Vật liệu tự làm mát “made in Việt Nam”.
TS. Nguyễn Đình Dũng, thành viên của nhóm, cho biết, có thể tận dụng các loại nhựa tái chế, nhựa từ rác thải... để làm nguyên liệu đầu vào. Với chi phí sản xuất vào khoảng 150.000 - 180.000 đồng/m
2, vật liệu này có thể dùng để lợp mái, tấm trần nhà, tấm ốp tường hay làm mát các nhà xưởng công nghiệp. Tấm vật liệu xây dựng có khả năng duy trì các công trình xây dựng luôn luôn ở trạng thái dưới 30°C.
Tấm vật liệu xây dựng tự làm mát kích thước 1m
2 sẽ có trọng lượng khoảng 36 - 39kg. Trên mỗi tấm đều có rãnh hẹp và gờ nhỏ để ghép các tấm với nhau. Mỗi tấm sẽ có 4 lỗ nhỏ để dễ dàng bắt vít vào tường, trần hoặc mái công trình. Khi ghép các tấm với nhau, các lỗ bắt vít sẽ được che kín để tạo tính thẩm mỹ.
Sản phẩm ngoài tính năng tự làm mát còn giúp chống bám bụi, trầy xước, rêu mốc, chống ồn. Để thử khả năng tự làm mát trên thực tế, nhóm đã xây dựng ngôi nhà mô hình có đối chứng, một sử dụng tấm làm mát, một chỉ sử dụng tấm gỗ ép dày 2cm.
TS. Nguyễn Đình Dũng cho hay, các thành phần trong tấm vật liệu này đều không độc hại với con người và môi trường. Đây là một ưu điểm so với các sản phẩm sơn bởi lẽ trong sơn vẫn có nhiều dung môi hữu cơ độc hại cho sức khỏe.
Bề mặt của tấm vật liệu xây dựng tự làm mát có độ bóng nhẵn cao (một điều kiện để phản xạ ánh sáng mặt trời mạnh), do đó tạo nên giá trị thẩm mỹ cao. So với sơn, tấm vật liệu xây dựng tự làm mát có độ bền cơ học cao hơn vì dày 1,5 cm được bắt vít chắc chắn vào tường thay vì chỉ bám dính bề trên mặt như sơn.
Chất kết dính các thành phần trong tấm vật liệu xây dựng tự làm mát là polymer, vốn là vật liệu rất bền về hóa học, chịu được tác động của các chất kiềm hoặc axit.
“Trong khi các nhóm khác chỉ tái chế rác thải thành các sản phẩm thấp cấp thì chúng tôi tìm kiếm phương pháp tái chế rác thải thành sản phẩm cao cấp, có chất lượng cao và tính năng vượt trội.
Các sản phẩm cao cấp luôn dễ được mọi người chấp nhận hơn, bởi thế mở ra khả năng sử dụng rộng rãi, và cũng vì thế mở rộng khả năng tái chế rác thải hiệu quả”, TS Dũng cho hay.
VLXD.org (TH/ Giaoducthoidai)