Nếu không áp thuế nhập khẩu, thép cán cuộn giá rẻ sẽ từ Trung Quốc tiếp tục tràn vào Việt Nam và gây bất ổn cho thị trường thép trong nước, Bộ Tài chính cho biết trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 125/2017/NĐ-CP.
Mặt khác, Việt Nam tự sản xuất được một số sản phẩm thép cuộn cán nóng và năng lực sản xuất trong nước đáp ứng khoảng gần 50% nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nên cơ quan quản lý đề xuất điều chỉnh tăng thuế MFN đối với các mặt hàng thép cuộn cán nóng thuộc nhóm 72.08 từ 0% lên 5%.
Theo dự thảo, việc tăng thuế phù hợp với nguyên tắc thuế nhập khẩu tăng dần từ nguyên liệu thô đến thành phẩm, vì thép cán nóng là đầu vào sản xuất thép cán nguội và các mặt hàng tôn mạ màu hiện có mức thuế suất cơ bản 5-25%.
Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế nhập khẩu với thép cuộn cán nóng lên 5%.
Gần 90% kim ngạch nhập khẩu thép cuộn cán nóng hưởng thuế 0%
Việt Nam nhập khẩu hơn 8 triệu tấn thép cuộn cán nóng mỗi năm, trong đó 40% từ Trung Quốc. Năm 2018, lượng thép cuộn cán nóng (nhóm 72.08) đạt 5,3 triệu tấn với giá trị đạt khoảng 3,09 tỷ USD, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.Gần 90% kim ngạch nhập khẩu thép cuộn cán nóng hưởng thuế 0%
Trong đó, Việt Nam áp dụng thuế suất ưu đãi phổ cập (MFN) 0% đối với thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ các nước thực hiện đối xử tối huệ quốc với Việt Nam. Giá trị nhập khẩu theo thuế suất này đạt 2,74 tỷ USD, chiếm khoảng 88% tổng nhập khẩu từ các thị trường, Bộ Tài chính cho biết.
Thuế 0% cũng được áp dụng với sản phẩm của Trung Quốc và đáp ứng đủ điều kiện theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA). Giá trị nhập khẩu theo thuế của ACFTA đạt 18,3 triệu USD, chiếm 0,6%.
Ngoài ra, thuế đối với thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ các nước ASEAN, Hàn Quốc và đáp ứng đủ điều kiện của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) và ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) cũng là 0%. Năm ngoái, giá trị nhập khẩu theo thuế của ATIGA và AKFTA là 801.000 USD, chiếm 0,24%.
Năng lực sản xuất trong nước sẽ đáp ứng 70% vào cuối 2019
Hiện Việt Nam tự sản xuất được một số mặt hàng thép cuộn cán nóng thuộc nhóm 72.08, gồm các mặt hàng thép cán phẳng, dạng cuộn, cán nóng, đã ngâm, tẩy, gỉ; thép cán phẳng, dạng cuộn, cán nóng hoặc loại khác, và thép cán nóng dạng không cuộn, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cũng theo báo cáo của Hiệp hội Thép, năng lực sản xuất thép cuộn cán nóng của các doanh nghiệp trong nước tính đến tháng 12/2018 đạt 3,4 triệu tấn/năm, tương đương đạt 86% công suất thiết kế 4 triệu tấn/năm. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thép cuộn cán nóng trong nước khoảng hơn 10 triệu tấn/năm.
Như vậy, năng lực sản xuất trong nước đáp ứng khoảng gần 50%. Dự kiến cuối năm 2019, con số này sẽ tăng lên 70% khi nhà máy của công ty Hòa Phát tại Dung Quất, Quảng Ngãi và của công ty Formosa đi vào hoạt động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu thép cán nóng để sản xuất thép cán nguội phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Tác động tới ngân sách Nhà nước và doanh nghiệp ra sao?
Về tác động tới ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính tính toán việc tăng thuế suất MFN từ 0% lên 5% sẽ làm tăng thu ngân sách Nhà nước với số thuế nhập khẩu tăng là 137,15 triệu USD, tương đương 3.152 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi tăng thuế lên 5%, các doanh nghiệp sẽ tìm nguồn nhập khẩu từ các nước có thuế suất ưu đãi đặc biệt 0% như Trung Quốc, ASEAN và Hàn Quốc. Vì vậy, số thu ngân sách nhà nước thực tế sẽ thấp hơn con số tính toán nêu trên.
Ngoài ra, việc tăng thuế sẽ tạo ra sự dịch chuyển thương mại sang các nước có ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam để hưởng thuế suất 0%. Tuy nhiên, để đủ điều kiện áp dụng thuế suất 0%, các doanh nghiệp sẽ phải tốn thêm chi phí xin giấy chứng nhận xuất xứ và tìm đối tác nhập khẩu mới. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng thuế suất lên 5% sẽ có tác động đến chi phí nhập khẩu của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đánh giá.
VLXD.org (TH/ Lao động)