Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp kỳ vọng gì ở năm 2013?

03/01/2013 - 04:17 CH

Năm 2012, khép lại một năm kinh tế đầy sóng gió, nhiều doanh nghiệp (DN) như thở phào nhẹ nhõm vì vẫn còn trụ lại trên thị trường, thoát khỏi "vòng xoáy" đóng cửa, giải thể, tạm ngừng hoạt động như hàng chục nghìn DN khác. Mặc dù vậy, dường như nỗi lo, sự vất vả vẫn đè nặng trên vai DN khi tình hình kinh tế năm 2013 tiếp tục được dự báo nhiều khó khăn, thách thức...


Dây chuyền sản xuất gạch ốp lát tại Công ty cổ phần Viglacera Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Đăng

May mắn "sống sót"


Tiếng "rào rào" của máy dệt vang lên tại tất cả các phân xưởng dệt của Công ty cổ phần dệt Hòa Khánh (Khu công nghiệp Hòa Khánh, TP Ðà Nẵng). Giám đốc Công ty Nguyễn Chánh thành thực chia sẻ: "DN chúng tôi sợ nhất là không nghe thấy cái âm thanh "nhức óc" này bởi điều đó đồng nghĩa với toàn bộ máy móc, thiết bị dừng hoạt động". Chỉ tay sang những nhà máy ở chung quanh công ty, Giám đốc Nguyễn Chánh nói: "Chưa bao giờ khu công nghiệp này lại vắng vẻ, im ắng đến như vậy. Không thể nghĩ đây lại là thời điểm cuối năm, mùa làm ăn sôi động nhất của các DN. Nhiều DN ở đây đã phải đóng cửa, dừng sản xuất từ nhiều tháng nay. Dệt Hòa Khánh chúng tôi trụ lại đến ngày hôm nay quả thật là may mắn".

Không may mắn sao được khi năm 2012, Công ty cổ phần dệt Hòa Khánh vẫn duy trì việc làm ổn định cho 360 lao động của công ty cho dù thu nhập của người lao động chỉ bằng 85% mức năm ngoái. Doanh thu năm 2012 của công ty chỉ đạt 85% kế hoạch năm và bằng 90% so với năm 2011, còn lợi nhuận cũng chỉ đạt 50% kế hoạch năm. Chị Nguyễn Thị Kim Ngân, 30 tuổi, công nhân của công ty cho biết: "Thu nhập năm nay dù có giảm sút so với trước đây nhưng trong tình hình khó khăn chung, chúng em có việc làm ổn định là tốt rồi, hơn hẳn nhiều lao động khác đang bị mất việc do DN đóng cửa". Theo Giám đốc Nguyễn Chánh, đây là lần đầu công ty phải cắt giảm sản xuất, hiện các dây chuyền dệt chỉ còn chạy hai phần ba công suất. "Hy vọng người lao động hiểu khó khăn của DN, chia sẻ với DN. Chúng tôi đang cố gắng xoay xở tìm kiếm thêm nhiều đơn hàng, bổ sung việc làm để người lao động yên tâm ăn Tết, về quê rồi quay trở lại với DN", Giám đốc Nguyễn Chánh nói.

Dệt Hòa Khánh là một trong số những DN được coi là "sống sót" khi vượt qua sóng gió kinh tế năm 2012. Con số 55 nghìn DN giải thể, tạm dừng hoạt động của cả nước trong năm 2012 đủ cho thấy mức độ khó khăn, khắc nghiệt của tình hình kinh tế đã buộc không ít DN phải rời bỏ thị trường. Với những DN may mắn thoát khỏi vòng xoáy "giải thể, ngừng hoạt động" thì năm 2012 cũng chỉ là năm hoạt động cầm cự với mục tiêu quan trọng nhất là duy trì được việc làm cho người lao động. Công ty cổ phần sứ Cosani (Khu công nghiệp Liên Chiểu, TP Ðà Nẵng) hiện hoạt động 60% công suất. Năm qua, do sức mua trên thị trường giảm tới 40%, cho nên sản lượng tiêu thụ của công ty chỉ đạt 95% so với năm trước, doanh thu chỉ bằng 85% kế hoạch đề ra. Công ty gần như không có lợi nhuận, chỉ đủ để duy trì sản xuất, giữ chân 300 lao động với thu nhập bình quân hơn ba triệu đồng/người/tháng. Phó Tổng Giám đốc Công ty Ðỗ Văn Bích thở phào nhẹ nhõm khi DN của ông không phải dừng sản xuất mặc dù rơi vào "đúng tâm bão" khi rất nhiều DN sản xuất vật liệu xây dựng khác đang phải "đứng bánh" do thị trường bất động sản bị đóng băng.

Kỳ vọng năm 2013


Có thể thấy, năm 2012 khó khăn là vậy nhưng nhiều DN đã nỗ lực không ngừng, tìm mọi cách xoay xở, vật lộn để trụ lại trên thị trường. Song những khó khăn kinh tế vẫn chưa qua đi, nhiều DN nhìn nhận năm 2013 vẫn tiếp tục là một năm thử thách các DN. Lãnh đạo Công ty cổ phần sứ Cosani không hề đặt kỳ vọng DN có sự tăng trưởng đột phá trong năm 2013 bởi thị trường bất động sản dù có được cải thiện thì nhu cầu cũng không thể tăng đột biến trong khi lượng hàng tồn kho bất động sản hiện còn quá lớn. "Chúng tôi chỉ đặt mục tiêu tiếp tục duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động, thế cũng là một thành công lớn của DN", Phó Tổng Giám đốc Công ty Ðỗ Văn Bích khẳng định.

Tương tự, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần gạch men Coserco Trần Viết Hạ cũng cho biết, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2013 của công ty cũng chỉ được xây dựng với các chỉ tiêu tương đương năm 2012. Năm 2013 sẽ còn khó khăn hơn năm 2012 và cho đến thời điểm này DN vẫn chưa nhìn thấy tia hy vọng gì, buộc phải tiếp tục xoay xở, tự cứu mình. Cùng chung nhận định này, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Procimex Việt Nam Hoàng Văn Dõng cho rằng, với DN xuất khẩu thủy sản, thị trường xuất khẩu năm 2013 chắc chắn tiếp tục bị thu hẹp do nhu cầu tiêu dùng trên thế giới sụt giảm. Bên cạnh đó, giá nhiều mặt hàng xuất khẩu đang có xu hướng giảm mạnh. Vì thế, DN phải rất thận trong trong việc tính toán xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2013.

Vượt qua một năm đầy sóng gió, nhiều DN cũng nhìn nhận lại sự phát triển của DN mình, nhận ra những giá trị, năng lực cốt lõi để từ đó tập trung phát triển trong năm 2013. Sự đóng cửa, giải thể hàng loạt các DN trong năm qua đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Giám đốc Công ty cổ phần Dệt Hòa Khánh Nguyễn Chánh nhìn nhận, nhiều DN "chết ngắc" thời gian qua chủ yếu là do đầu tư đa ngành, nhất là đầu tư bất động sản, vì thế, nếu DN chỉ tập trung phát triển ngành nghề kinh doanh cốt lõi của mình thì khó có thể "chết" mà chỉ "khổ" thôi. Quan trọng là DN cần xác định rõ những sản phẩm, ngành nghề có lợi thế của mình, trên cơ sở đó, xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh bài bản, dài hạn. Tuy nhiên, để có được những chiến lược, kế hoạch đúng đắn, hạn chế thấp nhất những rủi ro trong kinh doanh thì hơn bao giờ hết công tác dự báo thị trường có ý nghĩa quan trọng. Giám đốc Nguyễn Chánh lấy dẫn chứng, sức mua trên thị trường hiện vẫn còn rất yếu, điển hình như dịp Tết này, sức mua cũng khó có thể tăng mạnh nên DN đừng kỳ vọng lợi nhuận cao rồi gia tăng sản xuất khiến lượng hàng tồn kho tăng cao trở lại.

Qua rồi thời kỳ DN đầu tư theo phong trào, chạy theo thị trường, làm ăn kiểu chụp giật, những cách làm đó đã khiến không ít DN phải trả giá rất đắt. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sứ Cosani Ðỗ Văn Bích nhận định, năm 2013, các ngân hàng sẽ tiếp tục siết chặt tín dụng do vấn đề nợ xấu của ngân hàng chưa thể giải quyết "một sớm, một chiều". Do đó, nguồn vốn cho DN sẽ còn khó khăn nên chính sách đầu tư của DN cần tính toán phù hợp với quy mô, tiềm lực tài chính của mình, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng. Mức độ cạnh tranh khốc liệt trên thị trường hiện nay càng đòi hỏi DN tập trung đầu tư hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, của DN, hướng tới sự phát triển bền vững. Không chỉ vậy, chiến lược sản phẩm cũng cần được cơ cấu lại theo hướng có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng với giá cả hợp lý, phù hợp điều kiện hiện tại của nền kinh tế. Bên cạnh đó, tái cấu trúc DN, nhất là quản trị DN cần được coi là nhiệm vụ cấp bách hiện nay bởi chỉ khi quản trị DN tốt thì DN mới có thể tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá bán để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Không mấy lạc quan về triển vọng kinh tế trong nước và thế giới năm 2013 nhưng rất nhiều DN đều hy vọng, chính sách điều hành kinh tế sẽ ổn định hơn, khôi phục niềm tin của DN, người tiêu dùng và thị trường. Kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực: lạm phát giảm tiếp, lãi suất vay ngân hàng xuống thấp hơn nữa... có như thế, DN mới bớt khó khăn về chi phí đầu vào. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần gạch men Coservo Trần Viết Hạ bức xúc: "Lãi suất vay ngân hàng cứ duy trì ở mức cao hơn 12%/năm như hiện nay thì không có DN nào có thể làm ăn có lãi. Nếu lãi suất hạ xuống còn 10%/năm thì DN sẽ dễ thở hơn". Bên cạnh đó, những giải pháp giải quyết nợ xấu ngân hàng, hàng tồn kho bất động sản nếu được triển khai quyết liệt trong năm 2013 thì "cầu" trên thị trường sẽ được cải thiện, nhờ đó DN mới có thể hy vọng có đầu ra cho sản phẩm. Vì thế, những chính sách, giải pháp hỗ trợ DN từ phía Nhà nước cần tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa, thực hiện đồng bộ và nhất quán theo hướng khơi thông đầu ra cho DN đồng thời giảm bớt chi phí đầu vào, gánh nặng thuế, phí cho DN...

Tình hình kinh tế năm 2013 được dự báo còn tiếp tục diễn biến khó lường với đầy khó khăn, thách thức trước mắt nhưng với những kinh nghiệm, bài học tích lũy từ giai đoạn sóng gió năm qua, nhiều DN sẽ có thêm sự tự tin, chủ động thích nghi, linh hoạt ứng phó, xoay xở vượt khó, tận dụng cơ hội để bước vào giai đoạn phát triển bền vững hơn.

Theo ND

 

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng