Nồm là hiện tượng ngưng tụ của nước từ dạng hơi thành dạng lỏng khi có
quá nhiều hơi nước trong không khí. Khi trời nắng, nhiệt độ không khí
bên ngoài cao hơn trong nhà nên hơi nước ngưng tụ trong nhà dù ngoài
trời rất quang đãng. Độ ẩm không khí càng cao, bề mặt các đồ vật càng
lạnh sự ngưng tụ càng nhanh và nhiều.
Để chống nồm, một số người thường bật điều hòa hoặc dùng máy hút ẩm. Tuy nhiên, hai phương pháp này có một số bất tiện như tốn điện, khả năng hút ẩm chỉ mang tính cục bộ và không phải nhà nào cũng có hai phương tiện này.
Một biện pháp chống nồm khác là tăng nhiệt độ trong nhà để tăng ngưỡng ngưng tụ nước. Chỉ có điều biện pháp này đòi hỏi rất nhiều năng lượng, rất tốn kém nếu dùng lò sưởi điện, rất bất tiện và nguy hiểm nếu dùng lò sưởi than.
Nhưng có một “lò sưởi” khá phổ biến, “chạy” bằng năng lượng mặt trời ở ngay trên mỗi nóc nhà của chúng ta. Đó chính là mái tôn vốn được thiết kế để chống nóng và chống thấm dột.
Chỉ cần một chút nắng nhẹ, tôn sẽ hấp thụ ánh sáng mặt trời, tăng nhiệt độ rất nhanh và truyền nhiệt ra xung quanh khiến không khí dưới mái tôn thường cao hơn không khí bên ngoài từ vài độ tới cả chục độ (nhưng vẫn thấp hơn mức nóng mà một mái bê tông có thể đạt được nếu hấp thụ trực tiếp ánh nắng mặt trời nên mái tôn vẫn có tác dụng chống nóng).
Tất cả những gì ta cần làm là đặt một quạt hút gió nhỏ ở dưới mái tôn và quạt không khí nóng xuống các tầng dưới theo ô trống giữa cầu thang hoặc nếu cần thì theo các ống dẫn không khí bằng vải hoặc nilon.
Phương pháp này không chỉ có hiệu quả trong những ngày có nắng mà cũng có hiệu quả nhất định ngay trong những ngày trời mù hay mưa phùn vì không khí ở trên cao nhìn chung vẫn ít ẩm hơn không khí ở phía dưới.
Cần lưu ý làm sạch trần nhà và mái tôn để không khí thổi xuống không có bụi, mốc. Cũng nên lưu ý bố trí công tắc bật – tắt quạt ở phía dưới để dễ điều khiển.
Đây là giải pháp đối với các nhà đã được xây. Với những nhà sắp xây dựng, có thể yêu cầu các nhà kiến trúc và xây dựng tích hợp luôn các phương tiện chống nồm trong quá trình xây dựng.
Như vậy, làm mái tôn không chỉ để chống nắng nóng vào mùa hè, chống mưa bão vào mùa thu mà còn có thể dùng để sưởi ấm vào mùa đông và chống nồm ẩm vào mùa xuân.
Mạnh Thân - VLXD.org