Trung Quốc: sản lượng xi măng năm 2016 tăng
Hiện Trung Quốc có 19 công ty
sản xuất xi măng lớn. Theo số liệu của Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC), sản lượng xi măng của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2016 tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,77 tỷ tấn (trong khi 9 tháng đầu năm 2015 sản lượng đã giảm 4,7%). Theo Cục Thống kê Trung Quốc (NBS), lĩnh vực đầu tư bất động sản 9 tháng đầu năm tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước, do việc cắt giảm lãi suất và lãi suất tiền gửi thấp.
Mới 9 tháng đầu năm 2016 Trung Quốc đã cung cấp cho thị trường thế giới 1,77 tỷ tấn
xi măng, trong khi Việt Nam chỉ cung cấp khoảng 70 triệu tấn. Con số chênh lệch quá lớn, cộng với việc xuất khẩu là chiến lược dài hơi, thì xi măng Trung Quốc áp đảo
xi măng Việt Nam là điều hoàn toàn có thể diễn ra.
Thái Lan: Sản lượng xi măng tăng
Thái Lan có 11 nhà máy xi măng với công suất 46,7 triệu tấn/năm. Công ty Siam Cement là nhà sản xuất xi măng lớn nhất Thái Lan với 5 nhà máy có sản lượng 18,7 triệu tấn/năm, trong đó có 0,14 triệu tấn xi măng trắng. Nhu cầu về xi măng của thị trường nội địa ở Thái Lan chiếm khoảng ba phần tư tổng sản lượng xi măng trong nước. Còn lại là dành cho xuất khẩu, trong đó 70% sản lượng xi măng được xuất khẩu đến các quốc gia như Ấn Độ hay các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, nơi nhu cầu đang tăng nhanh hơn so với ở Thái Lan.
Indonesia – tiêu thụ xi măng giảm 9%
Hiệp hội Xi măng Indonesia cho biết,
tiêu thụ xi măng tháng 11/2016 giảm 9% so với tháng 10/2016, đạt 3,8 triệu tấn; trong đó tiêu thụ trong nước giảm 7% xuống còn 3,5 triệu tấn, xuất khẩu giảm mạnh 35% xuống còn 269.000 tấn.
Ella Nusantoro - nhà nghiên cứu về xi măng cho biết, tiêu thụ tháng 11 đạt thấp là do tiêu thụ trong tháng 10 tăng đột biến tới 49% so tháng 9.
Theo Hiệp hội xi măng Indonesia, tiêu thụ xi măng 11 tháng đầu năm giảm 3% so với mức 38,3 triệu tấn đạt được của 11 tháng năm ngoái; trong đó khoảng 90% lượng tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Công ty xi măng Holcim – Indonesia vừa khánh thành một dây chuyền sản xuất xi măng mới ở Lampung vào giữa tháng 11/2016. Điều này báo hiệu sự dư thừa của ngành công nghiệp xi măng Indonesia. Hiệp hội Xi măng Indonesia (ASI) đã cảnh báo lượng dư thừa từ hồi cuối mùa hè, vì sản xuất xi măng đã tăng gần gấp đôi, từ 59,3 triệu tấn năm 2012 lên 92,7 triệu tấn vào năm 2016 nhưng nhu cầu năm 2016 dự báo chỉ đạt 65 triệu tấn, dư thừa nguồn cung khoảng 27,7 triệu tấn. Tiêu thụ đã giảm ở tỉnh Jakarta, Banten và Tây Java. Tuy nhiên, nhu cầu tăng ở một số nơi như miền Trung Java, Yogyakarta và Đông Java nhưng với tốc độ thấp. Sản lượng xi măng năm 2017 sẽ đạt 66,3 triệu tấn/năm, do đó làm tăng nguồn cung dư thừa.
Công ty Xi măng Semen Indonesia – công ty sản xuất xi măng lớn nhất của Indonesia, báo cáo doanh thu đã giảm nhẹ, chỉ đạt 1,4 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2016 và lợi nhuận ròng của công ty đã giảm 8,4%, đạt 215 triệu USD, do lượng tiêu thụ và giá bán giảm vì sự cạnh tranh gia tăng. Công ty Indocement - nhà sản xuất lớn thứ hai của nước này cũng giảm doanh thu 11,9%, đạt 837 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2016 và lợi nhuận giảm 2,2%, đạt 231 triệu USD.
Nga: Tiêu thụ xi măng giảm
Theo số liệu từ Hiệp hội xi măng Nga (CMPRO), tiêu thụ xi măng của Nga 9 tháng đầu năm 2016 đã giảm 10,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 44,3 triệu tấn so với mức 49,8 triệu tấn trong 9 tháng năm 2015. Các nơi giảm lớn nhất là miền Trung, Volga, Siberia và khu vực Tây Bắc của liên bang Nga. Sản xuất xi măng cũng giảm 10,9%, từ mức 48,9 triệu tấn, xuống còn 43,5 triệu tấn. Nguyên nhân tiêu thụ và sản xuất giảm do thị trường xây dựng ảm đạm trong quý 3/2016.
