Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Thống kê xuất khẩu xi măng và clinker trong những tháng gần đây đã có dấu hiệu giảm tốc rõ rệt. Trong 6 tháng xuất khẩu xi măng, clinker đạt gần 16,2 triệu tấn, trị giá 740 triệu USD, giảm 22% về lượng, giảm 7,7% về trị giá so với cùng kỳ.
6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu gần 21 triệu tấn sản phẩm xi măng và clinker (gần bằng lượng xuất khẩu của cả năm 2017), trị giá 812 triệu USD, tăng lần lượt 27% và 32% so với cùng kỳ năm 2020.
Trung Quốc, Philippines, 2 thị trường xuất khẩu chính của xi măng, clinker Việt Nam đều có mức sụt giảm nhập khẩu sản phẩm từ các nhà cung cấp Việt Nam trong nửa đầu năm 2022. Nguyên nhân do Trung Quốc vẫn duy trì chính sách Zero-Covid, cùng với đó là thị trường bất động sản của nước này đang trong trạng thái suy giảm đã khiến sản lượng tiêu thụ xi măng tại Trung Quốc giảm mạnh trong thời gian qua. Còn đối với thị trường lớn thứ 2 là Philippines cũng bị ảnh hưởng bởi vận tải biển khó khăn và giá cước cao.
Xi măng, clinker xuất sang các thị trường FTA - CPTTP, đạt 685.232 tấn, tương đương 30,24 triệu USD, giá 44 USD/tấn, tăng 14,3% khối lượng, tăng 21% về trị giá và tăng 6% về giá so với cùng kỳ.
Trên bình diện chung, giá xuất khẩu trung bình và clinker 6 tháng qua đạt 45,5 USD/tấn, ước tăng khoảng 15% so với cùng kỳ, nhưng so với đà tăng của chi phí đầu vào, đặc biệt là than phục vụ sản xuất clinker đã tăng gần 500 USD/tấn vào thời điểm tháng 5/2022, so với mức giá 75 - 80 USD/tấn hồi cuối năm 2020, thì mức tăng giá xuất khẩu kể trên chưa thấm vào đâu.
Trao đổi với đại diện một doanh nghiệp sản xuất xi măng cho biết, với giá đầu vào tăng cao như hiện nay, nhất là giá than vừa tăng vừa khan hiếm thì doanh nghiệp càng sản xuất càng lỗ. Cao điểm khi giá than tăng, 1 tấn xi măng ước lỗ khoảng 200.000 - 240.000 đồng, kể cả có đầu ra tốt thì vẫn không hiệu quả.
Ngoài giá than phi mã do tác động không mong muốn từ xung đột Nga - Ukraine, cộng với giá tất cả các nguyên liệu đầu vào khác, giá điện, vỏ bao, nhân công, vận chuyển đều tăng do giá xăng dầu nhảy múa thì bài toán hiệu quả với các doanh nghiệp xi măng đang là vấn đề lớn, vị đại diện này xác nhận.
Tổng Công ty Xi măng Việt Nam cho biết, tháng 10/2020, loại than mà Vicem vẫn dùng có giá chỉ 50 - 60 USD/tấn, đến giờ có thời điểm 490 USD/tấn, tăng gấp 8 lần. Với giá than cao như vậy mà mang ra đốt để nghiền clinker thì doanh nghiệp khó có lãi.
Cùng với than nhập khẩu tăng gần chục lần, than trong nước cũng tăng giá mạnh, riêng tháng 5/2022, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có 2 lần tăng giá bán. Giá xăng dầu Thế giới và trong nước tăng gần 50% so với đầu năm đã kéo theo sự gia tăng của các chi phí cước vận tải và logistics.
Năm 2022, nguồn cung xi măng tiếp tục duy trì ở mức cao (khoảng 108 triệu tấn năm 2022), trong khi tiêu thụ nội địa dự kiến chỉ khoảng 65 triệu tấn, xuất khẩu tiếp tục là kênh tiêu thụ quan trọng của các doanh nghiệp trong ngành.
Ngành xi măng có rủi ro lớn do chi phí nguyên liệu chiếm 30 - 35% giá thành sản xuất. Việc thiếu hụt nguồn cung than và đá vôi khiến các nhà sản xuất phải mua nguyên vật liệu ở mức giá cao từ các nhà nhập khẩu làm giảm biên lợi nhuận. Công ty Chứng khoán Mirae Asset dự báo, các công ty xi măng sẽ giảm từ 3 - 4% biên lợi nhuận gộp trong năm 2022.
VLXD.org (TH)
Ý kiến của bạn