Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp lớn ngành thép vẫn tăng trưởng tốt

29/04/2020 - 04:22 CH

Mặc cho COVID-19 khiến nhiều ngành lao đao, ngành thép mà cụ thể là 2 anh lớn thép Hòa Phát và tôn Hoa Sen vẫn tăng trưởng tốt.
Thép Hòa Phát vào mùa

Theo báo cáo của Hòa Phát, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty này lần lượt đạt trên 19.200 tỉ đồng và 2.300 tỉ đồng, đều tăng khoảng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Thép đóng góp hơn 81% vào tổng doanh thu. Tiếp đến mảng nông nghiệp chiếm hơn 14%, phần còn lại từ sản xuất công nghiệp và kinh doanh bất động sản.

Tổng nguồn vốn tính đến cuối kỳ của Hòa Phát đạt hơn 107.000 tỉ đồng, trong đó hơn phân nửa là các khoản nợ phải trả. Theo chia sẻ của Ban lãnh đạo Hòa Phát, sản lượng thép xây dựng cung cấp cho thị trường giai đoạn này đạt trên 732.000 tấn, chiếm gần 32% thị phần.

Các vùng miền, xuất khẩu đều ghi nhận tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch bùng phát, nhu cầu thị trường giảm sút. Nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay của tập đoàn là đưa vào hoạt động dây chuyền thép cuộn cán nóng HRC. Hiện giai đoạn 2 của dự án bị chậm vì chuyên gia của các nhà thầu châu Âu không thể sang Việt Nam theo dự kiến. 

Từ đầu năm đến nay, Hòa Phát vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt. Gần nhất là trong tháng 3 vừa qua, lần đầu tiên thép xây dựng Hòa Phát đạt mức kỷ lục hơn 351.000 tấn/tháng, tăng 42,2% so với tháng 3.2019. Sản lượng xuất khẩu của thép Hòa Phát cũng đạt mức rất cao với gần 68.000 tấn thép thành phẩm, chưa kể Tập đoàn còn xuất 135.000 tấn phôi thép đi các quốc gia khác.

Theo đại diện Tập đoàn Hòa Phát, tất cả các vùng miền đều ghi nhận tăng trưởng mạnh, trong đó thép xây dựng thành phẩm xuất khẩu tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ, khu vực miền Nam tăng 89,7%, miền Trung 23,2% và miền Bắc là 14,7%. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, sản lượng bán hàng ở khu vực phía Nam vẫn đạt hơn 70.000 tấn, góp phần quan trọng vào kết quả bán hàng của thép Hòa Phát trong tháng.

Thị trường xuất khẩu cũng ghi nhận kết quả "rực rỡ" với gần 68.000 tấn thép thành phẩm đi các nước Nhật Bản, Campuchia, Úc, Indonesia, Malaysia… Con số này gần bằng lượng xuất khẩu của cả quý I/2019. Ngoài ra, lần đầu tiên Tập đoàn Hòa Phát xuất khẩu hơn 135.000 tấn phôi thép tới nhiều nước trên thế giới trong vòng một tháng.

 
Tổng cộng cả lượng tiêu thụ thép thành phẩm và phôi thép, Hòa Phát đã cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước 486.000 tấn trong tháng 3, một con số cao kỷ lục của ngành thép Việt Nam. Theo đại diện Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên, đơn vị đảm trách bán hàng thép Hòa Phát, sản lượng bán hàng thép Hòa Phát đạt mức ấn tượng trên là nhờ khu vực xây dựng dân dụng đang vào mùa.

Tôn Hoa Sen tái cơ cấu thành công

Cũng nằm trong nhóm kinh doanh có lợi nhuận trong thời gian qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen vừa công bố ước kết quả kinh doanh quý I/2020 và là quý II năm tài chính 2019-2020 (niên độ tài chính của Hoa Sen bắt đầu từ tháng 10 năm trước và kết thúc vào tháng 9 năm sau).

Về tình hình kinh doanh, Hoa Sen cũng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nên sản lượng tiêu thụ xuống dốc. Công ty chỉ tiêu thụ gần 340.000 tấn và ghi nhận doanh thu 5.780 tỉ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ nửa đầu năm giảm 3,8% trong khi doanh thu thuần giảm 14,4%, còn hơn 12.360 tỉ đồng. 

Tuy doanh thu giảm nhưng lợi nhuận sau thuế quý II niên độ 2019-2020 của Hoa Sen lại lên tới 200 tỉ đồng, nâng mức lãi luỹ kế sau thuế 6 tháng đầu niên độ trên 380 tỉ đồng và tăng trưởng 228% so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh của Hoa Sen tăng mạnh trở lại trong 2 quý gần đây sau khi Công ty đã hoàn tất tái cơ cấu hệ thống chi nhánh. Hiện nay, Hoa Sen chỉ còn 55 chi nhánh tỉnh và chuyển các chi nhánh khác sang cửa hàng trực thuộc chi nhánh. Điều này góp phần tiết giảm chi phí, kéo lợi nhuận tăng trở lại kể từ quý IV/2019.

Theo Ban lãnh đạo Công ty, 2 nguyên nhân giúp lợi nhuận tăng vọt: Công ty chủ trương không theo đuổi chính sách cạnh tranh về giá để tập trung chất lượng sản phẩm, dịch vụ nên biên lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể; chủ động giảm nợ vay ngân hàng và kiểm soát hàng tồn kho để giảm chi phí. 

Theo chiến lược kinh doanh trước dịch bệnh, Hoa Sen phải đối mặt với 4 khó khăn cụ thể, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang khiến rào cản thuế quan được dựng lên ở nhiều quốc gia, tỉ giá biến động mạnh, nguy cơ bị điều tra về tránh thuế và thị trường bất động sản hạ nhiệt khiến nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng giảm.

Tại phiên họp thường niên, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen, nhận định không có dự báo nào là chắc chắn trong bối cảnh hiện tại. Các chỉ tiêu kinh doanh năm nay vì thế được đề ra tương đối thận trọng, theo đó doanh thu đạt 28.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 400 tỉ đồng. Tuy nhiên, đây là mục tiêu của Hoa Sen trước thời điểm diễn ra dịch bệnh. Tính theo thời điểm hiện tại khi dịch bệnh vẫn đang diễn ra, công ty hiện đã đạt hơn 44% chỉ tiêu doanh thu và 92% chỉ tiêu lợi nhuận.

Trong văn bản gửi cổ đông, Ban lãnh đạo Hoa Sen cho hay đang cố gắng tận dụng hệ thống bán hàng và kênh xuất khẩu để giữ thị phần, bảo đảm dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
 
VLXD.org (TH/ NCĐT)

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng