Thông tin từ Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho thấy, các doanh nghiệp ngành này đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trong đó, cổ phiếu ngành thép rớt giá thê thảm, sản lượng giảm hơn 59%, giá bán cũng sụt giảm mạnh. Lượng tiêu thụ của ngành kính cũng chỉ bằng một nửa so với năm 2021. Không chỉ vậy, gạch ốp lát còn phải cạnh tranh với gạch ốp lát giá rẻ của Trung Quốc, sản lượng giảm từ 30 - 50%...
Trong khi đó, đặc điểm của ngành sản xuất vật liệu xây dựng là khối lượng lớn, tiêu thụ nhiều năng lượng và sử dụng nhiều nhân công. Trong bối cảnh khó khăn chung, giá nguyên vật liệu đầu vào chi phí nhân công đều tăng, một số doanh nghiệp ngành Vật liệu xây dựng vẫn trụ vững, nổi lên như “điểm sáng” do đã đầu tư công nghệ hiện đại, tiêu thụ ít năng lượng và có hệ thống quản lý sản xuất, kinh doanh tiên tiến.
Tiêu biểu như nhà máy Trung Đô SlabStone tại huyện Nghi Lộc - Nghệ An gồm 2 dây chuyền sản xuất đá nung kết tấm lớn trên diện tích quy hoạch hơn 50 ha đất, đến nay đã đưa dây chuyền số 1 với công suất 1.500.000m²/năm vào sản xuất. Nhà máy tạo ra gạch tấm lớn, giảm chiều dày gạch từ 30 - 50% so với gạch hiện có trên thị trường, giảm chi phí nguyên, nhiên liệu, tiêu hao điện năng chỉ bằng 1/8 lần tính trên 1m² sản phẩm. Công nghệ tiết kiệm năng lượng, tái chế sử dụng tức thì các sản phẩm lỗi, sử dụng năng lượng xanh…
Công nghệ sản xuất gạch nung bằng đất đồi tự động giúp tiết kiệm nhân công và bảo vệ môi trường.
Có 4 phương án giúp doanh nghiệp vượt khó trong năm 2023 tới đây. Thứ nhất, với các doanh nghiệp nhỏ có tiềm lực yếu và sản phẩm không đa dạng có thể phải đóng cửa toàn bộ sản xuất và chuyển hướng kinh doanh do càng làm, càng lỗ. Thứ hai, các doanh nghiệp còn tiềm lực hơn nên thu gọn bộ máy nhân sự, thu hẹp dây chuyền sản xuất và cơ cấu lại các dòng sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tồn kho và tìm kiếm nguồn hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Thứ ba, các doanh nghiệp thực sự có tiềm lực nên tập trung vào cơ cấu lại nhân sự và tiến hành đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đa dạng hóa sản phẩm, sử dụng nguyên liệu có hiệu quả nhất và tiết kiệm tối đa năng lượng. Đây cũng là cơ hội để nâng cấp công nghệ hiện có hoặc đầu tư công nghệ tiên tiến. Thứ tư, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng trong nước và xuất khẩu để cải thiện dòng tiền. Thực hiện các mục tiêu trên sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, đồng thời tạo sức bật ngay khi tình hình khởi sắc.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vật liệu xây dựng nhận định, trình độ về công nghệ, thiết bị, năng lực quản lý của ngành Vật liệu xây dựng Việt Nam đã đứng trong top đầu của khu vực. Một số công ty trong ngành đã xuất khẩu và nhiều doanh nghiệp đang tính đến việc vươn ra thị trường nước ngoài, vừa để mở rộng thị trường, tăng doanh thu, bắt kịp công nghệ mới. Đây là tư duy hoàn toàn đúng đắn.
Đối với doanh nghiệp đang tính vươn ra thị trường nước ngoài, trước khi xúc tiến cần phải xem xét nghiêm túc các yếu tố như: Dịch vụ logistics để xây dựng giá thành hợp lý; đánh giá được nhu cầu cũng như xu hướng hay thói quen sử dụng, các yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, bao bì… của thị trường đích. Nghĩa là doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài cần có sản phẩm phù hợp để bán ở thị trường nước ngoài.
Tiếp theo phải có hiểu biết kỹ về các rào cản kỹ thuật của nước đó; hình thức phòng vệ thương mại - tức là bảo hộ nhãn sản phẩm và khả năng bị áp chống bán phá giá. Ngoài ra, ở thị trường các nước phát triển phải xem xét đến vấn đề chứng chỉ “xanh” của sản phẩm. Đây là yếu tố không bắt buộc, nhưng nếu có thì sản phẩm sẽ được ưu ái vì góp phần cải thiện môi trường.
Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp vươn ra thị trường quốc tế. Đầu tiên phải nói đến việc ký kết nhiều thỏa thuận song phương, đa phương về thương mại và sự tham gia tích cực vào các tổ chức hợp tác khu vực, liên khu vực… là tiền đề quan trọng cho doanh nghiệp.
Tiếp đến là các ngành chức năng đã từng bước thực hiện hội nhập về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan để doanh nghiệp tiếp cận các rào cản kỹ thuật. Bộ phận Tham tán thương mại Việt Nam tại các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài sẵn sàng cung cấp thông tin, hỗ trợ giảm thiểu rủi ro về những hình thức phòng vệ thương mại tại nước sở tại. Như vậy, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy là tương đối đầy đủ, việc có vươn ra nước ngoài ở mức độ nào do sự chủ động của doanh nghiệp.
VLXD.org (TH/ KTĐT)