Trang thiết bị hiện đại được đầu tư với số vốn hàng chục tỷ đồng tại các nhà máy.
Nỗi lo phá sản, mất trắng hàng chục tỷ đồng
Bất cứ người dân nào sống trong những năm của thập niên 1960 đều biết đến tấm lợp fibro xi măng - loại tấm sóng đơn giản có màu ghi xám xuất hiện trên mọi mái nhà người Việt. Thời kỳ đỉnh cao, có hơn 40 nhà máy tấm lợp fibro xi măng được thành lập nhưng vẫn không đáp ứng hết nhu cầu về tấm của người dân, đặc biệt sau mỗi lần mưa giông, lốc xoáy hoặc bão lũ. Những nhà máy sản xuất thủa sơ khai dù áp dụng công nghệ “xeo ướt” với tên kỹ thuật là công nghệ Hatschek (Hatschek Process) được phát minh bởi nước Áo, mọi công đoạn sản xuất vẫn còn thô sơ và lạc hậu. Hầu hết công nhân đều xé bao amiang, cân, bốc amiang cho vào bể phối trộn bằng tay. Ngày nay, những dây chuyền tự động hóa khép kín đã giúp hạn chế tối đa sự tiếp xúc của người lao động với sợi amiang trắng – loại sợi nếu không được sử dụng một đúng cách có thể gây ra các rủi ro về bệnh bụi phổi.
Ông Phạm Văn Miện – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bạch Đằng chia sẻ: “Giờ công nhân chỉ cần ngồi ở phòng kiểm tra, giám sát và điều hành quy trình nâng bao, xé bao và cân sợi amiang trắng tự động thông qua hệ thống camera được lắp đặt tại tất cả các khâu quan trọng”.
Nằm ở tỉnh Long An, nơi hầu hết bà con miền sông nước vẫn lựa chọn tấm lợp fibro xi măng để làm các công trình nhà ở, Công ty TNHH Vật liệu Xây dựng Hạ Long cũng đã hoàn thiện dây chuyền sản xuất tấm lợp có tính tự động hóa, khép kín toàn bộ với số vốn đầu tư hơn chục tỷ đồng.
Tuy nhiên, sự bất ổn trong chính sách quản lý sản phẩm tấm lợp fibro xi măng có chứa amiang trắng đang đẩy nhiều doanh nghiệp vào nỗi lo bị mất trắng. Hiện nay, mặc dù Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 đã quy định sản phẩm amiang trắng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng trước những tranh cãi về việc độc hay không độc, một số bộ ngành đã đề xuất dừng sử dụng loại sợi này trong sản xuất tấm lợp nhằm bảo vệ sức khỏe con người. Vấn đề ở chỗ với nhiều ưu điểm vượt trội như độ bền cao, tính đàn hồi tốt, khả năng chống cháy, cách điện, cách nhiệt, amiang trắng đã là nguyên liệu đầu vào không thể thay thế bởi bất kỳ sợi tự nhiên hay nhân tạo nào khác. Nếu lệnh cấm được ban hành, thị trường sẽ đứng trước nguy cơ mất đi sản phẩm có giá thành rẻ, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của đa số các hộ gia đình nghèo, những người chăn nuôi gia súc gia cầm, có thu nhập thấp. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc yêu cầu doanh nghiệp phải dừng sản xuất và tiến hành giải thể công ty.
Ông Lê Thân - TGĐ Công ty Cổ phần Tấm lợp VLXD Đồng Nai nhấn mạnh: “Nhà nước đã có các nghiên cứu khẳng định không tìm thấy trường hợp nào bị ung thư do phơi nhiễm với amiang trắng trong tấm lợp fibro xi măng. Vậy tại sao lại cấm chúng tôi sử dụng sợi này để sản xuất. Nếu thật sự vì sức khỏe con người thì thuốc lá hay rượu bia cần được cấm trước tiên.”
Nghiên cứu khoa học nói gì về tấm lợp chứa amiang trắng?
Cũng giống như nhiều yếu tố khác như cà phê, thuốc lá hay thịt muối… được Tổ chức Ung thư Quốc tế IARC xếp vào Nhóm I các chất có thể gây ung thư, amiang trắng cũng có khả năng gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người nếu không được sử dụng có kiểm soát. Một khi liều lượng tiếp xúc vượt quá giới hạn cho phép thì nó sẽ trở thành chất độc như Nhà vật lý và hoá học người Thụy Sĩ Paracelsus từng tuyên bố: “Tất cả mọi thứ đều độc hại và không có gì là không độc; chỉ liều lượng mới quyết định một thứ có phải là chất độc hay không”. Nguy cơ ảnh hưởng gây bệnh cho con người phụ thuộc vào ba yếu tố là kích thước sợi, liều lượng tiếp xúc, tính ổn định trong môi trường hô hấp (hay còn gọi là độ bền sinh học).
Nhiều nghiên cứu khoa học được triển khai tại Việt Nam nhưng đến nay chưa tìm thấy trường hợp nào bị ung thư do phơi nhiễm với sợi amiang trắng. Năm 2009 - 2011, Cục quản lý Môi trường Y tế - Bộ Y tế triển khai đề tài nghiên cứu về tìm kiếm các trường hợp bị ung thư trung biểu mô do phơi nhiễm với amiang. Nghiên cứu được tài trợ thông Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bởi Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, đã kết luận không tìm thấy trường hợp nào bị ung thư trung biểu mô do liên quan đến amiang trắng. Năm 2014 – 2017, Bệnh viện Xây dựng – Bộ Xây dựng phối hợp thực hiện với các cơ quan nghiên cứu đầu ngành triển khai “Nghiên cứu ảnh hưởng của amiăng trắng đối với sức khoẻ người lao động tại các đơn vi sản xuất và người sử dụng tấm lợp amiăng xi măng” cũng đã khẳng định không có trường hợp nào bị tổn thương bụi phổi amiăng hay tổn thương mảng màng phổi do liên quan đến amiang trắng.
Kiến nghị Nhà nước sớm đưa ra quyết sách cuối cùng
Nhiều doanh nghiệp khẩn thiết kiến nghị Chính phủ không cấm sử dụng sợi khoáng này vì chưa có bằng chứng khoa học về trường hợp gây bệnh của amiang trắng trong khi nhu cầu thị trường của tấm lợp fibro xi măng vẫn còn rất lớn. Doanh nghiệp mong muốn sớm được đầu tư phát triển công nghệ, đa dạng hoá mẫu mã, sản phẩm như CHLB Nga, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ đang triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của bà con.
Tấm lợp fibro xi măng mới của Liên bang Nga.
Thực tế, tấm lợp fibro ximăng được sản xuất và sử dụng tại Việt Nam đã gần 60 năm và không thể phủ nhận những ích lợi của nó đối với hàng triệu hộ gia đình tại Việt Nam, nhất là người dân nghèo, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa. Bởi vậy, việc đề xuất dừng hay không dừng sử dụng loại vật liệu này cần có những cơ sở khoa học và thực tiễn xác đáng nhất theo đúng như đề nghị của Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội trong văn bản số 1441 - "Các Bộ ngành tiếp tục nghiên cứu để chứng minh có hay không sự nguy hại của amiang trắng", đồng thời, UB yêu cầu nếu cấm loại sợi này cần phải xem xét các yếu tố một cách thấu đáo, không vì sự cạnh tranh không lành mạnh hay vì bất cứ lý do nào khác ngoài sức khỏe người dân, sự phát triển kinh tế và ổn định của đất nước.
Quan trọng hơn, các cơ quan liên quan cần sớm ngồi lại với nhau để đưa ra một quyết định cuối cùng, giúp doanh nghiệp ngành sản xuất tấm lợp fibro ximăng có chiến lược, kế hoạch kinh doanh cụ thể.
VLXD.org (TH/ Công thương)