Lũy kế từ đầu năm đến 15/3, cả nước xuất khẩu hơn 8 triệu tấn xi măng và clinker, kim ngạch đạt 295 triệu USD, tăng gần 1,5 triệu tấn, tương đương 22,46% so với cùng kỳ 2020, trong khi kim ngạch tăng gần 14%.
Sản lượng tăng mạnh hơn kim ngạch nên có thể thấy trị giá bình quân xuất khẩu xi măng và clinker giảm so với cùng kỳ 2020.
Cụ thể, những tháng đầu năm 2021 đạt 36,4 USD/tấn, trong khi thời điểm này của năm 2020 đạt hơn 39 USD/tấn.
Từ vài tháng cuối năm 2020 trở lại đây giá xuất khẩu clinker có biến động bất thường, giảm từ 40 USD/tấn xuống còn 32 - 33 USD/tấn. Sự sụt giảm này bắt đầu từ xuất khẩu clinker sang Trung Quốc, kéo theo sự giảm giá ở nhiều khu vực khác.
Cập nhật của Tổng cục Hải quan theo thị trường hết tháng 2, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu xi măng và clinker lớn nhất của Việt Nam với sản lượng hơn 2,4 triệu tấn, kim ngạch gần 80 triệu USD, tăng 35,7% về lượng nhưng chỉ tăng 23% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo thường niên của Hiệp hội xi măng Việt Nam (VNCA), ngành xi măng có 90 dây chuyền sản xuất clinker, xi măng với tổng công suất 106,6 triệu tấn (tính theo 80% clinker + 20% phụ gia).
Thực tế công suất có thể sản xuất khoảng 122 triệu tấn xi măng (70% clinker + 30% phụ gia), sản lượng xi măng sản xuất trong nước được phân bổ ở các nhà máy sản xuất clinker và 31 trạm nghiền không nằm trong khuôn viên nhà máy sản xuất clinker với tổng công suất thiết kế 22,3 triệu tấn xi măng/năm.
Ngoài ra còn 28 trạm nghiền xi măng độc lập, không có nguồn clinker cố định, với tổng công suất thiết kế 5,9 triệu tấn xi măng/năm; 21 trạm nghiền của các nhà máy xi măng lò đứng, với tổng công suất thiết kế 3,8 triệu tấn xi măng/năm.
Như vậy tổng số trạm nghiền là 80, tổng công suất thiết kế 32 triệu tấn xi măng.
VLXD.org (TH/ Hải quan)