Khoa học
phong thủy
chia tính chất của cầu thang thành hai phần là Động khẩu (tiếp khí) và
Lai mạch (dẫn khí). Động khẩu nôm na được hiểu là miệng thang, trong
khoảng 3 - 5 bậc đầu. Lai mạch là phần còn lại bao gồm cả thân
cầu thang
lẫn chiếu nghỉ. Nguyên tắc bố trí cầu thang theo phong thủy là chú ý
tiếp khí trước rồi mới đến dẫn khí. Do vậy mà phần động khẩu (tiếp khí)
hay được bố trí tại các vị trí tốt căn cứ theo phương hướng khí vào nhà,
cấu trúc nhà, tuổi gia chủ và dạng cầu thang. Cho dù thân cầu thang sau
đó đi thẳng, uốn lượn thế nào, phần động khẩu cần là những bậc thang
đầu tiên thoải mái, tay vịn vững chãi, có khoảng lùi an toàn và dễ nhận
biết khi sử dụng. Căn cứ vào mức độ rộng hẹp của không gian, tác động
của luồng di chuyển đến động khẩu mà có các cách bố trí tương ứng, ví dụ
như với khách sạn thì nên nhấn mạnh các bậc đầu tiên, đặt chậu cây,
tượng trang trí nổi bật ở vị trí miệng thang. Còn chuyện thang có đi
thẳng ra ngoài hay không chỉ là vấn đề tâm lý và sử dụng, giải pháp
trung hòa là nên làm những bậc thang đầu tiên rộng rãi, có thể xoay
ngang hoặc xéo để tạo khoảng đệm đón khách và dẫn lối tốt hơn.
Nếu hiểu thêm về đặc tính ngũ hành của
vật liệu
thì sẽ thuận lợi trong quá trình chọn lựa và bố trí nội thất phù hợp.
Thực tế không có không gian nào chỉ thuần túy một hành mà luôn có sự
phối hợp nhiều hành trong quá trình chế tác, tạo nên bề mặt và
hoàn thiện. Phần cầu thang thuộc về cấu trúc giao thông, mang tính động, chịu va chạm nhiều, cách chọn
vật liệu
hợp phong thủy có thể theo hai hướng, tương hòa hoặc tương phản. Ví dụ
nhà theo lối thô mộc hiện đại, sàn nhà là đá hay bê tông thô, cầu thang
có thể bằng gỗ hay thép (bộ ba mộc - thổ - kim), hoặc có trường hợp cầu
thang toàn bằng... kính (dĩ nhiên là cường lực để chịu va chạm) sẽ khá
nổi bật và ấn tượng. Có thể xem xét một số vật liệu làm
thang theo ngũ hành như sau:
- Gỗ:
thuộc Mộc, khá phổ biến trong cầu thang nhà kiểu xưa. Tuy vậy, để làm
cầu thang toàn bằng gỗ trong công trình hiện đại thì chất liệu mộc ít
được chọn, bởi đòi hỏi thường xuyên bảo dưỡng, kiểu dáng chế tác công
phu và nguồn nguyên liệu không ổn định, đi ngược xu hướng bảo vệ tài
nguyên rừng. Một số vật liệu mới như nhựa có vân giả gỗ, hay tấm trải
vân gỗ cũng được dùng nhiều ở các resort, văn phòng, tuy nhiên trong nhà
ở thì chưa phổ biến.
Dù cầu thang bằng chất liệu gì (đá, sắt, gỗ...) thì yếu tố đi lại thoải mái và an toàn luôn đặt lên hàng đầu.
- Gạch, đá, gốm:
thuộc Thổ, đem lại chất vững chãi, ổn định, có nhiều khả năng cắt ghép
sinh động và chịu va chạm, mài mòn cao. Với dạng cầu thang công trình có
tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài như khách sạn, văn phòng thì
đây là lựa chọn phù hợp. Đá ốp lát thang cũng dễ phối kết với các chất
liệu khác như sắt uốn, tay vịn gỗ hoặc inox, lan can kính hoặc gỗ...
- Sắt, thép hoặc đồng: tuy
thuộc Kim và gắn liền với yếu tố kỹ thuật hiện đại, nhưng nếu sắt uốn
theo hoa văn cầu kỳ thì lại hợp kiểu nhà cổ điển Tây phương. Đối với cầu
thang sắt thì thường hay dùng ở không gian phụ, thang thoát hiểm hay
thang nhà xưởng. Trong nhà ở hoặc khách sạn, yếu tố Kim hiện diện chủ
yếu ở phần lan can, và nên có thiết kế đồng bộ với bông sắt bảo vệ cửa
để đạt tính tương hòa cao hơn.
- Kính các loại:
vừa có tính sáng bóng, sắc bén của hành Kim, vừa có sự lung linh dẫn
truyền ánh sáng của hành Thủy. Hiện nay lan can kính cường lực được sử
dụng khá nhiều trong công trình nhà ở lẫn công cộng, tạo nét sáng sủa và
hiện đại khi kết hợp với phụ kiện thép hoặc inox, do đó cũng hợp với
nội thất kiểu hiện đại hơn là kiểu cổ điển.
Những bề mặt có màu
đỏ, hồng, cam... cũng như các nét xéo, tam giác... đều thuộc hành Hỏa.
Ví dụ lan can thang bằng sắt sơn đỏ thì tính Hỏa là trên bề mặt, tính
Thổ hoặc Kim nằm trong kết cấu, có tác động mạnh đến thị giác, tâm lý
người sử dụng.
Như vậy, có thể thấy mỗi tính chất theo ngũ hành
của vật liệu cho cầu thang luôn đòi hỏi sự phối kết có tính toán, gia
giảm với không gian chung quanh. Để chọn được vật liệu phù hợp cho
thang, nên tham chiếu với không gian và phong cách nội thất một cách bao
quát, toàn diện.