Áp lực cạnh tranh từ thép Trung Quốc
Tình trạng dư cung trên thị trường và áp lực cạnh tranh khốc liệt từ
thép Trung Quốc giá rẻ được nhận định tiếp tục là những thách thức mà các
doanh nghiệp thép phải đối mặt trong năm 2016. Dù vậy, các
doanh nghiệp trong ngành vẫn kỳ vọng một mức tăng trưởng nhẹ.
Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT CTCP Đại Thiên Lộc (DTL) cho biết, khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp thép trong nước là sản phẩm thép Trung Quốc hiện đang tràn ngập thị trường. Trung Quốc hiện là nước
sản xuất thép lớn nhất thế giới, cung cấp 48% sản lượng
thép trên toàn cầu. Để thâm nhập vào các nước trong khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam, thép Trung Quốc đã hạ giá đủ để cạnh tranh với thép nội địa của các nước trong khu vực.
Theo phân tích của lãnh đạo DTL, do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, quy hoạch
ngành thép với công suất thiết kế quá lớn khiến cho lượng cung vượt xa so với sức cầu nội địa đang yếu đi rõ rệt, các doanh nghiệp thép nước này bắt buộc phải tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu, dù cho phải bán với giá thấp hơn giá thành. Đối với DTL, năm 2016, Công ty đặt mục tiêu đạt hơn 2.000 tỷ đồng doanh thu và hơn 20 tỷ đồng lợi nhuận, tăng trưởng nhẹ từ 5% đến 10% so với năm 2015.
Ông Lê Minh Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Ống thép Việt Đức (VGS) cho rằng, trước đây, việc nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài ngành đổ xô vào đầu tư, kinh doanh thép đã dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Đến nay, chỉ những doanh nghiệp nào tính toán đúng thì mới tồn tại. Dù tình hình khó khăn, nhưng hầu hết các doanh nghiệp thép đều có lãi và hầu hết các chỉ tiêu đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2014. Với VGS, năm qua, Công ty ước đạt 54 tỷ đồng lợi nhuận, tăng gấp đôi so với kế hoạch ĐHCĐ giao phó.
Ông Hải cũng dẫn chứng số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong năm 2015 cho thấy sản sản lượng thép của Việt Nam đạt 14.988.000 tấn, tăng 21,54% so với năm 2014.
Nhập khẩu thép thành phẩm năm 2015 đạt 792.000 tấn, tăng 22,56% so với cùng kỳ 2014…