Muôn vàn cách làm giả
Thị trường sơn Việt Nam đang phát triển rất sôi động với sự góp mặt của nhiều nhãn hàng nổi tiếng hàng đầu thế giới. Theo một số nhà thầu xây dựng, hiện nay phương thức làm giả, làm nhái, “ăn theo” các nhãn hàng này rất đa dạng mà nếu không phải là người am hiểu hoặc không mua hàng từ các cửa hàng được ủy quyền phân phối hàng chính hãng thì rất dễ mua phải sơn kém chất lượng.
Chiêu thức đầu tiên đó chính là làm nhái bằng cách sử dụng thiết kế bao bì và các dấu hiệu tương tự gây nhầm lẫn với thiết kế bao bì và các nhãn hiệu đã được bảo hộ của hàng chính hãng. Tuy nhiên, với chiêu thức làm hàng nhái này, người tiêu dùng chỉ cần chú ý quan sát có thể dễ dàng nhận biết.
Tinh vi hơn, các đối tượng làm giả sẽ sử dụng hình thức “thùng thật sơn giả”: thu mua những thùng sơn đã sử dụng của các hãng sơn nổi tiếng, sau đó cho sơn “rẻ tiền” vào và bán lẫn với những thùng sơn thật khiến cho khách hàng dễ dàng nhầm lẫn.
Thậm chí, cũng với thủ thuật “thùng thật sơn giả”, nhiều đối tượng sẽ mua hóa chất ở các chợ chuyên bán hóa chất và tự pha chế thành sơn, sau đó đóng vào thùng rồi bán cho người tiêu dùng.
Một chiêu thức gian lận nữa cũng đang được các đối tượng xấu sử dụng rộng rãi hiện nay đó là rút bớt khối lượng sơn từ các thùng sơn thật của các hãng sơn nổi tiếng. Cụ thể, người bán sẽ mua các thùng sơn thật chất lượng cao, sau đó rút bớt khoảng 10 – 15% khối lượng bên trong sang 1 thùng mới. Như vậy, từ 7 - 8 thùng ban đầu đã có ngay 1 thùng sơn nữa và khách hàng khi mua với số lượng lớn thường không để ý đến mức hao hụt này.
Từ công tác khảo sát thị trường cũng như từ kết quả xử lý một số vụ việc vi phạm thời gian qua cho thấy hiện nay, ngoài các điểm sản xuất, kinh doanh sơn giả, sơn nhái tự phát, nhỏ lẻ thì cũng còn rất nhiều nơi việc sản xuất, kinh doanh sơn giả, sơn nhái diễn ra ở quy mô và mức độ rất tinh vi, chuyên nghiệp. Đặc biệt là vào thời điểm nhu cầu sơn xây dựng tăng cao như dịp cuối năm hoặc ở vùng sâu vùng xa, nơi công tác quản lý thị trường còn chưa thực sự chặt chẽ, sơn giả, sơn nhái lại càng có cơ hội hoành hành.
Doanh nghiệp sản xuất: chủ động ứng phó
Trên thực tế, không chỉ khách hàng chịu thiệt khi mua phải sơn giả, sơn nhái mà các doanh nghiệp sản xuất cũng phải hứng chịu rất nhiều thiệt hại. Ngoài thiệt hại về kinh tế khi để có được một sản phẩm chất lượng đưa ra thị trường, doanh nghiệp sản xuất phải đầu tư rất lớn từ khâu nghiên cứu thị trường, thiết kế, sản xuất, tiếp thị, tổ chức hệ thống bán hàng, phân phối… còn là những thiệt hại về uy tín, thương hiệu.
Chính vì vậy, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, nhiều doanh nghiệp sản xuất sơn hiện nay đã tự chủ động bảo vệ mình bằng rất nhiều cách như sử dụng thùng sơn với thiết kế đặc biệt, sử dụng tem chống giả công nghệ hiện đại, đồng thời công khai thông tin dấu hiệu nhận biết hàng chính hãng trên website cũng như các phương tiện truyền thông đại chúng để người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận, kiểm tra…
VLXD.org (TH/ TTDN)