Mặc dù đã chủ động phát triển thế mạnh riêng của mình nhưng Hoa Sen, Nam Kim, hay Đông Á có thể sẽ chứng kiến kết quả kinh doanh cũng như thị phần tôn mạ bị "tổn thương" trong các quý tiếp theo.
Sự tham gia của thép Hòa Phát (Mã: HPG) và Thép Formosa Hà Tĩnh có chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ quặng đến tôn mạ kẽm sẽ định hình lại thị trường một cách đáng kể.
Biên lợi nhuận của Hoa Sen, Nam Kim có thể tiếp tục giảm khi thép Dung Quất hoạt động
Hiện là nhà sản xuất thép dài xây dựng lớn nhất Việt Nam với công suất 2,1 triệu tấn/năm và 24% thị phần, Hòa Phát chú ý đến mảng tôn thép bằng việc gia nhập thị trường này vào năm 2016 thông qua xây dựng nhà máy cán tôn mạ công suất 400 nghìn tấn tại Hưng Yên, vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng và dự kiến hoạt động vào cuối quý II/2018.
Hơn nữa, giai đoạn II của khu liên hợp thép Dung Quất dự kiến hoạt động vào cuối 2019 (sớm hơn một năm so với kế hoạch ban đầu) sẽ giúp Hòa Phát sản xuất 2 triệu tấn thép cuộn cán nóng mỗi năm, hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín trong thị trường tôn mạ.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS), thị trường tôn mạ quy mô 3,5 triệu tấn/năm đang được chiếm lĩnh bởi Hoa Sen (Mã: HSG) với 34% thị phần, Thép Nam Kim (Mã: NKG) 16%, tôn Đông Á 14% và tôn Phương Nam 7%. Các quý vừa qua, các công ty này chứng kiến biên lợi nhuận giảm do giá nguyên liệu đầu vào tăng nhanh.
KIS dự báo, biên lợi nhuận của các công ty này có thể tiếp tục giảm trong các quý tới do mức tăng thêm 2 triệu tấn của Hòa Phát sẽ làm cho cuộc đua thị phần trở nên khó khăn hơn, ít nhất là trong ngắn hạn.
Formosa sẽ cung cấp 3 triệu tấn HRC trong 2018 và 6 triệu tấn trong các năm tiếp theo
CTCP Thép Formosa Hà Tĩnh (FHS) nhận giấy phép đầu tư vào năm 2008, nhằm phát triển một trong những tổ hợp thép lớn nhất trên toàn châu Á ở khu vực ven biển Hà Tĩnh.
Giai đoạn II, khu liên hợp bao gồm các nhà máy thép, cảng Sơn Dương và nhà máy nhiệt điện 650MW với vốn đầu tư 10,5 tỷ USD có khả năng sản xuất 7,5 triệu tấn thép/năm. KIS nhận định công suất sẽ tăng đáng kể lên khoảng 22,5 triệu tấn thép/năm.
Khu liên hợp này đưa vào hoạt động vào tháng 5/2017 và các sản phẩm đầu tiên đã được bán cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, Formosa đã bán 150 nghìn tấn HRC trong năm 2017 và 107 nghìn tấn trong quý I năm 2018 (là sản phẩm thử nghiệm).
Khi lò cao thứ hai dự kiến hoạt động năm nay, Formosa sẽ cung cấp 3 triệu tấn HRC năm 2018 và 6 triệu tấn các năm tiếp theo.
KIS cho rằng, sản lượng trên hoàn toàn đáp ứng đủ cho nhu cầu trong nước và sẽ giúp các nhà sản xuất cấp thấp hơn trong chuỗi giá trị giảm chi phí vận tải, thuế quan và rủi ro tỷ giá.
Thị trường tôn mạ sẽ ngày càng gay gắt hơn
Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng trong nước và bất động sản, Hiệp hội Thép Việt Nam ước tính thị trường thép trong nước sẽ tăng trưởng 10 - 15% trong 2 - 3 năm tới.
KIS cho rằng, tăng trưởng trên là không đủ để tránh khỏi một cuộc chiến giành thị phần tôn mạ trước sự tham gia của những người chơi khổng lồ mới.
Hoa Sen, Nam Kim, hay Đông Á có thể chứng kiến kết quả kinh doanh cũng như thị phần bị "tổn thương" trong các quý tiếp theo.
Lãi quý I doanh nghiệp đứng đầu thị trường tôn mạ sụt mạnh
Quý I/2018, doanh thu của Hoa Sen có tăng cao nhưng lợi nhuận giảm đến gần 80%, đạt 87 tỷ đồng do ưu tiên tăng trưởng doanh thu và mở rộng thị phần từ năm 2017.
Cùng cảnh ngộ, doanh thu quý I của thép Nam Kim đạt 3.593,2 tỷ đồng, tăng 50%. Tuy nhiên giá vốn hàng bán lại tăng tới 58% dẫn tới lợi nhuận gộp còn 296 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tài chính giảm mạnh, dẫn tới lợi nhuận sau thuế của Nam Kim chỉ đạt 121 tỷ đồng, giảm 22%. |
VLXD.org (TH/ KTTD)
Ý kiến của bạn