Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Diễn đàn Vật liệu xây dựng

Ngành vật liệu xây dựng bí đầu ra

26/09/2024 - 07:36 SA

Ngành vật liệu xây dựng tuy có năng lực sản xuất lớn nhưng lại đang bí đầu ra, khi thị trường nhà ở phục hồi chậm, thế nên đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là tại các công trình giao thông trọng điểm, được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề này.
“Bão ngầm” trong ngành

Những năm gần đây, lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng trong nước ghi nhận sự phát triển vượt bậc nhờ lượng vốn lớn đầu tư của doanh nghiệp. Trong đó, mảng xi măng đạt tổng công suất 122 triệu tấn/năm, đứng tốp đầu thế giới, tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay lên đến 500.000 tỷ đồng (tương đương 20 tỷ USD).
 

Gạch ốp lát đạt tổng công suất 831 triệu m2/năm, tổng mức đầu tư ước khoảng 4 tỷ USD. Sứ vệ sinh đạt tổng công suất 26 triệu sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư ước khoảng 1 tỷ USD. Kính xây dựng có tổng công suất 5.900 tấn thủy tinh/ngày (tương đương 331 triệu m2 kính/năm), tổng mức đầu tư ước khoảng 2 tỷ USD.

Riêng với thép, sản xuất thép thô của Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 13 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN với sản lượng trên 20 triệu tấn/năm, mức tăng trưởng dự kiến trên 10%/năm.

Hồi giữa tháng 8/2024, dự án Nhà máy Thép Xanh của Tập đoàn Xuân Thiện (Nam Định) đã chính thức được phê duyệt, với tổng công suất dự kiến lên tới 7,5 triệu tấn/năm trong 5 năm tới sẽ giúp Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm những thị trường sản xuất thép hàng đầu khu vực.

Tuy nhiên, trái với tốc độ gia tăng năng lực sản xuất, các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành lại đang có dấu hiệu thụt lùi trong hoạt động kinh doanh do chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước cùng việc thị trường bất động sản hồi phục chậm.

Báo cáo từ các hiệp hội (xi măng, kính, gốm sứ…) cho thấy, trong năm 2023, có 42 dây chuyền xi măng tạm dừng sản xuất 1-6 tháng, thậm chí một số dây chuyền dừng cả năm (tương ứng công suất phải dừng hoạt động chiếm 30% tổng công suất thiết kế); kính xây dựng từ năm 2023 đến nay có 3 dây chuyền tạm dừng sản xuất trên 6 tháng, một dự án dừng triển khai; sản lượng sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng không nung giảm mạnh, công suất khai thác chỉ đạt 40% công suất thiết kế; sản lượng gạch ốp lát năm 2023 đạt 360 triệu m2, chỉ bằng 45% tổng công suất thiết kế...

Còn theo khảo sát về kết quả kinh doanh của nhóm công ty đại chúng ngành vật liệu xây dựng được thực hiện bởi Vietnam Report, cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm trong năm 2023. Cụ thể, xấp xỉ 47% doanh nghiệp có tổng doanh thu giảm dưới 25% và gần 32% giảm trên mức này; tỷ lệ lợi nhuận giảm trên 25% tiếp tục gia tăng so với năm 2022, trong đó tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ tăng 23,8%.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, báo cáo của FiinTrade đối với các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán (bao gồm HOSE, HNX, UPCoM) cho thấy, nhóm doanh nghiệp xây dựng và vật liệu dù ghi nhận quý thứ 3 liên tiếp tăng trưởng về lợi nhuận ròng, nhưng nhiều cái tên vẫn trong tình trạng thua lỗ như Vicem Bút Sơn (lỗ ròng 92 tỷ đồng), Vicem Hải Vân (lỗ ròng gần 30 tỷ đồng); Thép Pomina (lỗ ròng 279 tỷ đồng), Thép Tiến Lên (lỗ ròng hơn 153 tỷ đồng); Gốm sứ Taicera (lỗ ròng 25,71 tỷ đồng), Viglacera Hạ Long (lỗ ròng 24,5 tỷ đồng)…

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, ngành vật liệu xây dựng trong nước bị ảnh hưởng do thị trường bất động sản khó khăn kéo dài, tốc độ đầu tư xây dựng giảm sút, nhiều công trình, dự án hạ tầng và nhà ở chậm triển khai, phải giãn, hoãn tiến độ. Bên cạnh đó, chi phí cước vận tải tăng làm tăng giá bán vật liệu xây dựng, cộng thêm sự cạnh tranh gay gắt với sản phẩm nhập ngoại.

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, chỉ 44.600 tấn xi măng và clinker được xuất sang thị trường Trung Quốc, mang về dòng ngoại tệ gần 1,57 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm trước đạt hơn 24 triệu USD.

Năm 2023, Trung Quốc - thị trường xuất khẩu xi măng trọng điểm của Việt Nam, đã giảm nhập khẩu tới 90% do khủng hoảng của ngành bất động sản nước này. Không chỉ vậy, Trung Quốc còn đẩy mạnh xuất khẩu xi măng sang các thị trường nhập khẩu xi măng chính của Việt Nam, làm gia tăng cạnh tranh về giá ở những thị trường này.

Ở ngành thép, trong năm 2023, lượng sắt thép của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đạt 8,2 triệu tấn, tương đương hơn 5,6 tỷ USD, chiếm 54% tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam tiếp tục nhập khẩu hơn 8,2 triệu tấn thép (tăng 48% so với cùng kỳ năm trước) với tổng giá trị gần 6 tỷ USD (tăng 25,4%). Số nhập khẩu sản phẩm từ sắt thép là hơn 3 tỷ USD, tăng 24,8%.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế cho hay, xu hướng nhập khẩu thép Trung Quốc tăng mạnh xuất phát từ nguyên nhân kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại, thị trường bất động sản nguội lạnh khiến nhu cầu tiêu thụ sắt thép yếu đi.

Khi đó, Trung Quốc sẽ gia tăng xuất khẩu thép ra nước ngoài. Hiện tại, Trung Quốc chiếm hơn 1/2 sản lượng thép của thế giới, nên chỉ cần thay đổi chiến lược tăng xuất khẩu ra nước ngoài cũng gây nhiều áp lực lên các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Kỳ vọng đầu tư công

Sau bão lũ, không chỉ nhà xưởng, cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, mà nhà ở của người dân cũng bị hư hại, nên nhu cầu sửa chữa tăng đột biến. Ghi nhận thực tế thị trường cho thấy, các sản phẩm được hỏi mua nhiều nhất là mái ngói, ống nước, thiết bị điện, thiết bị vệ sinh, gạch lát nền..., sản lượng tiêu thụ tăng gấp 2-3 lần so với bình thường.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, điều này chỉ diễn ra trong ngắn hạn và không thể đảm bảo cho quá trình sản xuất dài hạn của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Thay vào đó, việc kinh doanh sẽ phụ thuộc phần lớn vào hoạt động đầu tư công được đẩy mạnh và phân khúc xây dựng dân dụng phục hồi trở lại.

Mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Chỉ thị 28/CT-TTg về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng, trong đó yêu cầu các cấp, các ngành cần bám sát thực tiễn, hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này.

Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn, các công trình quốc phòng, an ninh, công trình biển và hải đảo; tiếp tục triển khai Đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội; nghiên cứu tăng tỷ lệ lựa chọn phương án sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc, ưu tiên đầu tư đường bê tông xi măng trong phát triển đường giao thông nông thôn, miền núi, khu vực địa hình khó khăn…

Ông Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định, đầu tư công sẽ là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của ngành vật liệu xây dựng trong thời gian tới, đặc biệt tại những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành... Vì vậy, Chính phủ cần tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo các dự án này được triển khai đúng tiến độ, từ đó tạo ra nhu cầu lớn về vật liệu xây dựng.

Về phía các doanh nghiệp, ông Dũng khuyến nghị, sự phát triển của công nghệ đã mở ra nhiều cơ hội cho ngành vật liệu xây dựng trong việc phát triển các loại vật liệu mới vừa tiết kiệm chi phí, vừa thân thiện với môi trường.

Những vật liệu như gạch bê tông khí chưng áp, kính tiết kiệm năng lượng hay các loại vật liệu tái chế… đang trở thành xu hướng trong ngành xây dựng hiện đại. Việc sử dụng các loại vật liệu mới không chỉ giúp giảm áp lực lên nguồn cung truyền thống, mà còn đáp ứng được các yêu cầu về phát triển bền vững.

Theo báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), sản lượng tiêu thụ vật liệu xây dựng trong nước được kỳ vọng tiếp tục duy trì đà tăng trong bối cảnh thị trường bất động sản nhà ở tại Việt Nam đang dần hồi phục khi số lượng dự án mới cũng như giai đoạn tiếp theo được đẩy mạnh triển khai.

Cùng với đó, hàng loạt công trình giao thông lớn cũng được thúc đẩy triển khai trên cả nước, điều này giúp cho nhu cầu vật liệu xây dựng gia tăng trong những tháng tới.

Nguồn: Tinnhanhchungkhoan

Thương hiệu vật liệu xây dựng