Dự địa tăng trưởng còn rất lớn
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2019, hoạt động xây dựng tăng trưởng 9 - 9,2% so với cùng năm 2018; tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt 39,2% (tăng 0,8% so với năm 2018). Hệ thống đô thị toàn quốc hiện có 835 đô thị, xu hướng đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ và sẽ tiếp tục tăng trong vòng 10 năm tới. Tổng diện tích nhà ở tăng thêm khoảng 50 triệu m
2 sàn. Tổng giá trị sản xuất toàn ngành xây dựng đạt 358.684 tỷ đồng, đóng góp 5,94% cơ cấu GDP cả nước.
Còn theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019, Hà Nội hiện có khoảng 8 triệu dân với mức diện tích nhà ở trung bình là 26,1 m2/người. Trong khi đó, số dân tại TP.HCM là gần 9 triệu dân với diện tích nhà ở trung bình là 19,4 m
2/người (con số thực tế, gồm cả những người không có hộ khẩu thường trú, tạm trú tại 2 thành phố này lớn hơn nhiều). Tổng diện tích nhà ở cần thêm mỗi năm tại Hà Nội vào khoảng 4,7 triệu m
2, tại TP.HCM là khoảng 4 triệu m
2.
Với tốc độ tăng dân số trung bình tại cả Hà Nội và TP.HCM ở mức khoảng 2,2%, nhu cầu về xây dựng nhà ở tại hai thành phố này được đánh giá là còn rất lớn.
Trong khi đó, theo dự báo, mức tăng trưởng trong lĩnh vực khách sạn, bất động sản du lịch và chung cư cao cấp sẽ giữ nguyên mức tăng trưởng hai chữ số trong các năm tiếp theo. Đặc biệt, mới đây, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã có công văn hướng dẫn các Sở Tài nguyên và Môi trường về việc cấp chứng nhận quyền sở hữu với căn hộ du lịch (condotel), đã tạo nên tín hiệu tích cực cho phân khúc thị trường này.
Theo thống kê, nhiều nhà đầu tư đã và đang lên kế hoạch triển khai nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng lớn ở các địa phương như Quảng Ninh, Kiên Giang, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận…
Diễn biến trên cho thấy, dư địa để ngành sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có vật liệu xây không nung phát triển còn rất lớn.
Với
vật liệu xây không nung, theo Thông tư 13/2017 của Bộ Xây dựng, các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung, các dự án từ 9 tầng trở lên phải sử dụng ít nhất 80% vật liệu xây không nung…
Thông tư này, cùng với các chính sách khuyên khích đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung trước đó được Chính phủ, các bộ, ngành ban hành đã tạo động lực cho ngành sản xuất vật liệu xây không nung phát triển mạnh trong 10 năm qua. Trong các sản phẩm vật liệu xây không nung, trong khi gạch không nung đang gặp khó khăn nhất định do vấn đề chất lượng sản phẩm và kỹ thuật thi công, thì tấm tường thạch cao lại đang có nhiều ưu thế.
Nhu cầu với tấm tường thạch cao đang rất lớn.
Thị trường vật liệu xây dựng không nung đang nóng lên từng ngày trước nhu cầu của thị trường, trong đó tấm trần, tường thạch cao đang có nhiều ưu thế. Làm phép tính đơn giản, trung bình hiện này mỗi hộ gia đình Việt Nam dùng khoảng gần 2 m
2 tấm tường thạch cao/năm, nhất là thị trường phía Nam và các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, thì nhu cầu với loại vật liệu này lớn đến mức nào, ông Nguyễn Văn Sáu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thạch cao GYPRO Việt Nam cho biết.
Cùng quan điểm, kiến trúc sư Vũ Quốc An (Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam) cũng cho biết, trong thiết kế xây dựng cần độ tinh xảo với các chi tiết mềm. Do đó, thạch cao là vật liệu hoàn thiện được ngành xây dựng ưa chuộng, nhất là khu vực phía Nam có khí hậu nóng ấm, không ẩm ướt. Bên cạnh lượng tiêu thụ lớn từ các nhà dân thì phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng là nơi tiêu thụ lớn sản phẩm từ tấm thạch cao, nhất là khi xu hướng “xanh hóa” trong xây dựng đang được nhiều chủ đầu tư chú trọng.
Cung chưa đủ cầu
Ông Nguyễn Văn Sáu nhận định, thị trường tấm tường thạch cao là phân khúc có nhiều tiềm năng ở Việt Nam, nhưng nguồn cung hiện chưa đáp ứng được nhu cầu.
Cụ thể, theo ông Sáu, trên thị trường Việt Nam hiện nay mới chỉ có 6 Công ty sản xuất về tấm tường thạch cao. Trong đó, có 4 Công ty nước ngoài là Saint - Gobain Việt Nam (Tập đoàn Saint - Gobain - Pháp), có công suất 25 triệu m
2/năm; Knauf Việt Nam (Tập đoàn Knauf - Đức), công suất 18 triệu m
2/năm; Bral Việt Nam (Tập đoàn USG Boral - Mỹ), công suất 15 triệu m
2/năm; Yoshino Gypsum Việt Nam (Tập đoàn Yoshino Gypsum - Nhật Bản), nhưng chủ yếu là nhập khẩu sản phẩm từ Nhật Bản về Việt Nam. Hiện Công ty đang xây dựng nhà máy tại Vũng Tàu, có công suất gần 20 triệu m
2/năm, dự kiến đi vào sản xuất khoảng tháng 2/2021.
Chỉ có 2 công ty Việt Nam sản xuất về mặt hàng này là Công ty Cổ phần Thạch cao GYPRO Việt Nam, công suất hơn 10 triệu m
2/năm và Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh sông Diêm (TaFo) có công suất 5 triệu m
2/năm.
Ngoài 6 công ty trên, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam cũng bấp bênh theo nhu cầu thị trường và rất khó thống kê.
Với thị trường hơn 90 triệu dân như Việt Nam, nếu làm phép cộng đơn giản các công suất hiện nay thì tính trung bình mỗi người dân chưa được 2 m
2/người/năm, trong khi Thái Lan là 5 m
2/người/năm. Chỉ cần tiến tới 5 m
2/người như Thái Lan, thì thị trường Việt Nam sẽ tiêu thụ 500 triệu m
2/năm. Với sức tiêu thụ đó, tổng công suất hiện nay của cả nước chỉ đáp ứng được khoảng gần 50% sức tiêu thụ, ông Sáu đánh giá và dự báo, thời gian tới, nhu cầu của thị trường khu vực phía Nam chắc chắn sẽ lên trên 2 m2/người/năm, vì khí hậu phía Nam khô hơn, không ẩm như miền Bắc. Còn thị trường phía Bắc khoảng 2 m
2/người/năm.
Trong khi đó, ông Vũ Quốc An cho rằng, phần lớn các tấm thạch cao trên thị trường dân dụng hiện nay là nhập khẩu từ nước ngoài. Những sản phẩm này rất khó kiểm soát về chất lượng, cũng như an toàn khi sử dụng. Lượng sản xuất của các công ty tại Việt Nam hiện chỉ đủ đáp ứng cho các dự án bất động sản lớn, các dự án nghỉ dưỡng, du lịch…, trong khi nhu cầu tiêu dùng về sản phẩm này rất cao với nhiều tính năng vượt trội như trọng lượng nhẹ, chống cháy, nổ, chống nóng, cách âm… Do đó, để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường, thị trường tấm tường thạch cao cần lượng cung lớn hơn nữa rất nhiều.
Đây là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp sản xuất tấm tường thạch cao nói riêng và sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng thông minh, thân thiện môi trường khai thác, ông An nhận định.
VLXD.org (TH/ Đầu tư BĐS)