Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Bê tông

Hiệu quả kinh tế của việc dùng bê tông trang trí

10/06/2015 - 09:42 CH

Bê tông trang trí là một trong những sản phẩm công nghệ cao trong ngành xây dựng. Sản phẩm thay thế gạch truyền thống trước đây, ưu điểm lớn nhất là giảm sự ô nhiễm môi trường do sản xuất gạch và giảm kinh phí sản xuất (nguyên liệu nung gạch, tráng men, ủ nhiệt độ…) mà tiêu chuẩn đạt được không thua kém gạch truyền thống.
>> Bê tông trang trí và các phương thức chế tạo

Hàng ngàn năm qua, bê tông đã được sử dụng trong xây dựng và là loại nguyên liệu được sử dụng nhiều nhất trong các công trình xây dựng. Với công nghệ tiên tiến ngày nay, bê tông đơn thuần đã được cải tiến để trở thành loại nguyên liệu trang trí hiệu quả, mới lạ, độc đáo, có tính cách sáng tạo, thân thiện với môi trường và ngày càng trở nên quá đỗi quen thuộc trong lĩnh vực kiến trúc nói riêng và xây dựng nói chung.

Khác với nền bê tông truyền thống với một màu tẻ nhạt, bê tông màu trang trí với màu sắc, mẫu mã, hoa văn,... đa dạng đã tạo nên một diện mạo mới cho sàn bê tông. Sản phẩm đa dạng về kiểu dáng tạo nên nghệ thuật thẩm mỹ của mọi thời đại. Do đó trong bài viết này, tác giả muốn đề cập đến hiệu quả kinh tế của việc dùng bê tông trang trí trong các công trình xây dựng.

Bê tông trang trí đã được sản xuất đầu tiên vào thế kỉ 19 (năm 1915) tại Mỹ có tên ban đầu là “bê tông tem” hay “bê tông đóng dấu”. Người đầu tiên sản xuất ra loại bê tông này là Brad Bowman ở Carmel - California (Mỹ). Ông đã in dấu mẫu gạch bằng lưới gỗ lên trên bề mặt bê tông nền. Sau đó, ông đã phát triển tem nền bằng tấm kim loại và cuối cùng là khuôn đúc nhôm. Đến năm 1970, nhà sáng chế Brad Bowman đã chuyển giao công nghệ cho tập đoàn Bomanite lấy tên là bê tông trang trí và sản xuất hàng loạt tại Hoa Kỳ. Ngoài Brad Bowman đã có công đóng góp rất lớn vào ngành công nghiệp bê tông trang trí thế giới còn có Mike Archambault (Pari- Pháp), Clark Branum và Joe Nasvik (Mỹ).

Mike Archambault đã đóng góp vai trò quan trọng trong ngành bê tông trang trí và chuyển giao các kỹ thuật sản xuất từ Mỹ sang Châu Âu, Châu Phi, và Châu Á.

Clark Branum đã đưa dự án bê tông trang trí của mình đến với các công trình nổi tiếng thế giới như Disneyland Hồng Kông và Venetian Ma Cao - Trung Quốc.

Joe Nasvik là người tiên phong trong việc xử lý bề mặt, đóng dấu bề mặt bê tông từ nhỏ sang lớn và đưa phụ gia siêu dẻo vào trong bê tông trang trí.

Với những thành tích nổi bật của mình, cả 4 cá nhân trên đã được ngành công nghiệp bê tông trang trí thê giới tôn vinh tại hội chợ triển lãm vào tháng 02 năm 2012 ở San Antonio Texas với những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp này.

Ngày nay, ở các nước phát triển khác như Anh, Đức, Italia, Hà Lan, Tây Ban Nha,…, bê tông trang trí được sử dụng khá phổ biến trong các công trình xây dựng và kiến trúc, đặc biệt là các bộ phận công trình dùng để trang trí bề mặt ngoài như: facad, sảnh toà nhà, bề mặt quán bar, mặt cầu thang, các chi tiết uốn lượn (bể bơi, dòng sông lười), vỉa hè, nền đường…



Ưu điểm của bê tông trang trí:

- Thi công nhanh chóng;

- Thân thiện môi trường;

- Dễ dàng bảo quản;

- Độ bền và chịu đựng mài mòn cao;

- Tiết kiệm kinh phí và đầu tư lâu dài;

- Thích hợp mọi kích cỡ công trình;

- Giảm tối đa chi phí bảo dưỡng, bảo trì;

- Làm tăng giá trị cho công trình.

Khác với nền bê tông truyền thống với một màu xi măng tẻ nhạt, bê tông trang trí đã cho ra đời một sàn bê tông với đa dạng màu sắc, mẫu mã, hoa văn và đã tạo nên một diện mạo mới cho các sàn bê tông. Sàn này được đổ, tạo màu và hoa văn tại chỗ ngay khi nền bê tông đang ướt. Điều đó đã kết hợp được các ưu điểm của bê tông cộng thêm các mẫu hoa văn đã tạo nên sự khác biệt của dòng sản phẩm này.

Hiện nay, bê tông trang trí phù hợp với hầu hết các thiết kế và công trình xâydựng từ sàn trong nhà cũng như các đường dạo, sân, đường cho ô tô… Với hoa văn của đá tự nhiên, của nền gạch cổ… các sản phẩm bê tông trang trí tạo ra một phong cách riêng độc đáo cho từng công trình.

Trong thực tế sản xuất đã có một số công ty sản xuất bê tông trang trí như Socoin, Bomanite, Mỹ Á và công ty bê tông trang trí Việt Nam. Hiện nay, bê tông trang trí đã được làm ở các công trình lớn ở trong nước từ khu du lịch, vui chơi, giải trí, thư giãn như: Khu du lịch: Đại Nam, Suối Tiên, Công viên giải trí Bà Nà Hills và FantasyPark – Đà Nẵng, Công viên Becamex – Bình Dương, sân gold: TwinDoves, Vân Trì, Đầm Vạc, resort Mũi Né, những công trình mang tính công nghiệp cho các công ty như: Toà tháp Seryna – Hà Nội, Intel Việt Nam, Việt Tiến, Saigon Airport Plaza, Vinamilk,… cho đến các khu đô thị, nhà hàng, khách sạn, trường học như: Khu đô thị Ecopark – Hà Nội, Sky Garden (Phú Mỹ Hưng), Splendora - Bắc An Khánh – Hà Nội, Pacific Place, Rex Hotel, Grand Hotel, Khách sạn: Edensee Lake & Spa ở Đà Lạt, khách sạn Continental ở Thành phố Hồ Chí Minh, Shri Restaurant, Hoàng Yến Restaurant My Way Restaurant, hệ thống cửa hàng thời trang Runway, Đại học Thái Nguyên,… và hàng loạt các biệt thự cao cấp cũng như nhiều công trình lớn nhỏ khác.

Công nghệ thi công bê tông ốp khuôn (stamped concrete)

Thông số so sánh

Bê tông trang trí

Bê tông thường

1/ Đơn giá

1.000.000 – 1.300.000 VNĐ/m3 (bao gồm cả hoàn thiện)

850.000-1.300.000/m3 tuỳ từng mác bê tông (chưa bao gồm hoàn thiện)

2/ Tốc độ thi công

Như nhau, mặc dù bê tông trang trí có ít nhất 2 lớp

3/ Môi trường

Không xuất hiện rêu mốc, cỏ dại, dễ vệ sinh khi bị nấm bẩn

Xuất hiện rêu mốc, cỏ dại, khó vệ sinh khi bị bám bẩn

4/ Chi phí bảo dưỡng, bảo trì

Thấp

Cao

5/ Tính thẩm mỹ

Màu sắc, hoa văn đẹp, đa dạng

Chỉ có duy nhất 1 màu

6/ Độ mài mòn

Chịu mài mòn cao do có thêm 1 lớp trang trí bảo vệ

Chịu mài mòn

7/ Giá trị công trình

Tăng

Bình thường

(Bảng so sánh giữa bê tông thường và bê tông trang trí)


Theo bảng so sánh trên thì có rất nhìều tiêu chí để so sánh, tuy nhiên với bài báo này chỉ đề cập sâu đến vấn đề tốc độ thi công bê tông trang trí với bê tông ốp khuôn dày 5cm và lớp cứng bề mặt dày từ (3 - 5) mm so sánh với tốc độ thi công bê tông thường. Sau đây là một quy trình thi công bê tông trang trí

Phương pháp thi công

 Công tác chuẩn bị

- Nhận mặt bằng thi công: mặt bằng thi công phải bằng phẳng, không lồi lõm.

- Tập kết thiết bị và vật tư vào công trình.

- Bao che và che chắn vị trí thi công (nếu cần thiết).

- Vệ sinh lại bề mặt thi công để thuận tiện trong quá trình thi công.

 Thi công lớp bê tông cơ bản dày 7 cm

- Thi công lu đầm nén mặt bằng (Phải đầm chặt theo hệ số k95 hoặc K98 theo TCVN).

- Rải đá base và tiếp tục thi công lu đầm nén.

- Trải lớp nilon xuống mặt nền cần đổ tránh mất nước cho xi măng khi đổ bê tông.

- Tiến hành gia công và lắp đặt cốt thép, cốt thép được sử dụng là thép, phi 8a150, có tác dụng chống nứt, chịu tải trọng cho công trình (Hoặc sắt tuỳ theo chủ đầu tư).

- Dùng bê tông tươi hoặc bê tông tự trộn tại công trường tuỳ từng trường hợp cụ thể. Kiểm tra độ sụt và chất lượng bê tông trước khi tiến hành đổ mẫu. Tiến hành đuc mẫu theo yêu cầu quy định của chủ đầu tư.

Tiến hành đổ bê tông khi các công việc đã hoàn tất. Tuỳ khối lượng cụ thể mà phương pháp đổ bê tông sẽ thực hiện bằng cơ giới hay thủ công.

 Thi công lớp bê tông ốp khuôn dày 5 cm

- Thi công lắp đặt ván khuôn tạo các ô vuông hoặc chữ nhật (tác dụng như một khe co dãn trên mặt bằng). Tuỳ theo diện tích bề mặt thi công mà ta thiết kế lắp đặt mẫu khuôn sao cho hợp lí và hài hoà với mặt bằng.

- Thi công đổ bê tông.

   + Trong quá trình đổ bê tông, ta trộn thêm vật liệu Fiber có tác dụng chống sủi bọt và giữ nước cho bê tông.

   + Bê tông sử dụng là bê tông đá 1x2 mác 200 hoặc 250, độ dày 500 mm. Tiến hành đổ bê tông xong, làm phẳng bề mặt nền. Đảm bảo bề mặt phải phẳng không lồi lõm.

- Chờ bê tông hơi ráo bề mặt bắt đầu tiến hành rắc đều bột Color Hardener (Lớp bột màu cơ bản và có tác dụng làm cứng bề mặt), sử dụng các dụng cụ chuyên dùng xoa bề mặt tạo thành lớp bề mặt thứ nhất.

- Tiếp tục rắc lớp bột màu hoàn thiện Release Agent (Lớp bột màu hoàn thiện có tác dụng tạo hiệu ứng màu sắc và chống dính khuôn), rắc đều lên bề mặt, xoa phẳng bề mặt bằng tay và dụng cụ chuyên dùng.

* chú ý thường thì các màu của 2 lớp gần tương đồng với nhau. Ví dụ như màu tối phải đi kèm với màu tối, màu sáng phải đi kèm với màu sáng.

- Sau khi hoàn thành lớp bột màu thứ 2 trên bề mặt thi công, bắt đầu tiến hành dập khuôn cho bề mặt nền (Khuôn mẫu tuỳ chọn). Tiến hành dập khuôn theo một hướng nhất định trên bề mặt, đảm bảo cho khuôn luôn được đồng đều trên bề mặt.

- Sau thời gian khoảng 1 ngày kể từ ngày dập khuôn và lấy khuôn mẫu ra ta tiến hành vệ sinh bề mặt nền. Dùng máy bơm áp lực cao để vệ sinh bề mặt, vệ sinh thật kỹ, sạch sẽ.

- Đối với khu vực có nhiều màu chống dính khuôn mà phun nước không sạch, ta dùng thêm Acid Wash với tỉ lệ nhỏ để rửa bề mặt đúng với màu đã chọn.

- Tiến hành quét/phun lớp Sealer tạo độ cứng và bóng cho bề mặt nền.

- Sau thời gian 7 ngày thì bề mặt thi công được đưa vào sử dụng.

* Chú ý sau khi quét sealer đã khô có thể đi lại trên bề mặt nhưng tránh tác dụng lực quá mạnh lên bề mặt vừa mới thi công xong.

Nhận xét: Với quy trình công nghệ thi công bê tông ốp khuôn như trên cho thấy tốc độ thi công của loại bê tông này ngang bằng bê tông thường mặc dù thi công bê tông 2 lớp.

Như vậy, với việc sử dụng bê tông trang trí cho sàn thì hiệu quả kinh tế đạt rất cao. Bài toán hiệu quả này ngoài việc xét trên các tiêu chí như nói ở trên, quan trọng hơn cả là tốc độ thi công loại bê tông này cho thấy sự ưu việt vượt trội hơn bê tông thường mà chất lượng được đảm bảo do có 2 lớp.

Theo Bộ Xây dựng

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng