Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

VLXD hoàn thiện tường, trần

Những điều cần lưu ý khi lần đầu tự sơn tường nhà

27/01/2021 - 01:18 CH

Nếu đang có ý định tự tay sơn lại tường nhà, các gia chủ nên tham khảo một số hướng dẫn tự sơn tường nhà sau đây, để bức tường sau khi sơn được phẳng mịn và ưng ý nhất. 
Lưu ý trước khi tự sơn tường nhà

- Bảo vệ những phần không sơn: Nội thất, ổ điện, nền nhà, cửa sổ… là những khu vực cố định hoặc rất khó để di chuyển toàn bộ khi sơn tường. Bởi vậy, trước khi tiến hành sơn nhà, gia chủ nên có sự chuẩn bị để bảo vệ các phần không gian này. Có thể sử dụng băng dính trắng để che chắn các phần không sơn, hoặc sử dụng màng bọc thực phẩm loại lớn, nilon đa năng… bất cứ cách nào có thể đảm bảo những khu vực này không bị dính sơn, gây mất thẩm mỹ.


- Xử lý tường cũ và kiểm tra kỹ các vị trí cần chống thấm: Các vị trí khuyết góc như bồn cây, lan can, đầu hồi… là những khu vực dễ bị thấm nước. Các gia chủ nên chú ý xử lý chống thấm thật kỹ cho các khu vực này, tránh tình trạng không mong muốn xảy ra về sau. Bên cạnh đó, việc xử lý tường cũ cũng vô cùng quan trọng. 2 tiêu chí để xử lý tường cũ gồm: sạch và khô. Bề mặt sạch là bề mặt không còn bụi bẩn, dầu mỡ, rong rêu… Độ ẩm tường cần dưới mức 16% khi đo bằng máy đo độ ẩm, để đảm bảo điều kiện khi sơn tường.

- Dặm lại sơn cho các khu vực khuyết góc: Các vị trí như ổ điện, cầu thang, chân tường, bậu cửa… thường là những khu vực bị bong tróc sơn nhanh hơn nhiều so với các mảng tường xung quanh. Trước khi sơn phủ toàn bộ tường nhà, các gia chủ nên chú ý dặm vá, trám trét thêm một lớp sơn nữa cho các vị trí này, để lớp sơn tổng thể lên màu đẹp nhất sau khi hoàn thiện.

- Chuẩn bị lượng sơn: Để tránh lãng phí vật tư và chi phí, các gia chủ nên tìm hiểu kỹ và tính toán lượng sơn cần thiết trước khi bắt tay sơn tường. Các bước cần thực hiện là: đo đạc chính xác diện tích căn phòng hoặc diện tích những mảng tường cần sơn, đối chiếu với số liệu và dự toán sơn cần sử dụng từ phía nhà cung cấp, hoặc tìm hiểu thông tin từ chuyên gia, KTS, hoặc những người đã có kinh nghiệm tự sơn tường nhà. 

Lưu ý trong khi tự sơn tường nhà

- Thứ tự các lớp sơn: Để bề mặt tường mịn - mượt và phẳng đẹp nhất, có 3 bước sơn cơ bản các gia chủ cần nắm rõ là: sơn bả (bột trét), sơn lót, và sơn phủ sau cùng. Trong đó, sơn bả (bột trét) là lớp sơn đầu tiên, có tác dụng làm phẳng bề mặt cần sơn. Nên chọn loại sơn tốt, có độ bám dính cao, vì thành quả sơn cuối cùng phụ thuộc rất nhiều vào bước sơn bả này. Tiếp theo, bước sơn lót cũng vô cùng quan trọng, có tác dụng ngăn chất kiềm, hơi ẩm thoát ra, tránh làm hỏng mảng sơn tường bên ngoài. Sơn lót có khả năng chống thấm, chống mốc được ưu tiên lựa chọn hàng đầu. Cuối cùng là lớp sơn phủ, nên lựa chọn sơn phủ phù hợp với không gian nhà ở, đồng thời có tính tương thích tốt với lớp sơn lót. Tổng hòa các yếu tố trên, lớp sơn tường của gia đình bạn sẽ vô cùng lâu bền và mang tính thẩm mỹ cao.

- Thời gian và mật độ sơn: Đối với lớp sơn bả, các gia chủ nên tiến hành sơn với độ dày khoảng 0,8mm - 1mm (độ dày mảng khô khoảng từ 0,5mm - 0,6mm), sau đó, để khô trong vòng 16 tiếng dưới nhiệt độ 30oC. Đối với lớp sơn lót, tiến hành sơn thật đều tay và để khô trong vòng 2 giờ ở nhiệt độ 30oC (đối với sơn nước) hoặc 4 giờ (đối với sơn dầu). Đối với sơn phủ, sơn thật đều tay và để khô từ 2 giờ - 4 giờ dưới nhiệt độ 30oC (hoặc tùy theo hướng dẫn của nhà sản xuất).

Lưu ý sau khi tự sơn tường nhà

Các gia chủ nên kiểm tra thường xuyên lớp sơn tường sau khi đã hoàn thiện, cũng cần theo dõi sát thời tiết để có biện pháp ứng phó kịp thời. Điều này rất quan trọng, đặc biệt là với những gia chủ tự sơn tường ngoại thất. Các tiêu chí cần kiểm tra và đánh giá thường xuyên có thể kể đến như: kiểm tra xem bề mặt sơn có láng mịn, màu sắc có đồng đều không, có chỗ nào bị phồng rộp hoặc thay đổi so với hôm trước không. Các gia chủ cũng nên chuẩn bị sẵn các phương án dự phòng, trong trường hợp cần thi công thêm một lớp sơn phủ nữa để đảm bảo bề mặt tường được phẳng mịn và lâu bền nhất có thể.
 
VLXD.org (TH/ Happynest)

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng