Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Sắt, Thép

Tổng quan thị trường thép tháng 2/2017

17/03/2017 - 03:57 CH

Theo đánh giá của các bộ, ngành, trong tháng 2/2017, lượng thép sản xuất tăng mạnh, trong khi lượng tiêu thụ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2016; nhập khẩu thép cũng tăng mạnh; giá bán các sản phẩm thép trong tháng đã tăng khoảng 200-300 đồng/kg so với tháng 01/2017 tùy từng chủng loại.
>> Tháng 3: Giá bán thép tại các nhà máy dao động từ 10,6 đến 11,2 triệu đồng/tấn
>> Giá thép xây dựng tăng khoảng 200-300 đồng/kg trong tháng 2
>> 2 tháng đầu năm: Nhập khẩu thép tăng mạnh
>> Tổng quan thị trường thép tháng 1 và nửa đầu tháng 2/2017


Tình hình sản xuất - tiêu thụ thép:

Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 02 năm 2017, sản lượng sắt thép thô ước đạt 409,1 nghìn tấn, tăng 41,2% so với cùng kỳ; sản lượng thép cán ước đạt 493,6 nghìn tấn, tăng 45,6% so với cùng kỳ; sản lượng thép thanh, thép góc ước đạt 348 nghìn tấn, tăng 14,9% so với cùng kỳ.

Tính chung 02 tháng đầu năm 2017, sản lượng sắt thép thô đạt 838,7 nghìn tấn, tăng 21,4% so với cùng kỳ; thép cán đạt 1002,8 nghìn tấn, tăng 35,4% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc đạt 722,2 nghìn tấn, tăng 7,1% so với cùng kỳ.

Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, tháng 2 kết thúc kỳ nghỉ Tết, các doanh nghiệp trở lại hoạt động sản xuất bình thường nên sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép đều tăng cao hơn so với tháng 1. Tổng lượng sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép tăng lần lượt là 28,8% và 43,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Tính chung 2 tháng, tổng lượng thép sản xuất là 2,929 triệu tấn, tăng 131,4% so với cùng kì năm trước trong khi tổng lượng bán ra là 2,315 triệu tấn, tăng 131,7% so với cùng kì. Xuất khẩu các sản phẩm thép trong 2 tháng cũng tăng trên 150% dạt 525.640 tấn.

Riêng mặt hàng thép xây dựng trong 2 tháng qua đã sản xuất được 1.370.724 tấn, tăng 29,12% so với cùng kỳ 2016.

Lượng thép xây dựng tiêu thụ đạt 1.294.143 tấn, tăng 28,18% so với cùng kỳ năm 2016.

Cũng theo VSA, Hòa Phát vẫn là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất trong top 5 doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng với 24,87%, tiếp đến là VNSteel với 17,61%, Pomina 11,6%, Posco SS Vina giữ gần 10% thị phần và Vinakyoei nắm giữ 7,29% thị phần.


Trong tháng 2/2017, lượng tiêu thụ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2016. Ảnh minh họa.

Tình hình xuất - nhập khẩu thép:

Xuất khẩu: Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 2/2017, xuất khẩu các sản phẩm thép các loại đạt hơn 267.700 tấn, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tăng gần 7% so với tháng trước.

VSA nhận định, trong năm nay, thị trường xuất khẩu thép sẽ tiếp tục gặp khó khăn, bởi Mỹ đang điều tra vụ kiện chống lẩn tránh thuế tại Việt Nam có liên quan đến việc nghi ngờ thép Trung Quốc giá rẻ “đội lốt” hàng Việt để xuất sang Mỹ. Điều này sẽ khiến hàng Việt Nam gặp khó khi xuất khẩu sang thị trường này, đặc biệt là với mặt hàng tôn mạ. Năm ngoái, thị trường Mỹ chiếm tới 27% lượng xuất khẩu của Việt Nam.

Nhập khẩu: Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, 2 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu sắt thép các loại đạt 2,7 triệu tấn, trị giá 1,4 tỷ USD, tăng 0,2% về lượng và 49,3% về trị giá.

Tính riêng tháng 2/2017, lượng sắt thép nhập khẩu tăng 22,9% và kim ngạch 29,3% so với tháng 1, tương ứng với 1,5 triệu tấn, trị giá 831,8 triệu USD.

Sắt thép các loại trong 2 tháng/2017 chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc với hơn 1,53 triệu tấn, trị giá 786 triệu USD, tăng 7,6% về lượng và 61,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; từ Hàn Quốc với 304 nghìn tấn, trị giá 202 triệu USD, tăng 17,8% về lượng và tăng 57,3%; từ Nhật Bản với 334 nghìn tấn, trị giá 197 triệu USD, giảm 1,2% về lượng và 36,8% về trị giá; …

Thép dài nhập khẩu tăng mạnh trong thời gian gần đây, Bộ Công Thương đã ban hành liên tiếp các biện pháp tự vệ tạm thời để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Sau các biện pháp tự vệ tạm thời, Bộ Công Thương đã áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với hai mặt hàng này. Theo đó, thuế suất nhập khẩu đối với phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam sẽ là 21,3% trong vòng 1 năm, từ ngày 22/3/2017 đến 21/3/2018. Thuế suất này sẽ lần lượt giảm về 19,3% và 17,3% vào các năm tiếp theo và từ 22/3/2020 trở đi, thuế suất sẽ về 0%.


Trong tháng 2/2017, lượng sắt thép nhập khẩu tăng 22,9% và kim ngạch 29,3% so với tháng 1/2017.

Diễn biến giá thép:

Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính cho biết, do tác động của giá phôi thép trên thị trường thế giới tăng, giá thép xây dựng trên thị trường trong nước tháng 02 đã tăng khoảng 200-300 đồng/kg so với tháng 01/2017 tùy từng chủng loại.

Theo đó, tại thị trường thế giới, giá phôi thép tháng 2/2017 tăng khoảng 10-15 USD/tấn so với cuối tháng trước. Cụ thể: giá chào phôi thép CFR Đông Nam Á ở khoảng 425-450 USD/tấn, giá chào phôi CIS khoảng 435 USD/tấn FOB Biển Đen.

Hiện nay, giá bán thép đầu nguồn tại một số nhà máy chưa bao gồm chiết khấu, thuế GTGT khoảng 9.800-11.500 đồng/kg đối với thép cuộn và khoảng 9.950-11.800 đồng/kg đối với thép cây.

Giá thép xây dựng bán lẻ trên thị trường tháng 02/2017 tăng khoảng 200-300 đồng/kg so với cuối tháng 01/2017. Cụ thể giá bán lẻ trên thị trường như sau: Tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung dao động ở mức 11.700-15.200 đồng/kg; tại các tỉnh Miền Nam dao động ở mức 11.700-15.300 đồng/kg.

Cục Quản lý Giá dự báo, trong tháng 3/2017, giá bán lẻ thép xây dựng tại thị trường trong nước cơ bản ổn định Dự báo, trong tháng 3 giá thép trong nước ổn định, bởi nguồn cung tiếp tục dồi dào, nhu cầu chưa tăng, bên cạnh đó giá thép thế giới trong tháng không có nhiều biến động do giá nguyên liệu ổn định, cung tăng.

Mạnh Thân - VLXD.org
 

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng