Câu chuyện thiếu cát xây dựng tự nhiên hiện nay đang “nóng” hơn bao giờ hết tại tỉnh miền núi Lai Châu, nơi đang trong thời kỳ kiến thiết hạ tầng xây dựng để phát triển. Thực trạng này đã ảnh hưởng tới hàng trăm hạng mục công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, trong đó có công trình thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa. Và với việc thiếu cát xây dựng như hiện nay đang gây khó khăn cho cả chủ đầu tư và nhà thầu thi công.
Theo tìm hiểu, được biết hiện nay trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 5 đơn vị được cấp phép khai thác cát tự nhiên, với tổng sản lượng gần 45.000m³/năm. Các địa điểm khai thác đều thuộc các dòng sông, suối tại các huyện Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Tân Uyên và sản lượng cát của các đơn vị cũng tăng, giảm theo từng thời điểm trong năm.
Nhiều công trình trên địa bàn tỉnh Lai Châu sử dụng cát nghiền từ đá thay cho cát tự nhiên.
Ông Nguyễn Thái Lực, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lai Châu cho biết, với số lượng công trình xây dựng như hiện nay, sản phẩm cát tự nhiên mới chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu. Nếu việc sử dụng sản phẩm cát xây dựng bắt buộc phải có chứng nhận hợp chuẩn hợp quy, các công trình ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì chi phí vận chuyển tăng cao. Việc chứng nhận hợp chuẩn hợp quy chỉ các tổ chức khai thác được cấp phép mới làm được câu chuyện chứng nhận hợp chuẩn hợp quy. Trong khi đó, ở trong các địa phương thì có điều kiện khai thác thực tế để phục vụ cho công trình; nếu cứ quy định cứng như thế này thì bắt buộc các công trình ở vùng sâu, vùng xa là phải sử dụng cát đã được chứng nhận hợp chuẩn hợp quy để đưa vào công trình. Như thế sẽ dẫn tới vấn đề chi phí vận chuyển rất cao, làm tăng tổng mức đầu tư.
Theo ông Nguyễn Quang Khoa, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Lai Châu cho biết, năm 2023, đơn vị được giao quản lý 18 công trình khởi công mới và chuyển tiếp, với tổng mức đầu tư khoảng 286 tỷ đồng. Hiện nay đơn vị có khoảng 10 công trình đang chuẩn bị khởi công và chủ yếu nằm ở xa các vị trí điểm mỏ cung cấp cát. Theo tính toán của đơn vị, nếu công trình nằm xa nơi cung cấp cát trên, dưới 30km, giá thành cát sẽ tăng lên từ 1,4 - 1,5 lần.
Đối với vật liệu cát giai đoạn vừa rồi sử dụng vào công trình còn có những tồn tại liên quan đến thiếu nguồn đầu vào. Dẫn tới các công trình khi khởi công xây dựng dự toán tính mua cát vận chuyển từ rất xa. Ví dụ như là một số địa bàn huyện Mường Tè, thi công các công trình ở xã khi lập dự toán, liên quan đến chi phí vận chuyển, đội giá công trình có những vị trí lên gấp đôi, ông Nguyễn Quang Khoa nói.
Tại huyện Tân Uyên, địa phương có một mỏ cát tự nhiên sản lượng khai thác 10.000m³/năm và được coi là không thiếu sản phẩm này thì lại xuất hiện một nghịch lý là các chủ đầu tư và doanh nghiệp “tin dùng” cát công nghiệp. Cát tự nhiên đang được bán tại địa phương với giá từ 210.000 - 270.000 đồng/m³, nhưng cát công nghiệp lại đang được bán với giá 300.000 đồng/m³. Việc cát công nghiệp có giá cao và đang được nhiều công trình đưa vào sử dụng đã nảy sinh tình trạng nhiều mỏ đá trên địa bàn sản xuất “chui”.
Ông Ngô Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lai Châu cho biết, hiện nay trên địa bàn có 22 mỏ đá được cấp phép khai thác và chỉ có duy nhất mỏ đá Sùng Chô 2, tại xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu của Công ty TNHH Lương Việt được cấp phép khai thác sản xuất sản phẩm cát nghiền. Một số đơn vị khác sản xuất các sản phẩm nằm ngoài với nội dung đã được cấp phép là vi phạm: Về trách nhiệm của doanh nghiệp là phải tuân thủ các nội dung của giấy phép. Trong các văn bản quản lý một trong các nội dung đó là yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của giấy phép; trong đó có sản lượng, trữ lượng được cấp phép khai thác cũng như các sản phẩm đầu ra theo quy định. Về việc mà doanh nghiệp thực hiện sản xuất các sản phẩm đầu ra không đúng nội dung của giấy phép là không tuân thủ đúng nội dung giấy phép quy định. Tuy nhiên, nội dung này hiện nay chế tài xử lý còn mắc, cho nên trước mắt chúng tôi sẽ đôn đốc và yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục để báo cáo cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Việc thiếu cát xây dựng tự nhiên đang diễn ra tại Lai Châu không chỉ khiến đội giá các công trình và xuất hiện tình trạng sản xuất cát công nghiệp “chui”. Thực trạng này còn nảy sinh tình trạng nhiều nhà thầu thi công các công trình ở vùng sâu, vùng xa mua cát từ các công trình thủy điện được phép tận thu để sử dụng, nhằm giảm chi phí thi công. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng công trình sau đầu tư, gây thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản tại địa phương.
VLXD.org (TH/ VOV)