Tiêu thụ tôn mạ kim loại và sơn phủ màu tháng 11 đạt 304.307 tấn, giảm 2,55% so với tháng trước, nhưng tăng 16% so với cùng kỳ 2016. Hồi tháng 10, doanh số bán hàng sản phẩm thép này cũng giảm 7,34% khi chỉ đạt 312.228 tấn.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất tôn mạ kim loại và sơn phủ màu (KL & SPM) của các thành viên trong tháng 11 giảm 9,89% so với tháng trước nhưng tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2016. Bán hàng tôn mạ KL & SPM đạt 304.307 tấn, giảm 2,55% so với tháng trước, nhưng tăng 16% so với cùng kỳ 2016. Hồi tháng 10, doanh số bán hàng sản phẩm thép này cũng giảm 7,34% khi chỉ đạt 312.228 tấn.
Xuất khẩu tôn mạ đạt 147.310 tấn, giảm 11,09% so với tháng 10/2017 nhưng tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 11 tháng, sản lượng tôn mạ KL & SPM của các thành viên VSA đạt hơn 4 triệu tấn, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm 2016. Bán hàng tôn mạ KL & SPM của các thành viên VSA đạt 4.068.587 tấn, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm 2016. Xuất khẩu tôn mạ đạt 1.504.646 tấn, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tập đoàn Hoa Sen dẫn đầu thị phần tôn mạ KM& SPM, chiếm 34%. Công ty Cổ phần Nam Kim đứng thứ 2 với thị phần đạt 17%, như vậy là thị phần của Nam Kim đang tăng liên tục trong năm 2017 (từ mức hơn 15% vào cuối năm 2016 và 16,3% vào tháng 9/2017).
Trong khi đó, sản xuất thép cuộn cán nguội của các thành viên VSA đạt 322.437 tấn, tăng 6,04% so với cùng kỳ năm 2016. Bán hàng thép cuộn cán nguội đạt 167.510 tấn, giảm 5,29% so với cùng kỳ 2016. Xuất khẩu đạt 76.234 tấn, tăng 20,47% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung trong 11 tháng 2017 , sản lượng thép cuộn cán nguội của các thành viên VSA đạt 3,4 triệu tấn tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2016. Bán hàng đạt 1.807.554 tấn, giảm 4,8% so với cùng kỳ 2016; xuất khẩu đạt 605.682 tấn, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tháng 12, Bộ Thương mại Mỹ mới đây tuyên bố áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của Trung Quốc đối với thép chống ăn mòn và cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo đó, sản phẩm thép cán nguội xuất khẩu từ Việt Nam sẽ phải chịu thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp là 531%, trong khi thép chống ăn mòn sẽ phải đối mặt với mức thuế 238%. Các mức thuế cuối cùng sẽ được công bố vào ngày 16/2/2018.
Theo nhận định của SSI Research, đợt điều chỉnh thuế thép chống ăn mòn và cán nguội có thể nhắm tới một số công ty sản xuất thép Việt Nam niêm yết trên sàn chứng khoán như Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (NKG). Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) không chịu ảnh hưởng do công ty chỉ xuất khẩu thép dài. Hiện tại, lượng thép xuất khẩu chiếm khoảng 40-45% tổng lượng thép của HSG và NKG.
VLXD.org (TH/ NDH)
Ý kiến của bạn