Công cuộc tranh giành thị phần không phải mới xảy ra, mà đã ngầm ngầm hàng chục năm, giữa các “đại gia xi măng” của giải đất “yết hầu” từ Hà Nam - Ninh Bình - Thanh Hóa. Không có một tuyên bố chính thức nào từ các “ông trùm”, nhưng ai làm xi măng cũng ngầm hiểu, đang diễn ra cuộc chiến “một mất một còn”, với vô vàn những triêu trò và nguồn lực “khủng” được huy động.
Có một thực tế cay đắng đã xảy ra, lại càng làm cho cuộc chiến này trở nên khốc liệt hơn. Đó là diễn biến thị trường hoàn toàn khác so với tính toán của nhà sản xuất lúc đầu tư dự án. Chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai, chính sách kinh tế vĩ mô, công cuộc “đốt lò”, thị trường , sức khỏe nền kinh tế… tất cả đã biến động khôn lường và ảnh hưởng sâu sắc đến hiệu quả sản xuất kinh doanh xi măng. Bài toán kinh tế và các chỉ tiêu dự án đã bị thay đổi hoàn toàn theo chiều hướng vô cùng bất lợi.
Vào những năm 2000, khi đầu tư các có thể được hưởng khá nhiều ưu đãi. Ngoài sự “nâng đỡ” của quan chức trung ương và địa phương, còn được Chính phủ bảo lãnh vay vốn nước ngoài. Các dự án xi măng luôn được chính quyền tỉnh trải thảm với ưu đãi về đất đai, mỏ nguyên liệu, giao thông, lãi suất ngân hàng, giá điện, giá than… Từ đó tạo ra một “làn sóng” đầu tư xi măng vô cùng mạnh mẽ, diễn ra rộng khắp cả 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Tuy nhiên đến nay, với chiến dịch phòng chống tham nhũng đang diễn ra sâu rộng, “điểm tựa” là quan chức chính quyền của nhiều dự án đã bị lung lay hoặc gãy đổ. Bên cạnh đó Chính phủ tiếp tục chủ trương kiểm soát chặt chẽ các nguồn tài nguyên khoáng sản, tăng cường quản lý về lĩnh vực môi trường, thuế... Lãi suất ngân hàng, giá điện, giá than cũng liên tục điều chỉnh tăng bất lợi cho sản xuất. Trong khi đó, giá bán tăng không tương xứng theo kỳ vọng… Tất cả những yếu tố này đã gây sức ép vô cùng lớn cho hiệu quả của vòng đời dự án xi măng, với áp lực duy trì sản xuất, trả nợ ngân hàng… Và nhiều dự án có nguy cơ chết yểu, bán cho công ty nước ngoài hoặc sát nhập vào các thương hiệu khác.
Giai đoạn 2021 - 2022, các tại Việt Nam đã phải gồng mình giữ vững sản lượng, duy trì sản xuất ở mức tối thiểu, nhằm đảm bảo việc khấu hao máy móc thiết bị, công ăn việc làm người lao động. Để giành thị phần, nhiều nhà máy đã phải “tung chiêu độc lạ”, với những giải pháp “cực chẳng đã”. Có nhà máy liên tục cho ra các nhãn hiệu mới, với tên gọi hoàn toàn mới, trong khi ruột xi bên trong vẫn như cũ.
Để xả tồn kho, các nhà máy cho ra nhiều chủng loại sản phẩm như xi măng xây trát, C91, MC25… Các bao xi măng mới liên tục xuất hiện trên thị trường, với giá cả có khi ngày càng giảm, sản phẩm sau rẻ hơn sản phẩm trước. Ví dụ như với Xi măng Long Sơn, người tiêu dùng có thể đếm được hàng chục nhãn hiệu các loại sản phẩm, trong đó mới nhất là sản phẩm Xi măng Sông Mã, với các chủng loại PCB30, PCB40, bán song song với nhãn hiệu Xi măng Long Sơn cũ.
Xi măng Hoàng Long với quy mô công suất không quá lớn, những cũng cho ra thị trường gần chục nhãn hiệu như: Nam Sơn, Việt Nhật, Việt Úc, Rồng vàng… Một số nhà máy như Duyên Hà, Lộc Sơn… được cho rằng khá trung thành với sản phẩm truyền thống của mình, gần đây cũng cho ra nhãn hiệu mới với bao bì hoàn toàn mới.
Hàng loạt các nhãn hiệu xi măng mới được đưa ra trên thị trường.
Nhà máy Xi măng Đại Dương đi vào sản xuất năm 2022, cũng cùng lúc cho ra 2 thương hiệu: Xi măng Đại Dương và Xi măng Vissai. Điều này được nhà phân phối hiểu là thương hiệu mới, cần “chia lửa”, một phần dựa vào thương hiệu cũ của Tập đoàn Vissai để bán hàng. Tương tự, Xi măng Thành Thắng cũng cho ra nhãn hiệu mới là Xi măng Thịnh Thành, được bán ra với sản lượng đáng kể. Sản phẩm Xi măng Xuân Thành đa dụng cũng được cấp tập phân phối từ năm 2022.
Có thể nói, việc sản xuất và kinh doanh xi măng khối các doanh nghiệp tư nhân là một câu chuyện dài và đầy bí ẩn. Mỗi một quyết sách của “ông chủ” là một phen gây bão dư luận với những người làm xi măng, từ anh em kỹ thuật đến bán hàng. Cũng không có một giải thích nào xác đáng hoặc thỏa mãn những người quan tâm đến thị trường. Rồi đơn giản nhất, người không theo thuyết âm mưu thì cho rằng, đó chỉ là quyết định chủ quan của “ông chủ” nhằm thay đổi tình thế hiện tại, chứ chẳng có tính toán gì sâu xa, ghê gớm.
Sau đây là những câu hỏi nóng nhất hiện nay:
- Tại sao một số nhà máy cho ra nhiều thương hiệu, nhãn hiệu như: Hoàng Long, Thành Thắng, Long Sơn, Vissai… trong khi một số “đại gia” khác thì không (như Xuân Thành)?
- Có hay không việc các nhà phân phối chiếm dụng vốn của nhà sản xuất bằng các “chiêu trò” móc ngoặc với “tay trong”, khiến các nhà máy càng bán nhiều càng lỗ?
- Tại sao cung dư quá lớn so với cầu, mà các đại gia vẫn tiếp tục đầu tư các dự án xi măng khủng?
Làm rõ được các câu hỏi trên, chúng ta sẽ phần nào biết được, bản chất thật sự của việc việc sản xuất và kinh doanh xi măng hiện nay, một ngành công nghiệp điển hình trong nền kinh tế Việt Nam.
Xuân Tâm - CIDC