Theo thông tin từ các nhà sản xuất, gạch ốp lát, gạch men ceramic xuất hiện tại Việt Nam từ sau năm 1986 và giữ vị trí “độc tôn” khoảng hơn 20 năm. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, các loại ván gỗ ốp lát trở thành một lựa chọn của ngày càng đông người tiêu dùng, nhất là ở khu vực đô thị, đã “châm ngòi” cho cuộc chiến giữa hai dòng sản phẩm này trên thị trường.
Sự “độc tôn” của gạch ốp sàn…
Gạch ốp lát đang phải “ngậm ngùi” chia sẻ thị phần khách hàng với ván gỗ.
Gạch ốp lát là loại nguyên vật liệu dùng cho xây dựng được phổ biến từ lâu đời trên thế giới. Người ta có thể nhìn thấy sản phẩm này trên những công trình cổ xưa cho đến các công trình hiện đại như các trung tâm thương mại, nhà ở...
Khởi thủy, người La Mã cổ đại đã giới thiệu cách thức làm gạch tại Tây Âu khi họ đến chiếm đóng vùng lãnh thổ này. Sau đó, nền công nghiệp sản xuất gạch ốp lát được phát triển bởi Herbert Minton vào năm 1843 tại Anh Quốc, sau nhiều giai đoạn thất truyền. Trong thế kỷ 20, sau chiến tranh thế giới thứ I và thứ II, các thành phố bị tàn phá trở thành những công trường xây dựng khổng lồ. Chính điều đó đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của ngành vật liệu xây dựng, trong đó có ngành sản xuất gạch ốp lát.
Ngày nay, công nghệ sản xuất gạch ốp lát đã tiến bộ vượt bậc, những kỹ thuật công nghệ sản xuất tiên tiến cho ra đời nhiều mẫu gạch ốp lát như: gạch ceramic (gạch men), gạch granite (gạch porcelain), gạch granite phủ men…
Tại Việt Nam, hiện có hàng ngàn doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát. Sản xuất gạch ốp lát tại Việt Nam là một trong số ít các ngành công nghiệp vươn lên tầm cỡ khu vực và thế giới. Theo thống kê năm 2017, tổng công suất đạt tới 500 triệu m2/năm, đứng đầu Đông Nam Á và thứ 6 thế giới. Riêng gạch sản xuất granite hiện có công suất trên 60 triệu m2/năm.
Chia sẻ với phóng viên, nghệ nhân Nguyễn Văn Bình (Bát Tràng, Hà Nội) với hàng chục năm kinh nghiệm về các loại gạch, gốm sứ cho biết, kỹ thuật làm gạch, gốm trong xây dựng các công trình thời Lý, Hoàng thành Thăng Long, Cung đình Huế, các lăng tẩm vua chúa… đã ở mức rất cao, nhiều kỹ thuật hiện nay đã thất truyền.
“Gạch ốp lát tráng men xuất hiện tại Việt Nam khoảng hơn 30 năm nay, được thị trường, người tiêu dùng rất ưa chuộng. Không chỉ sử dụng trong các công trình dân dụng, nhà ở, gạch men ốp lát còn là nguyên vật liệu chính tạo nên các tác phẩm nghệ thuật như đôi rồng ở Hồ Tây, tuyến đường đê Sông Hồng và một số công trình khác”, nghệ nhân Nguyễn Văn Bình cho biết.
Hồi tưởng lại những ngày “độc tôn” của gạch ốp lát, anh Trường, chủ đại lý vật liệu xây dựng TOTO (34 Cát Linh, Hà Nội) với hơn 20 năm kinh doanh chia sẻ, vào nửa cuối những 1990 đầu năm 2000, các dòng sản phẩm gạch ốp lát phát triển rất mạnh bởi các tính năng ưu việt nó mang lại cho công trình. Hơn nữa, thị trường vật liệu xây dựng hoàn thiện lúc bấy giờ ít có sự cạnh tranh từ các sản phẩm khác, nên gạch ốp lát vẫn là ưu tiên hàng đầu cho các công trình xây dựng. Tuy nhiên, “sự trị vì” đó đến nay đã không còn như xưa khi sản phẩm gỗ ốp lát xuất hiện.
… kẻ thứ hai xuất hiện
Sự xuất hiện của "kẻ thứ hai" đã phá vỡ thế độc tôn của gạch ốp lát.
Trao đổi với phóng viên, kiến trúc sư Vũ Quốc An, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, trước năm đổi mới đất nước (1986) chúng ta vẫn ốp sàn bằng các loại gạch xi măng in hoa. Tuy nhiên, từ sau thời gian này, đã xuất hiện gạch ốp lát có tráng men dù chỉ xuất hiện hạn chế trong những căn hộ, công trình sang trọng.
Theo kiến trúc sư Vũ Quốc An, mặc dù gạch ốp lát tráng men xuất hiện từ sau năm 1987, nhưng mãi đến cuối thập niên 90 mới phát triển đại trà và giữ vị trí số 1 khoảng hơn 20 năm cho đến khi xuất hiện ván gỗ ốp lát và các vật liệu khác khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh mạnh mẽ của sản phẩm cùng loại là hàng nhập ngoại, nhất là thị trường Trung Quốc, với giá thành rẻ, mẫu mã bắt mắt cũng làm cho thị trường gạch ốp lát tại Việt Nam bị lấn sân.
Theo thống kê của Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, hiện có khoảng gần 1.500 doanh nghiệp gạch với gần 4.000 dây chuyền sản xuất đang hoạt động tại Trung Quốc. Công suất trung bình của các doanh nghiệp này ước tính đạt 45 triệu m2/ngày. Điều đó có nghĩa là thị trường gạch ốp lát tại Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng dư cung, gây sức ép lớn cho hoạt động tiêu thụ và xuất khẩu của các doanh nghiệp. Đặc biệt, hiện nay cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến cho thị trường xuất khẩu của sản phẩm gạch ốp lát của Trung Quốc bị thu hẹp. Do đó, Việt Nam là một trong những thị trường hướng đến của gạch Trung Quốc.
Ở góc độ khác, theo nhận định của các chuyên gia, trong khoảng thời gian hơn 10 năm trở lại đây, ván gỗ trong ốp lát đã trở thành lựa chọn được ưu tiên, nhất là gỗ công nghiệp - loại vật liệu có thể thi công, lắp đặt, ốp trang trí cho nhiều ứng dụng khác nhau, có thể dùng ván gỗ ốp lát trong nội thất, ốp gỗ trên tường trong nhà, ốp gỗ trần nhà, ốp gỗ vách ngăn giữa các phòng… Sản phẩm này ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn nhiều cho căn hộ, văn phòng, showroom trưng bày sản phẩm, shop thời trang, spa…
“Hiện có sự cạnh rất lớn trong nhóm vật liệu xây dựng hoàn thiện và đưa người tiêu dùng xa dần với gạch ốp lát, buộc gạch ốp lát phải chia sẻ thị phần với ván gỗ ốp lát trong thị trường vật liệu nội thất hoàn thiện hiện nay”, đại điện nhà phân phối gạch gốm COTTO Hạ Long (Cát Linh, Hà Nội) chia sẻ.
Đang trong giai đoạn hoàn thiện căn hộ của gia đình, chị Linh, ở tòa nhà Starup Tower, Đại Mỗ, Hà Nội chia sẻ: “Thời gian xây nhà, tôi đã tìm hiểu rất nhiều loại nguyên vật liệu hoàn thiện. Lúc đầu gia đình cũng băn khoăn giữa gạch và ván ốp lát, trang trí cho căn nhà. Tuy nhiên, sau thời gian tìm hiểu và được bạn bè khuyến cáo, gia đình tôi đã lựa chọn ván gỗ công nghiệp ốp lát sàn cho căn hộ của mình. Thậm chí, chúng tôi không cần trát tường mà ốp trang trí hoàn toàn bằng ván gỗ”.
Ở góc độ khác, theo khảo sát của phóng viên tại các đại lý phân phối vật liệu xây dựng ở Cát Linh (Hà Nội), phần lớn các chủ đại lý ở đây cho rằng, thị trường vật liệu xây dựng hoàn thiện hiện nay có sự cạnh tranh rất gay gắt từ hàng truyền thống với hiện đại, nội địa và nhập ngoại. Đơn cử, gạch ốp lát đang bị cạnh tranh mạnh và chia sẻ thị phần với ván gỗ ốp lát trong nội thất hiện nay. Tuy nhiên, với bề dày phát triển từ lâu cũng như công nghệ sản xuất đã ở tầm thế giới, không dễ để ngành gạch ốp lát chịu thua trong cuộc chiến này.
VLXD.org (TH/ Đầu tư BĐS)