Trong 5 tháng đầu năm 2016, lượng thép nhập khẩu về Việt Nam tăng gần 50%. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh gay gắt với lượng thép nhập khẩu ồ ạt từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, nhập khẩu sắt thép các loại trong tháng 5 đạt 1,66 triệu tấn trị giá 702,386 triệu USD tăng 4,6% về lượng và 14,5% về trị giá. Tính chung 5 tháng, Việt Nam đã nhập 7,833 triệu tấn thép, trị giá 2,994 tỷ USD tăng 49% về lượng và 0,7% trị giá so với cùng kỳ năm 2015.
Theo đại diện Bộ Công Thương: thép nhập khẩu ồ ạt từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, tiêu thụ khó khăn, giá bán thấp ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
Bóc tách số liệu cụ thể, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, với mặt hàng phôi thép, trong 4 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập 783.314 tấn phôi thép (trong đó có khoảng 70.000 tấn phôi dẹt) chiếm gần 40% tổng lượng phôi nhập khẩu cả năm 2015 và chiếm 28,2% thị phần phôi trong nước (tăng 2% so với cuối năm 2015).
Không chỉ mất đi 28,2% thị phần, việc phôi thép nhập khẩu tăng nhanh còn khiến cho nhà sản xuất trong nước phải sản xuất cầm chừng, thậm chí đóng cửa; chỉ có khoảng 50% số nhà máy luyện thép còn hoạt động.
Với mặt hàng thép dài, trong 4 tháng, Việt Nam đã nhập 442.836 tấn thép thanh cuộn và thép thanh; nhập khẩu sản phẩm tôn mạ kim loại và sơn phủ màu là 512.174 tấn.
Ông Dũng cho rằng, việc nhập khẩu một lượng lớn phôi thép và thép dài từ nước ngoài vào Việt Nam nếu không được xem xét kịp thời sẽ tăng rất nhanh trong thời gian tới và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại của các cơ sở sản xuất phôi thép cũng như thép xây dựng nói riêng và cả ngành công nghiệp thép trong nước nói chung.
Trên thực tế, thời gian qua, các sản phẩm thép và phôi thép nhập khẩu tăng đột biến và đe dọa nghiêm trong cho ngành sản xuất thép trong nước là do các doanh nghiệp đang nghe ngóng thông tin về việc Nhà nước có thể sẽ áp dụng biện pháp tự vệ thương mại đối với một số mặt hàng phôi thép và thép dài và tôn mạ.
Do đó, các doanh nghiệp nhập khẩu dự trữ hàng hóa để tranh thủ đầu cơ khi cơ quan quản lý Nhà nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng thép nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục chính sách đẩy manh xuất khẩu thép ra nước ngoài do nhu cầu tiêu thụ nội địa suy giảm. Vì vậy, ngành công nghiệp thép các nước đối mặt với nguy cơ sản phẩm thép Trung Quốc xuất khẩu ồ ạt, trong đó có Việt Nam.
Để phát triển ngành thép vững mạnh, đồng bộ và khép kín, đồng thời nhằm giảm bớt khó khăn cho các nhà sản xuất thép trong nước, VSA kiến nghị, Bộ Công Thương xem xét ra quyết định chính thức sớm nhất có thể đối với vụ khởi xướng điều tra tự vệ thương mại đối với mặt hàng phôi thép và thép dài; xem xét và ban hành quyết định áp thuế sơ bộ trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng tôn mạ kẽm và tôn mạ lạnh do Công ty CP China Steel Sumikin Việt Nam khởi xướng cùng Tôn Phương Nam, Tôn Đông Á và Công ty CP Thép Nam Kim.
VSA đồng thời cũng kiến nghị Bộ Công Thương xem xét và ban hành quyết định khởi xướng điều tra tự vệ thương mại đối với sản phẩm tôn mạ màu (PPGI/PPGL) do Tập đoàn Hoa Sen và các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ trong nước chủ trì khởi xướng.
Theo Hải quan
Ý kiến của bạn