Biến động giá
Tháng 10/2020, lũ lụt ở miền Trung ảnh hưởng tới hoạt động xây dựng ở đây trong khi các vùng khác sản xuất và tiêu thụ thép tăng mạnh. Sản lượng tiêu thụ thép các loại trong quý III/2020 đã có sự phục hồi mạnh trong cả 3 mảng thép chính là thép xây dựng, tôn mạ, và ống thép nhờ có tiến độ các dự án cơ sở hạ tầng lớn, nhiều doanh nghiệp thép ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh.
So với đầu tháng 9/2020, thì tháng 10/2020 giá quặng sắt loại 62% sắt giao dịch ở mức 122-125 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, giảm không đáng kể. Giá than luyện cốc ổn định ở mức 110 USD/tấn.
Giá thép phế HMS ½ 80:20 nhập khẩu cảng Đông Á giảm 8 USD/tấn còn 302 USD/tấn CFR Đông Á. Giá thép phế chào bán tại các thị trường Đông Á, Châu Á và Châu Mỹ có chiều hướng giảm. Trước đó, Châu Âu, Châu Mỹ có xu hướng đi ngang trong 4 tháng gần đây.
Giá thép cuộn cán nóng HRC nhập khẩu giảm 20 USD/tấn còn 502-505 USD/tấn, CFR cảng Đông Á.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, sản xuất, bán trong nước các sản phẩm thép giảm so với cùng kỳ năm 2019. Riêng xuất khẩu sắt thép tăng 44% về lượng và 16% về giá trị. Đặc biệt xuất khẩu thép sang Trung Quốc tăng mạnh 1.732% về lượng, tăng 1.418% về kim ngạch nhưng giảm 17% về giá so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất - tiêu thụ
Trong tháng 9/2020, sản xuất thép các loại đạt hơn 2,39 triệu tấn, tăng 1,97% so với tháng liền trước và tăng 21,2% so với cùng kỳ 2019. Trong 9 tháng đầu năm, sản xuất thép các loại đạt hơn 18,5 triệu tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 9/2020, bán thép các loại đạt 2,13 triệu tấn, tăng 2,9% so với tháng 8/2020, và tăng 17,9% so với cùng kỳ 2019. Trong 9 tháng đầu năm, tổng lượng bán hàng thép các loại đạt trên 16,56 triệu tấn, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu
Theo Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2020 cả nước xuất khẩu gần 7 triệu tấn sắt thép, thu về trên 3,65 tỷ USD với giá trung bình 522,2 USD/tấn, tăng 44,4% về lượng, tăng 16% kim ngạch nhưng giảm 19,7% về giá so với 9 tháng đầu năm 2019.
Riêng tháng 9/2020, xuất khẩu 1,04 triệu tấn sắt thép, đạt 544,21 triệu USD, giá trung bình 523,4 USD/tấn, giảm 10,6% về lượng, giảm 5,8% về kim ngạch nhưng tăng 5,4% về giá so với tháng liền kề trước đó.
Trong tháng 9/2020, xuất khẩu sắt thép sang đa số thị trường tăng so với tháng 8/2020 trong đó tăng mạnh ở một số thị trường như: Italia tăng 818% về lượng và tăng 370% về kim ngạch; Singapore tăng 251% về lượng và tăng 151% về kim ngạch; Myanmar tăng 171% về lượng và tăng 150% về kim ngạch. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ lại giảm 62,8% về lượng và giảm 82,3% về kim ngạch; Đức cũng giảm mạnh 44% về lượng và giảm 55% về kim ngạch.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại sắt thép của Việt Nam, chiếm 36,2% trong tổng lượng và chiếm 28,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sắt thép của cả nước, đạt 2,53 triệu tấn, kim ngạch 1,04 tỷ USD, giá trung bình 410,5 USD/tấn, tăng mạnh 1.732% về lượng, tăng 1.418% về kim ngạch nhưng giảm 17% về giá so với cùng kỳ năm trước.
Đứng thứ 2 là thị trường Campuchia chiếm 17% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 1,18 triệu tấn, trị giá 625,09 triệu USD, giá 529 USD/tấn, giảm cả về lượng, kim ngạch và giá so với cùng kỳ năm 2019, với mức giảm tương ứng 9,2%, 19% và 11%.
Tiếp đến thị trường Thái Lan chiếm 8% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 0,53 triệu tấn, trị giá 297,65 triệu USD, giá 561 USD/tấn, tăng 84,6% về lượng, tăng 68,2% kim ngạch nhưng giảm 8,9% về giá so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu sắt thép sang đa số thị trường sụt giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, trong đó, giảm mạnh ở các thị trường: Ai Cập giảm 96% cả về lượng và kim ngạch; Saudi Arabia giảm 90% về lượng và giảm 89% kim ngạch; Mỹ giảm 56% về lượng và giảm 51% kim ngạch.
Ngược lại, xuất khẩu sang Brazil tăng mạnh 196% về lượng và tăng 145%; sang Đức tăng 143% về lượng và tăng 93% về kim ngạch; Philippines tăng 110% về lượng và tăng 79% kim ngạch.
Nhập khẩu
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, sắt thép nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 9/2020 tiếp tục giảm 15,3% về lượng, giảm 3,7% về kim ngạch so với tháng 8/2020, còn 1,01 triệu tấn, kim ngạch 629,49 triệu USD, nhưng giá nhập khẩu tăng 13,8% đạt 622,5 USD/tấn.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu sắt thép đạt 10,36 triệu tấn, trị giá 6,05 tỷ USD, giá trung bình 584,2 USD/tấn, giảm cả về lượng, kim ngạch và giá so với cùng kỳ năm 2019, mức giảm lần lượt 4%, 15,9% và 12,4%.
Trong tháng 9/2020, đáng chú ý là nhập khẩu sắt thép từ thị trường Australia mặc dù khối lượng không lớn, chỉ 32.587 tấn, kim ngạch 13,69 triệu USD, nhưng so với tháng 8/2020 thì tăng rất mạnh 15.642% về lượng và tăng 15.054% về kim ngạch. Bên cạnh đó, nhập khẩu từ Hà Lan cũng tăng mạnh 466,7% về lượng và tăng 297% về kim ngạch, đạt 323 tấn, tương đương 0,33 triệu USD. Indonesia tăng 177% về lượng và tăng 173% về kim ngạch, đạt 28.978 tấn, trị giá 46,55 triệu USD.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu sắt thép nhiều nhất từ Trung Quốc, đạt 2,84 triệu tấn, kim ngạch gần 1,78 tỷ USD, giá nhập khẩu trung bình đạt 626,5 USD/tấn, giảm cả về lượng, kim ngạch và giá so với cùng kỳ năm 2019, với mức giảm tương ứng 33,8%, 34,6% và 1,2%; chiếm 27,4% trong tổng lượng và chiếm 29,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.
Tiếp đến thị trường Nhật Bản đạt 1,98 triệu tấn, trị giá 1,07 tỷ USD, giá 540 USD/tấn, tăng 29,2% về lượng và tăng 4,2% kim ngạch, nhưng giá giảm 19,4%, chiếm 19% trong tổng lượng và chiếm 17,6% trong tổng kim ngạch.
Ấn Độ đứng thứ 3 với 2,08 triệu tấn, kim ngạch 908,77 triệu USD, giá trung bình 437,3 USD/tấn, tăng mạnh 77,4% về lượng, tăng 46% về kim ngạch, nhưng giảm 17,8% về giá, chiếm 20% trong tổng lượng và chiếm 15% trong tổng kim ngạch sắt thép nhập khẩu của cả nước.
Nhìn chung, trong 9 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu sắt thép từ phần lớn các thị trường sụt giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019 trong đó sụt giảm mạnh ở các thị trường sau: Thổ Nhĩ Kỳ giảm 97% cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019; Brazil giảm 81% về lượng và giảm 87% về kim ngạch; Malaysia giảm 81,7% về lượng và giảm 74% về kim ngạch.
Ngược lại, nhập khẩu vẫn tăng mạnh các thị trường sau: Saudi Arabia tăng 36.490% về lượng và tăng 20.613% về kim ngạch so với 9 tháng đầu năm 2019; Ba Lan tăng 1.301% về lượng và tăng 1.229% về kim ngạch.
Dự báo tháng 11/2020
Thị trường thép xây dựng sẽ khởi sắc hơn trong tháng tới do nhu cầu tiêu thụ thép nhiều hơn sau khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch coronavirus.. Giá thép xây dựng không điều chỉnh nhiều dù giá nguyên liệu tăng cao. Xuất khẩu phôi thép sang Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cao do nước này đang thiếu hàng.
VLXD.org (TH/ Vinanet)