Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Doanh nghiệp

Cơ hội lớn trong 'ván cược tỷ USD' của Hòa Phát

14/09/2019 - 03:24 CH

Mặc dù còn đó không ít rủi ro nhưng "siêu dự án" 3 tỷ USD Dung Quất - Hòa Phát được kỳ vọng sẽ giúp "vua thép" chiếm lĩnh thị trường miền Nam - nơi Hòa Phát mới chỉ chiếm khoảng 9% thị phần; đồng thời cung cấp lượng thép cuộn cán nóng (HRC) khổng lồ với suất đầu tư thấp hơn cả Formosa và đủ sức cạnh tranh với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.

Mục tiêu chiếm lĩnh thị trường phía Nam

Thị trường sản xuất thép có rào cản ra nhập ngành lớn do quy định ngày càng khắt khe về các tiêu chí môi trường theo quy định của Chính phủ. Cộng với việc phải đầu tư tài sản cố định ban đầu rất lớn, rất khó để các chủ thể với tiềm lực tài chính yếu có thể tham gia cuộc chơi trong khi chính các nhà sản xuất thép nhỏ cũng đang dần mất đi thị phần của mình.

Trong số các nhà sản xuất thép tại Việt Nam, "vua thép" Hòa Phát đang là doanh nghiệp có lợi thế lớn nhất về chi phí sản xuất, thấp hơn nhiều so với đa phần các nhà sản xuất thép trong nước khác và ngang bằng với một nhà sản xuất thép tầm trung của Trung Quốc.

Theo đánh giá của Bộ phận nghiên cứu của Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV Research) tại Báo cáo nhận định lần đầu về Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát công bố mới đây, đây là lợi thế cạnh tranh cực kỳ lớn trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa cơ bản.

Nguyên nhân Hòa Phát có được lợi thế này, theo KBSV Research, là do Hòa Phát sản xuất bằng công nghệ lò cao BOF, với nguyên liệu đầu vào chủ yếu bao gồm quặng sắt và than cốc cho chi phí sản xuất thấp hơn nhiều so với sản xuất bằng công nghệ lò điện EAF với nguyên liệu đầu vào là thép phế và điện.

Hiện tại, ở Việt Nam, để sản xuất thép xây dựng, chỉ có Hòa Phát và Gang thép Thái Nguyên (Tisco) sử dụng công nghệ lò cao. Tuy nhiên, hệ thống dây chuyền, máy móc của Tisco đã quá cũ và lạc hậu vì thế hiệu quả hoạt động của Tisco không tốt bằng Hòa Phát.

Cùng với đó, lợi thế quy mô lớn hơn hẳn các nhà sản xuất thép khác cũng giúp Hòa Phát tiết giảm được chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và tỉ trọng chi phí cố định trên từng đơn vị sản phẩm.

"Đặc biệt, khi dự án Dung Quất Hòa Phát ra đời, lợi thế này sẽ càng được phát huy mạnh mẽ", KBSV Research cho hay.

Trên thực tế, giá thép của Hòa Phát luôn thuộc nhóm rẻ nhất thị trường, tạo tiền đề giúp cho Hòa Phát chiếm thị phần dễ dàng hơn.

Sản phẩm thép xây dựng của dự án Dung Quất Hòa Phát khi ra đời được định hướng tập trung tiêu thụ tại thị trường miền Nam và một phần sẽ được xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Campuchia, nơi hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng cũng đang được đẩy mạnh.

Hiện tại, Hòa Phát mới chỉ tập trung tiêu thụ thép xây dựng tại thị trường miền Bắc, khi doanh thu tại thị trường miền Bắc chiếm gần 70% doanh thu thép của doanh nghiệp, chiếm thị phần 34% tại đây.

Tại thị trường tiêu thụ thép xây dựng phía Nam, năm 2018, thép Hòa Phát chỉ chiếm thị phần khoảng 9%. Các nhà sản xuất thép có thị phần đứng đầu bao gồm Vina Kyoei với thị phần 24%, Pomina, Posco SS Vina, VN Steel lần lượt chiếm thị phần khoảng 20%.

"Mặc dù giá thép của Hòa Phát luôn thấp hơn hầu hết các nhà sản xuất thép khác, tuy nhiên, do khoảng cách vận chuyển từ Bắc vào Nam quá xa và tốn kém nên việc tiêu thụ thép gặp nhiều khó khăn. Theo như phản ánh của một số nhà phân phối thép phía Nam, nguồn cung thép Hòa Phát nhiều khi bị gián đoạn, họ không có hàng để tiêu thụ", KBSV Research nhấn mạnh.

Theo KBSV Research, khi nhà máy thép Dung Quất Hòa Phát ra đời, vấn đề trên sẽ giải quyết.

Nhóm nghiên cứu này nhận định vị trí địa lý của nhà máy rất thuận lợi khi nằm ở ven biển miền Trung và có cảng nước sâu cho phép tàu 200.000 tấn có thể cập bến, sẽ giúp Hòa Phát dễ dàng vận chuyển thép đến các thị trường tiêu thụ ở cả miền Bắc, miền Nam và xuất khẩu. Cùng với đó, chi phí vận chuyển cũng được tiết giảm ở khâu nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào như Quặng sắt, than mỡ luyện cốc.

Hiện tại, Hòa Phát đã thực hiện các bước đi đầu tiên trong kế hoạch này như nhập phôi thép về cho nhà máy cán thép số 1 Dung Quất cán ra thành phẩm, cung cấp cho thị trường phía Nam; mua các cảng đường sông tại Đồng Nai, Cần Thơ để phục vụ cho công tác Logistics; tổ chức hội nghị, gặp mặt các nhà phân phối vật liệu xây dựng lớn tại miền Nam; thực hiện quảng cáo trên các kênh truyền hình lớn.

Với những lợi thế cạnh tranh như đã nói ở trên, KBSV Research cho rằng Hòa Phát sẽ từng bước chiếm lĩnh thị phần thép tại khu vực phía Nam, đặc biệt, bằng chiến lược cạnh tranh về giá. Trong phát biểu gần đây của Chủ tịch Hòa Phát, ông Trần Đình Long, cũng đã khẳng định “Sẽ tiêu thụ hết thép bằng mọi giá”.

HRC của Hòa Phát có lợi thế hơn HRC của Formosa

Từ các năm 2017 trở về trước, Việt Nam phải nhập toàn bộ lượng thép cuộn cán nóng (HRC) phục vụ cho các nhà máy tôn, ống thép hoặc chế tạo máy móc, đa phần từ Trung Quốc, do trong nước chưa tự sản xuất được.

Theo ước tính của KBSV Research, khi sản phẩm HRC của dự án Dung Quất – Hòa Phát ra đời, cộng với nguồn cung của Formosa thì nguồn HRC tự chủ được trong nước sẽ đáp ứng được 70% nhu cầu nội địa.

Trong số 2 triệu tấn của HRC của dự án Dung Quất, sẽ chỉ có 1 triệu tấn được bán ra ngoài thị trường, 1 triệu tấn còn lại sẽ được Hòa Phát tiêu thụ nội bộ để phục vụ cho các nhà máy tôn và nhà máy ống thép.

KBSV Research đánh giá, HRC của Hòa Phát sẽ có lợi thế so với Formosa do suất đầu tư thấp hơn: 750 USD/ tấn của Hòa Phát so với 1700 USD/tấn của Formosa.

Để có được kết quả này, theo ban lãnh đạo Hòa Phát, là do tập đoàn đã đầu tư dự án Dung Quất ở đúng thời điểm chu kì ngành thép thế giới bão hòa nên giá máy móc sản xuất hấp dẫn hơn.

Theo tính toán của KBSV Research, hiện tại, giá thành sản xuất thép xây dựng của Hòa Phát tại Khu liên hiệp Hải Dương khoảng 10,824 triệu đồng/tấn thép. Còn tại Khu liên hiệp Dung Quất, với đơn giá nguyên liệu đầu vào hiện tại, khi chạy hết công suất sẽ là 10,545 triệu đồng/tấn thép.

Trong khi đó, giá thành sản xuất thép xây dựng bình quân của thép Trung Quốc 8 tháng gần đây khoảng 12,138 triệu VND/tấn thép.

Như vậy, giá thành thép xây dựng hiện tại của Hòa Phát đang thấp hơn giá thành thép Trung Quốc khoảng 12% và khi dự án Dung Quất chạy hết công suất thì giá thành còn có thể hạ xuống mức thấp hơn của Trung Quốc là 15%.

Tương tự, giá thành sản xuất HRC của dự án Dung Quất khi chạy hết công suất sẽ ở mức 10,745 triệu đồng/tấn, trong khi giá thành sản xuất HRC của Trung Quốc trung bình trong 8 tháng gần đây khoảng 12,310 triệu đồng/tấn.

"Như vậy, nhiều khả năng HRC của Dung Quất sẽ đủ sức cạnh tranh với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc", KBSV Research nhận định.

Theo nhóm nghiên cứu này, yếu tố khiến giá thành sản xuất của Hòa Phát thấp hơn bình quân của thép Trung Quốc là do số bình quân của thép Trung Quốc đã bao gồm cả các nhà máy nhỏ với công suất thấp và các nhà máy sử dụng công nghệ lò điện EAF với chi phí sản xuất cao hơn.

Thêm vào đó, hiệu suất sử dụng nhà máy của Hòa Phát đang ở mức 100% công suất, trong khi bình quân của Trung Quốc chỉ khoảng hơn 70%.

Tuy nhiên, theo KBSV Research, một yếu tố khác cần lưu ý là tỉ giá đồng CNY so với VND đang có xu hướng giảm. Yếu tố này sẽ làm thu hẹp khoảng cách chênh lệnh giá thành của thép Trung Quốc và thép Hòa Phát.


Dự án Hòa Phát - Dung Quất được kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho "vua thép" Hòa Phát như những gì Khu liên hiệp gang thép Hải Dương đã làm được trong gần 10 năm qua

Còn đó không ít rủi ro

Trong 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng tiêu thụ nội địa thép xây dựng đạt 4,61 triệu tấn, tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về thị trường thép ống, trong 6 tháng đầu năm 2019, thị trường Việt Nam đã tiêu thụ khoảng 1,06 triệu tấn, chỉ tăng trưởng 1,4% so với cùng kỳ năm 2018.

KBSV Research cho rằng tốc độ tăng trưởng chậm lại ở cả 2 mảng thép xây dựng và thép ống phần nhiều đến từ sự chậm lại của thị trường bất động sản.

Cùng với đó, trong thời gian gần đây, giá các nguyên liệu đầu vào sản xuất thép biến động rất mạnh, đặc biệt là giá quặng sắt. Có lúc, giá quặng 62%Fe đã tăng lên đến 120 USD/tấn, tăng 66% so với thời điểm đầu năm.

Nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi vụ vỡ đập ở Brazil của nhà sản xuất quặng lớn nhất thế giới Vale; trận lốc xoáy ở Veronica, Australia làm ảnh hưởng đến các nhà sản xuất quặng của quốc gia này và nhu cầu quặng sắt tăng đến từ các nhà máy sản xuất thép Trung Quốc.

Đến thời điểm tháng 8/2019, giá quặng sắt đã giảm về mức 90 USD/tấn sau khi hoạt động khai thác quặng ở Brazil và Australia đã khôi phục được một phần. Tuy nhiên, dự báo giá quặng sắt vẫn sẽ ở mức cao 90-95 USD trong thời gian tới do hoạt động khai thác quặng ở Brazil chưa thể khôi phục hoàn toàn trong ngắn hạn.

KBSV Research cho hay, Hòa Phát đã tự chủ được một phần nguồn quặng sắt đầu vào trong nước thông qua công ty con - Công ty Khoáng sản An Thông. Tuy nhiên, nguồn cung này mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu hiện tại, phần còn lại, Hòa Phát cũng phải nhập khẩu liên tục hàng tháng từ các nhà cung cấp lớn trên thế giới ở Brazil, Úc, Nam Phi…

"Hòa Phát thực hiện mua quặng một phần theo hình thức hợp đồng tương lai ở các thời điểm trước đó, một phần theo hình thức mua bán giao ngay, vì thế các ảnh hưởng lớn nhất từ việc giá quặng tăng giai đoạn vừa rồi đến kết quả kinh doanh nhiều khả năng sẽ đến vào các quý tiếp theo trong năm 2019", KBSV Research đánh giá.

Một rủi ro khác là nằm ở "siêu dự án" Dung Quất.

Dự án Dung Quất Hòa Phát là một siêu dự án với tổng quy mô lên đến gần 3 tỷ USD. Khối lượng công việc dự án rất lớn. Hiện tại, dự án cũng đã bị chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu (hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 2/2019 và giai đoạn 2 vào tháng 10/2019). Ngoài ra, dự án cũng bị tăng vốn so với kế hoạch ban đầu do Hòa Phát muốn đầu tư nhiều hơn cho hệ thống môi trường, hệ thống cảng biển của dự án.

"Việc dự án Dung Quất Hòa Phát chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp rất nhiều do Hòa Phát vẫn phải trả nợ gốc và lãi vay trong khi dòng tiền thu về từ hoạt động kinh doanh bị chậm trễ. Ngoài ra, khi thời gian chậm trễ kéo dài thì chi phí lãi vay sẽ được hạch toán vốn hóa vào khoản mục tài sản cố định và làm tăng chi phí khấu hao khi tài sản cố định được hoàn thiện", KBSV Research nhấn mạnh.

Một rủi ro khác nữa, theo KBSV Research, là mặc dù đội ngũ ban lãnh đạo của Hòa Phát đã có kinh nghiệm lâu năm trong việc vận hành Khu liên hiệp Gang thép Hải Dương, tuy nhiên, dự án Dung Quất Hòa Phát với công suất 4 triệu tấn thép/năm sẽ có sự khác biệt lớn.

Cùng với đó, theo ước tính của nhóm nghiên cứu này, khu Liên Hiệp gang thép Dung Quất Hòa Phát sẽ phải tuyển mới gần 10.000 công nhân viên. Để toàn bộ 10.000 công nhân viên này thành thạo trong công việc và phối hợp nhịp nhàng với nhau cũng là một thách thức không nhỏ đối với đội ngũ lãnh đạo của Hòa Phát.

Theo Vietnam Finance

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng