn có thì công ty cũng chủ động mở rộng thị trường, tìm các nhà cung cấp bình ổn để có giá tốt, đồng thời nắm bắt chu kỳ tăng của vật liệu để có phương án thích hợp.
Với giá thép tăng cao, việc giải quyết khó khăn là điều các doanh nghiệp chưa dễ thực hiện. Chúng tôi vừa tham vấn một số đối tác đến từ nước ngoài thì biết rằng thị trường nguyên liệu thép cho công nghiệp chế chế tạo nói riêng và các ngành khác nói chung vẫn còn nhiều biến động. Tình hình kiểm soát Covid-19 trên thế giới gần đây đã có nhiều kết quả song khó khăn về nguyên liệu chưa biết khi nào mới có thể hạ nhiệt, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng kỹ thuật DINCO Lê Trường Kỹ thông tin.
VLXD.org (TH/ Báo Đà Nẵng)