Nhôm được các kiến trúc sư đánh giá cao không chỉ vì độ bền chắc, đáp ứng được tính thẩm mỹ cao, linh hoạt tạo hình cho nhiều ứng dụng mà còn đáp ứng xu hướng bền vững của thế giới và thân thiện với môi trường. Ưu điểm đầu tiên của nhôm khi ứng dụng vào nhà cửa là trọng lượng nhẹ. Nhờ việc dùng nhôm làm cửa đi, cửa sổ hay vách ngăn, tổng thể trọng lượng công trình sẽ giảm đáng kể, không chỉ tiết kiệm chi phí xây dựng mà còn tăng sự bền vững cho tòa nhà.
Nhôm còn bền chắc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Ở môi trường bên ngoài, khi nhôm tiếp xúc với oxy sẽ tạo nên một lớp phủ oxit trên bề mặt, giúp sản phẩm không bị rỉ sét dù phải chịu tác động bởi mưa gió. Nhờ vậy, trong các ứng dụng làm mặt dựng, nhôm luôn giữ được vẻ ngoài đạt chất lượng thẩm mỹ cao, duy trì nét đẹp xuyên thời gian. Đây là ưu điểm vượt trội của nhôm khi được dùng tại những nơi có khí hậu nóng ẩm mưa nhiều như tại Việt Nam.
Một đặc tính quan trọng khác của nhôm là khả năng phản xạ ánh nắng cao hơn so với các kim loại khác. Chính vì thế, các sản phẩm thanh nhôm với các khoang đa năng cách nhiệt, khả năng ghép nối kín khít giữa các thành nhôm, cùng khả năng kết hợp đa dạng với hệ thống phụ kiện đi kèm… góp phần không nhỏ trong việc giảm lượng nhiệt thất thoát hoặc hấp thụ vào ngôi nhà. Từ đó, giảm tiêu thụ điện năng và giúp chủ nhà tiết kiệm chi phí cho hệ thống điều hòa trong những tháng hè.
Bên cạnh đó, đặc tính dễ tạo hình của nhôm còn giúp các kiến trúc sư có thể thỏa trí sáng tạo với các công trình. Tại Hà Lan, một ngôi nhà nhôm với thiết kế hiện đại theo lối tối giản tạo ấn tượng từ mọi góc nhìn. Những tấm nhôm bao quanh phần ngoại thất thay đổi sắc độ tùy thuộc vào lượng nắng chiếu vào. Kết hợp cùng với những tấm kính lớn, bức tường nhôm tạo nên khung cảnh hòa trộn, biến đổi liên tục của ánh sáng và bóng râm bên trong ngôi nhà.
Trong kiến trúc, nhôm được ứng dụng rất nhiều từ ngoại thất đến nội thất. Điều quan trọng là phải chọn lựa được thương hiệu chất lượng cao, với tiêu chí đầu tiên là khung dày bền chắc, chuẩn hợp kim nhôm với tỷ lệ khoảng 98% nhôm nguyên chất cùng 2% hợp kim - tỷ lệ chuẩn cho sự vững chắc của nhôm thanh, đạt các tiêu chuẩn khắt khe trong nước và thế giới (Hoa Kỳ) như ASTM B221M-21, QCVN 16:2017/BXD.
So sánh với các chất liệu khác thì nội thất nhôm có thời gian sử dụng lâu dài, lên đến hàng chục năm, không mối mọt, không rỉ sét, lại có giá thành hợp lý. Chính vì thế, các sản phẩm từ nhôm như khung cánh tủ, tủ nội thất, tủ bếp… thường được nhiều khách hàng ưa chuộng. Nhờ các ưu điểm trên, nhôm đang tạo ra một xu hướng xây dựng mới - bền chắc hơn, thân thiện với môi trường hơn.
VLXD.org (TH/ Dân trí)