>> Nguy cơ thép nhập khẩu lũng đoạn thị trường thép Việt
>> 9 tháng: Việt Nam nhập khẩu 8,22 triệu tấn sắt thép từ Trung Quốc
1/3 lượng
thép xuất khẩu từ Trung Quốc đã “cập bến” các quốc gia như Việt Nam, Thái Lan và Philippines, nơi nền kinh tế tăng trưởng mạnh đòi hỏi phải sử dụng các nguyên vật liệu dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng nhiều hơn.
Trong 9 tháng của năm 2016, 10 quốc gia Đông Nam Á chiếm 37% lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc, tăng 32% so với năm trước đó và tăng 20% so với cách đây 5 năm, theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc. Đông Nam Á đang trở thành vị cứu tinh, đồng thời là động lực thúc đẩy tăng trưởng lớn nhất đối với
xuất khẩu thép của Trung Quốc. Lượng thép xuất khẩu sang Đông Nam Á chiếm tới 2/3 lượng hàng xuất khẩu tăng trong năm ngoái và chiếm hầu hết trong năm nay.
Bên cạnh đó, thực tế, ngay cả trước khi các hàng rào thuế quan được áp đặt để kiềm chế lượng
sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ và châu Âu, các quốc gia phương Tây không phải là khách hàng chính đối với
thép Trung Quốc. Trong 9 tháng của năm 2016, chưa tới 1% lượng thép từ Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, mức thấp nhất trong 5 năm qua và chưa tới 6% lượng thép Trung Quốc tới châu Âu, theo số liệu của Chính phủ Trung Quốc.
Hoạt động xuất khẩu tới thị trường phương Tây giảm mạnh bởi doanh số bán hàng cho các quốc gia châu Á tăng vọt, khi Chính phủ Trung Quốc tìm kiếm được một miếng vá khác để lắp vào chỗ trống hiện tại. Trong 5 năm qua, Đông Nam Á chính là nơi có nhu cầu tiêu thụ lớn nhất đối với thép từ Trung Quốc.
“Mặc dù đã có nhiều vụ kiện chống bán phá giá đối với thép xuất khẩu từ Trung Quốc, nhưng mới chỉ gây tác động nhỏ tới một số nhà sản xuất, không đủ sức làm trật bánh guồng quay xuất khẩu thép ra nước ngoài của các nhà sản xuất Đại lục”, Daniel Hynes, chiến lược gia trưởng tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd cho biết.
Đông Nam Á trở thành cứu tinh cho ngành công nghiệp thép Trung Quốc
Hiện tại, nguồn cung hàng giá rẻ từ Trung Quốc mang lại lợi ích lớn cho người mua tại Đông Nam Á, nơi việc chi tiêu cho xây dựng cơ sở hạ tầng dự kiến sẽ còn tăng mạnh cho tới hết thập kỷ này. Theo khảo sát các nhà kinh tế học của Bloomberg, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng trên 6% trong năm nay, trong khi Philippines tăng trưởng 6,4%, Indonesia là 5%.
Trung Quốc đang tìm kiếm một vai trò lớn hơn đối với sự tăng trưởng kinh tế của các quốc gia láng giềng với sáng kiến mang tên “Một vành đai, một con đường”, nhằm thiết lập những mối liên kết kinh tế mới. Chính quyền quốc gia này cũng đang đổ tiền vào các dự án trong khu vực thông qua Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu tới nhiều thị trường trên toàn cầu hơn nữa.
Mới đây, Thủ tướng Philippine Rodrigo Duterte, trong chuyến thăm tới Bắc Kinh, đã đạt được thỏa thuận đầu tư trị giá 24 tỷ USD, bao gồm 11,2 tỷ USD liên quan tới các dự án xây dựng đường sắt, bến cảng và các dự án năng lượng.
Việc các quốc gia Đông Nam Á gia tăng nhu cầu sử dụng thép đã phần nào giảm bớt nỗi đau của tình trạng dư cung trên thị trường Trung Quốc, nguyên nhân chính khiến giá thép giảm mạnh vào năm ngoái. Đồng thời, nhu cầu này cũng tạo nên cơ hội mới cho ngành công nghiệp ít mang lại lợi nhuận, thậm chí gây thua lỗ cho chính quyền Đại lục. Tuy nhiên, việc gia tăng nhập khẩu đã tạo nên áp lực lớn cho các nhà sản xuất thép nhỏ tại Đông Nam Á, đồng thời tạo nên sự cạnh tranh trong dài hạn cho các nhà sản xuất thép chất lượng cao tại Nhật Bản và Hàn Quốc, bởi thép từ Trung Quốc ngày càng đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế tại khu vực châu Á.
TH (Theo ĐTCK)