>>
Xu hướng phát triển ngành sản xuất VLXD trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 (P2)
>>
Xu hướng phát triển ngành sản xuất VLXD trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 (P1)
3. Giải pháp cho ngành vật liệu xây dựng phát triển bền vững
Hiện nay, CMCN 4.0 đã mở ra cho ngành sản xuất VLXD nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ngành sản xuất VLXD sẽ góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng đô thị thông minh, giá trị sản xuất của ngành cũng sẽ tăng trưởng dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ với những tính năng của VLXD công nghệ 3D, sản xuất và xây dựng theo công nghệ in 3D, dùng robot trong các công đoạn sản xuất, chế tạo, cho phép tiết kiệm được thời gian, nhân lực và nguyên liệu sản xuất.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đang là một trong những nước dẫn đầu về đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đạt khoảng 5,7% GDP, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ hai tại châu Á sau Trung Quốc. Hàng loạt các công trình hạ tầng được khởi công xây dựng và hoàn thiện, hệ thống giao thông được mở rộng, các cảng biển, hàng không được nâng cấp tạo thuận lợi cho giao thông, vận tải nguyên, nhiên liệu sản xuất cũng như các loại sản phẩm VLXD. Bên cạnh thuận lợi, ngành sản xuất vật liệu cũng gặp phải không ít khó khăn về thị trường và tiêu thụ, sự cạnh tranh của hàng ngoại nhập…
Để phát triển VLXD bền vững, hài hòa các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường, đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước và xuất khẩu, trong thời gian tới, cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách như: ban hành chính sách ưu đãi đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào các ngành công nghiệp vật liệu mới kết hợp với các hoạt động giới thiệu, khuyến khích đầu tư. Đồng thời, xây dựng, ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành công nghiệp vật liệu mới bao gồm xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất, xúc tiến đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực...
Sản xuất vật liệu xây dựng xanh hướng tới sự phát triển bền vững.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp vật liệu mới thông qua các hiệp định thương mại đã ký giữa Việt Nam và các nước; xây dựng hệ thống hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp ngành công nghiệp vật liệu mới; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và nâng cao trình độ công nghệ sản xuất vật liệu công nghiệp; đổi mới công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, gắn nghiên cứu với sản xuất; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực từ đào tạo công nhân bậc cao, công nhân lành nghề cho đến các nhà quản lý doanh nghiệp.
Cần tận dụng chất thải để tái sản xuất VLXD. Năng lượng tiêu thụ để sản xuất một số VLXD phổ biến hoàn toàn có thể tái sử dụng có hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng như: chất thải phá dỡ từ các công trình xây dựng; chất thải kim loại, chất thải từ các nhà máy nhiệt điện, chất thải từ các nhà máy luyện thép, chất thải thủy tinh, chất thải vỏ trấu, dầu thải các loại,… Lấy một ví dụ về chất thải rắn từ phá dỡ các công trình xây dựng cũ: Việt Nam hiện nay đang trong giai đoạn cần phá dỡ hàng loạt các công trình cũ, hết tuổi thọ khai thác để xây dựng mới. Như vậy, lượng chất thải rắn từ chính các công trình phá dỡ sẽ rất lớn. Chúng hoàn toàn có thể tái sử dụng lại trong xây dựng mới, nhất là làm cốt liệu. Nếu tận dụng triệt để, chúng sẽ giảm thiểu đáng kể lượng vật liệu khai thác từ thiên nhiên. Đồng thời, giảm thiểu đáng kể năng lượng tiêu tốn cho khai thác và gia công vật liệu thiên nhiên. Điều đó đồng nghĩa với việc tiết kiệm được nguồn tài nguyên và hạn chế gây ô nhiễm. Hay nói khác đi, đó là một giải pháp để thực hiện mục tiêu sử dụng vật liệu “xanh”.
Tuy nhiên, cũng cần phải lường trước được những rào cản cản trở tiến trình tận dụng chất thải, nhất là trong lĩnh vực xây dựng. Rào cản cho tiến trình này có thể kể đến như: sự bảo thủ và trì trệ trong văn hóa và cách nghĩ về tận dụng và sử dụng các vật liệu được sản xuất từ một phần hoặc toàn bộ vật liệu thải; những tiêu chuẩn quy phạm mang tính lý thuyết cứng nhắc; vốn và các nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu… Đây thực tế cũng là những thách thức mà các nước phát triển đã gặp phải ở mấy thập niên trước.
• Sử dụng vật liệu có độ bền cao
Một vật liệu được coi là bền vững, cần phải đạt được đồng thời các chỉ tiêu về đặc tính cơ học như cường độ, mô đun đàn hồi, khả năng chịu biến dạng, chịu mài mòn; các chỉ tiêu về vật lý như các tính chất có liên quan đến khối lượng thể tích, nhiệt, âm, nước; và đặc biệt phải có khả năng chống chịu các tác nhân xâm thực trong quá trình khai thác dưới các tác động của các yếu tố môi trường như ăn mòn, cacbonat hóa và lão hóa. Có như vậy tuổi thọ khai thác của công trình mới đạt được theo dự kiến.
• VLXD bền vững có tính quyết định đến hiệu quả công trình
Một công trình xây dựng sử dụng vật liệu có độ bền cao sẽ kéo dài được tuổi thọ khai thác của công trình. Chi phí đầu tư ban đầu có thể cao hơn so với truyền thống nhưng bù lại, chi phí cho khai thác thấp (phản ánh thông qua chi phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa…). Bên cạnh đó, vòng đời sử dụng vật liệu được kéo dài là một yếu tố quan trọng góp phần giảm thiểu năng lượng tiêu tốn cho xây dựng và khai thác cũng như giảm thiểu lượng chất thải tạo ra. Những lợi ích đó không chỉ nâng cao được hiệu quả vốn đầu tư mà còn góp phần vào mục tiêu giữ gìn sự bền vững của môi trường sống.
Cũng tương tự như vậy, trong xây dựng mặt đường có chất kết dính bitum, khi mà điều kiện khí hậu của Việt Nam thúc đẩy nhanh quá trình hóa già của bitum, và đó là yếu tố chủ yếu dẫn tới phá hoại kết cấu mặt đường. Nếu vấn đề nêu trên được quan tâm nghiên cứu một cách có hệ thống và các loại bitum có tốc độ hóa già phù hợp được sử dụng thì sẽ góp phần đáng kể để nâng cao tuổi thọ của con đường và chắc chắn hiệu quả đầu tư, khai thác các con đường sẽ được nâng cao hơn.
• Vật liệu mới, kết cấu mới, công nghệ mới
Khoa học kỹ thuật đang phát triển từng giờ, góp phần tạo ra những tiến bộ vượt bậc trong mọi lĩnh vực. Nhờ đó, các VLXD tiên tiến đã ra đời đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Hầu hết các nghiên cứu về VLXD trên thế giới đều hướng tới những giải pháp vật liệu có độ bền cao, tuổi thọ khai thác dài, qua đó giảm thiểu được các tác động đến môi trường. Khi tiến bộ khoa học phát triển kéo theo nó là công nghệ nghiên cứu về vật liệu được nâng lên một bước. Vật liệu được quan sát cấu trúc ở mức vi mô hơn để hiểu biết về chúng chính xác hơn. Các khuyết tật được nhìn nhận rõ ràng hơn để từ đó có được các giải pháp cải tiến tốt hơn. Công nghệ nano phát triển đi kèm là cấu trúc nano của vật liệu được giải đáp. Các khuyết tật và các giải pháp cải tiến vật liệu ở mức cấu trúc nano được thực hiện giúp nâng cao các đặc tính của vật liệu lên rất nhiều.
• Công nghệ mới sẽ đem lại nhiều loại vật liệu bền vững
Ngoài ra, việc sử dụng vật liệu mới và kết cấu mới nên được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với việc áp dụng công nghệ mới. Sẽ là không hiệu quả nếu các vật liệu mới được áp dụng trên nền của các loại kết cấu cũ và sử dụng công nghệ thi công truyền thống. Cũng giống như việc áp dụng vật liệu “xanh”, vấn đề định hướng và áp dụng các vật liệu mới, kết cấu mới và công nghệ tiên tiến luôn gặp phải những rào cản trên con đường để trở nên phổ biến. Một mặt, việc áp dụng chúng có thể sẽ tăng chi phí đầu tư ban đầu, một trong những nguyên nhân mang tính trực quan khó thuyết phục được các nhà quản lý, đầu tư; mặt khác, thói quen của những người sử dụng khó có thể chấp nhận một sự đổi mới toàn diện. Bên cạnh đó là trình độ khoa học kỹ thuật còn hạn chế của số đông các kỹ sư cũng cản trở sự áp dụng phổ biến những vật liệu bền vững này.
(Hết)
(Cao Tiến Cường, Phạm Thị Huyền - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân)
VLXD.org