Ấn Độ: nhu cầu xi măng giảm
Theo báo cáo của Ngân hàng Deutsche Bank, việc thay đổi chính sách tiền tệ của Ấn Độ làm giảm
nhu cầu xi măng năm 2016 khoảng 15-20%. Tốc độ tăng trưởng sẽ giảm 3% trong quý 4 của năm tài chính kéo dài đến cuối tháng 3/2017. Các nhà đầu tư dự báo nhu cầu giảm trong ngắn hạn.
Nhà nghiên cứu Chockalingam Narayanan cho rằng nhu cầu từ các dự án cơ sở hạ tầng lớn có thể bù đắp phần nào sự sụt giảm xây dựng trong khu vực dân cư. Tuy nhiên, đầu tư vào các dự án này có thể bị giảm do đầu tư phụ thuộc vào ngân sách của chính phủ. Doanh thu của dự án có thể bất lợi do thay đổi chính sách tiền tệ của Ấn Độ. Các dự án địa phương như đường giao thông nông thôn, dự án phát triển đô thị, nhà ở giá rẻ, thủy lợi... các dự án lớn về đường quốc lộ và đường sắt được chính phủ kiểm soát dự kiến sẽ ít ảnh hưởng.
Mỹ: tiêu thụ xi măng giảm
Theo số liệu sơ bộ của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), sản lượng xi măng của Mỹ trong quí III/2016 đã giảm nhẹ xuống 20,5 triệu tấn, so với mức 20,6 triệu tấn trong cùng kỳ năm 2015. Xuất khẩu xi măng giảm 3,7%, từ mức 27,4 triệu tấn xuống 26,4 triệu tấn. Tuy nhiên, trong cả 9 tháng đầu năm nay, cả sản xuất và xuất khẩu xi măng đều tăng.
Hiệp hội Xi măng Mỹ (PCA) đã hạ dự báo tiêu thụ xi măng trong năm 2016 xuống 2,7% so với ước tính trước đó là 4%. Và giảm mức dự báo cho 2017 xuống 3,1% từ mức dự báo trước đó là 4,2%, do sự bất ổn chính trị sau bầu cử, lạm phát và hoạt động xây dựng ảm đạm.
Lào: Siam Cement Group sẽ sản xuất 1,8 triệu tấn xi măng trong quý I/2017
Công ty Xi măng Siam Cement Group (SGG) có kế hoạch sản xuất 1,8 triệu tấn xi măng trong quý I/2017. Ông Roongrote Rangsiyopash chủ tịch và giám đốc điều hành của công ty SCG cho biết: một nửa sản lượng xi măng của nhà máy sẽ được tiêu thụ tại địa phương và phần còn lại sẽ xuất khẩu sang phía đông bắc của Thái Lan. Ông nói thêm rằng, Lào tiêu thụ khoảng 400.000 tấn/năm và SCG kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng trưởng 6 - 7% vào năm 2017 do các dự án cơ sở hạ tầng nhà nước được xây dựng.
Pakistan - tiêu thụ xi măng đạt mức cao
Tiêu thụ xi măng của Pakistan trong tháng 11/2016 đạt mức cao nhất, đạt 98,61% công suất, tiêu thụ 3,7 triệu tấn, so với 3,38 triệu tấn trong cùng kỳ năm ngoái; trong đó tiêu thụ trong nước tháng 11/2016 đạt 3,27 triệu tấn, so với 2,84 triệu tấn trong cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu giảm 10,39%, từ mức 533.000 tấn của tháng 11/2015, xuống 478.000 tấn trong tháng 11/2016.
Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất xi măng Pakistan (APCMA), tiêu thụ xi măng sẽ đạt 16,251 triệu tấn xi măng trong 5 tháng đầu tiên của năm tài chính này (kéo dài tới tháng 3/2017), tăng 9,89% so với mức 14,788 triệu tấn của tài khóa trước; trong đó, tiêu thụ trong nước 13,709 triệu tấn, tăng 12,13% so với cùng kỳ năm ngoái; lượng xuất khẩu là 2,542 triệu tấn tấn, giảm 0,79%.
Các
nhà máy xi măng ở phía bắc Pakistan tiêu thụ trong nước 11,305 triệu tấn và xuất khẩu 1,702 triệu tấn, đạt mức tăng trưởng tương ứng 11,05% và 4,3% so với cùng kỳ. Các nhà máy xi măng tại khu vực phía Nam tiêu thụ trong nước 2,404 triệu tấn, tăng 17,5% và xuất khẩu 839.000 tấn, giảm 9,72% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu xi măng tháng 11/2016 đạt 479.000 tấn, giảm 10,35% so với mức 534.000 tấn của tháng 11/2015.
Nguồn: VITIC