Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Sắt, Thép

Tổng quan thị trường thép trong nước Quý I năm 2017

22/04/2017 - 06:00 CH

Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) và các bộ, ngành chức năng, trong quý I năm 2017, thị trường thép trong nước có nhiều biến động: sản xuất và tiêu thụ có mức tăng trưởng khá, tuy nhiên, lượng thép nhập khẩu vẫn tăng mạnh; giá thép đã biến động tăng từ 600 - 900 đồng/kg.
>> Quí I/2017: Lượng sắt thép phế liệu nhập khẩu tăng đột biến
>> Quý I/2017, lượng thép sản xuất và tiêu thụ tăng trưởng khá
>> Quý I/2017: Giá thép đã tăng từ 600-900 đồng/kg


1. Tình hình sản xuất - tiêu thụ:

  • Sản xuất:

Theo thống kê của VSA, trong quý I năm 2017, sản xuất thép trong nước tăng trưởng tốt, đạt 4,637 triệu tấn, tăng 18,8% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, sản lượng: thép xây dựng đạt 2,223 triệu tấn, tăng 23,8%;  ống thép đạt 0,421 triệu tấn, tăng 31,6%; tôn mạ đạt 0,995 triệu tấn, tăng 7,8%; thép cán nguội đạt 0,894 triệu tấn, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2016.


  • Tiêu thụ:

Trong quý I năm 2017, lượng tiêu thụ thép trong nước tăng trưởng khá, đạt 3,761 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, lượng tiêu thụ: thép xây dựng đạt 2,088 triệu tấn, tăng 3,3%; ống thép đạt 0,478 triệu tấn, tăng 16,6%; Tôn mạ đạt 0,713 triệu tấn, tăng 11,1%; Thép cán nguội đạt 0,785 triệu tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Nhận định về tình hình sản xuất và tiêu thụ thép trong quý I/2017, lãnh đạo VSA cho rằng, thị trường thép quý I có tăng trưởng so với cùng kỳ, tuy nhiên mức bán hàng vẫn đạt thấp hơn mức tăng trưởng dự báo cho năm 2017 là 12%. Nguyên nhân tiêu thụ không đạt khả quan so với dự báo bởi trước đó các đại lý, nhà phân phối tâm lý sợ giá thép tăng theo đà thế giới nên đã ôm hàng và bước sang giữa tháng 3 trở đi các đại lý, nhà phân phối gần như ít nhập hàng vào và đã tập trung xả hết lượng hàng đầu cơ, khiến cho lượng thép tiêu thụ trong quý I không đạt như kỳ vọng.

Không những vậy, thị trường thép trong nước còn ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh lớn từ thép nhập khẩu cũng tăng cao. Tính từ đầu năm đến ngày 15/3, Việt Nam nhập khẩu thép thành phẩm đạt tới 3,56 triệu tấn, với kim ngạch nhập khẩu đạt 2,2 tỷ USD, tăng 13% về lượng và tăng 64% về kim ngạch nhập khẩu.




2. Tình hình xuất - nhập khẩu:

  • Xuất khẩu

Trong quý I, toàn ngành thép đã xuất khẩu được 0,802 triệu tấn, so với cùng kỳ năm 2016, lượng xuất khẩu trong quý I năm 2017 đã tăng mạnh, với mức tăng 41% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, lượng xuất khẩu thép xây dựng đạt 0,243 triệu tấn; ống thép đạt 0,057 triệu tấn; tôn mạ đạt 0,345 triệu tấn, thép cán nguội đạt 0,155 triệu tấn.

Tuy có những tín hiệu vui song theo nhận định của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong những quý tiếp theo của năm 2017, thị trường xuất khẩu thép sẽ tiếp tục gặp khó khăn, bởi các thị trường nhập khẩu thép, sản phẩm thép, tôn mạ màu của Việt Nam như Hoa Kỳ, Australia, Indonesia, Malaysia, Thái Lan… đang tiến hành các vụ kiện tự vệ thương mại với các sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt các mặt hàng thép mạ kẽm, tôn mạ màu của Việt Nam đang có nguy cơ sẽ bị thu hẹp thị trường xuất khẩu.

  • Nhập khẩu:

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong quý I năm 2017, Việt  Nam đã nhập khẩu 4,195 triệu tấn sắt thép các loại, tương đương trị giá nhập khẩu đạt 2.359 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2016, lượng sắt thép nhập khẩu các loại đã giảm 8,5%, nhưng lại tăng mạnh về trị giá với mức tăng 41,6%.

Trong quý I/2017, sắt thép các loại chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc với mức 2,192 triệu tấn, tương đương trị giá 1,176 triệu USD, chiếm tỉ trọng 52,3% về tổng lượng và 49,9% về tổng trị giá nhập khẩu sắt thép trong quý. Tiếp đến là các thị trường như: Nhật Bản (0,549 triệu tấn với trị giá 324 triệu USD), Hàn Quốc (0,431 triệu tấn với trị giá 299,26 triệu USD), Đài Loan (0,396 triệu tấn với trị giá 212,46 triệu USD), Nga (0,2 triệu tấn với trị giá 9,986 triệu USD) và một số nước ASEAN, như Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Việc nhập khẩu lượng lớn thép từ Trung Quốc đang và sẽ tiếp tục đe dọa sản phẩm thép trong nước. Điều này khiến cho tình trạng nhập siêu ngày càng căng thẳng, tiêu tốn lượng lớn ngoại tệ cho nhập khẩu, gây áp lực lên điều hành tỷ giá. Bên cạnh đó còn làm cho nền kinh tế phụ thuộc ngày càng lớn vào hàng ngoại nhập, trong khi hàng sản xuất trong nước bị mất dần thị trường ngay trên sân nhà.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, xuất phát từ việc thép dài và phôi thép nhập khẩu tăng mạnh trong thời gian gần đây, Bộ Công Thương đã ban hành liên tiếp các biện pháp tự vệ tạm thời để bảo vệ các DN sản xuất trong nước. Sau các biện pháp tự vệ tạm thời, Bộ Công Thương đã áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với hai mặt hàng này từ ngày 22/3/2017 đến 21/3/2018. Các chuyên gia cho rằng, cùng với việc chúng ta vừa áp thuế phòng vệ thương mại tạm thời đối với mặt hàng thép hình, hy vọng biện pháp này sẽ góp phần làm giảm lượng nhập khẩu của các mặt hàng này vào Việt Nam.
 

3. Diễn biến giá thị trường

  • Diễn biến giá cả nguyên liệu thép thế giới:

VSA cho biết, trong quý I, tại thị trường thế giới, giá thép phế tiếp tục đà tăng cuối năm 2016 và đạt đỉnh ở mức 315 USD/tấn CFR Đông Á vào ngày 13/3/2017. Sau đó quay đầu giảm liên tục.  Giá phế liệu ở mức 250-255 USD/tấn CFR Đông Á đầu  tháng 2 và bắt đầu hồi phục tăng trở lại đến tuần thứ 3 của tháng 3/2017. Giá thép phế hiện duy trì ở mức 265-270 USD/tấn CFR Đông Á.

Cuối tháng 2/2017, giá phôi thép từ cuối tháng  2/2017 lại tiếp tục đà tăng mới cho đến ngày 9/3/2017 ở mức 445 – 450 USD/tấn CFR Đông Á. Sau đó chững lại và đến ngày 30/3 giảm khoảng 10 USD/tấn. Giá phôi giao dịch ngày 6/4/2017 ở mức 430-440 USD/tấn CFR cảng Đông Á.

Từ đầu tháng 3/2017, giá thép cuộn cán nóng đã bắt đầu giảm; mức giá cao nhất trong Quý I/2017 ghi nhận hồi là 511 USD/tấn ngày 27/2/2017. Ngày 6/4/2017, giá thép cuộn cán nóng ở mức 475-480 USD/tấn CFR Đông Á, giảm 34 USD/tấn so với đầu tháng 3/2017.

  • Diễn biến giá thị trường:

Thị trường thế giới: Giá chào bán phôi thép thị trường thế giới từ cuối tháng 01/2017 đến tháng 02/2017 tăng khoảng 10-15 USD/tấn so với tháng 12/2016; đến tháng 3/2017 giá chào phôi thép thị trường thế giới tăng khoảng 5-10 USD/tấn so với cuối tháng 02/2017; cụ thể: giá chào phôi thép CFR Đông Á ở khoảng 440-450 USD/tấn, giá chào phôi CIS khoảng 400 USD/tấn FOB Biển Đen.
 

Diễn biến lượng và giá thép nhập khẩu vào Việt Nam

Trong quý I, dù lượng nhập sắt thép của Việt Nam có giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giá sắt thép nhập khẩu đã và đang có xu hướng tăng khá mạnh. Cụ thể, trong tháng 3/2017, cả nước chỉ nhập hơn 1,6 triệu, nhưng tổng giá trị đạt 900 triệu USD, (đơn giá 562,5 USD/tấn). Giá sắt thép tăng gần 200 USD/mỗi tấn so với cùng kỳ năm 2016.

Theo lý giải của Hiệp hội Thép Việt Nam, giá thép nhập khẩu tăng mạnh trở lại thời gian gần đây là do giá phôi thép, thép xây dựng thế giới có xu hướng nhích lên. Trong khi đó, do ảnh hưởng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã 2 lần tăng lãi suất đồng USD trong 3 tháng qua, khiến giá thành sắt thép nhập khẩu cũng tăng trở lại.

Thị trường trong nước: Tổng Công ty thép Việt Nam cho biết, do tác động của giá phôi thép, thép phế trên thị trường thế giới tăng nên giá thép tại các nhà máy trong đầu tháng 3/2017 tăng 200-500 đồng/kg tùy từng chủng loại; giá bán tại các nhà máy chưa bao gồm chiết khấu, thuế GTGT khoảng 10.900-12.300 đồng/kg đối với thép cuộn và khoảng 11.000-12.500 đồng/kg đối với thép cây.

Giá thép xây dựng bán lẻ trên thị trường trong nước giữ ổn định trong tháng 01; tuy nhiên, sang tháng 02/2017, do tác động của giá phôi thép, thép phế trên thị trường thế giới biến động tăng và nhu cầu tiêu thụ thép trong nước tăng nên giá bán lẻ thép xây dựng trên thị trường trong nước tăng 200-400 đồng/kg; đến đầu tháng 03/2017 giá bán lẻ thép xây dựng tiếp tục tăng khoảng 200-500 đồng/kg. Tổng mức tăng 3 tháng đầu năm 2017 so với cuối năm 2016 tăng từ 600-900 đồng/kg tùy từng loại.

Mạnh Thân - VLXD.org
 

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng