Thuế suất thay đổi từ WTO
Cơ hội cho doanh nghiệp có tiềm lực đủ mạnh, chủ động hội nhập và đổi mới toàn diện để hội nhập, còn thách thức sẽ đến với doanh nghiệp kém về tiềm lực, tâm thế bị động, không chịu thay đổi tư duy…
Theo ông Nguyễn Khánh Toàn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Xây dựng), về thương mại hàng hóa, tại thời điểm gia nhập WTO, chúng ta cam kết thuế suất clinker, xi măng cắt giảm là 30% (thời hạn 5 năm); tương ứng với xi măng là 40%, 32% (thời hạn 4 năm); tương ứng với gạch ốp lát là 50%, 35% (thời hạn 5 năm); tương ứng với sứ vệ sinh là 50%, 35% (thời hạn 5 năm) và tương ứng với kính xây dựng là 45%, 40% (thời hạn 3 - 4 năm).
Việt Nam cũng đã cam kết không phân biệt đối xử giữa nhà cung cấp dịch vụ trong nước và nước ngoài. Để bảo đảm việc làm cho doanh nghiệp trong nước, trong mục đối xử quốc gia có yêu cầu tổ chức nước ngoài phải liên doanh hoặc sử dụng thầu phụ Việt Nam.
Cũng theo ông Toàn, cam kết trong ASEAN về thương mại hàng hóa: Cho đến nay, ngành Xây dựng đã hoàn thành việc thực hiện Chương trình giảm thuế nhập khẩu CEPT/AFTA đối với các mặt hàng VLXD chính gồm: Clinker xi măng, xi măng, sứ vệ sinh, gạch ốp lát và kính xây dựng với mức thuế giảm còn 5%. Riêng TPP quy định chủ yếu về BĐS theo hình thức chọn bỏ, chọn cho; không đề cập đến lĩnh vực xi măng.
Các doanh nghiệp phải vươn ra khơi, sân chơi rộng lớn hơn đồng nghĩa với cơ hội và thách thức sẽ nhiều hơn.
Cạnh tranh trong xuất khẩu
Như vậy, những quy định hội nhập trong lĩnh vực xi măng không còn mới, bản thân các doanh nghiệp xi măng cũng đã đối mặt với sự cạnh tranh của các đối tác nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp xi măng Trung Quốc trong xuất khẩu xi măng. Bằng chứng là năm 2015 này xuất khẩu xi măng của nước ta sụt giảm cả về khối lượng lẫn kim ngạch và dự báo tình hình năm 2016 này sẽ không thể khá hơn. Đó là thị trường xuất khẩu, còn thị trường trong nước, doanh nghiệp xi măng có đối mặt với cạnh tranh của xi măng nước ngoài?
Theo Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung, không giống như nhiều lĩnh vực khác, thị trường xi măng Việt Nam sẽ không thay đổi nhiều bởi thực tế thuế xuất khẩu của xi măng hiện là 0%. Mặt khác xi măng là mặt hàng chủ yếu tập trung cho tiêu thụ nội địa, vận chuyển khó khăn do phí vận chuyển cao, giá bán xi măng của Việt Nam hiện đang thấp nên các doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ nhắm tới thị trường giá cao hơn để xuất khẩu.
Đại diện một doanh nghiệp xi măng thuộc VICEM đồng tình cho rằng, trong công cuộc hội nhập này, mặc dù cũng có những tác động nhất định, đem đến cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp. Nhưng ngành xi măng có đặc thù là sản phẩm rất nặng, giá trị tiền/tấn xi măng thấp, vận chuyển khó khăn do dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, khí hậu, chi phí vận chuyển cao… nên tiêu thụ nội địa là ưu tiên số 1 của tất cả các nước sản xuất xi măng.
Cạnh tranh tiêu thụ trong nước
Doanh nghiệp xi măng Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài gặp phải cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp xi măng nước khác trên thế giới. Còn trong nước, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt về tiêu thụ sản phẩm khi thị trường trong nước dư cung.
Tính đến cuối năm 2015, cả nước có 76 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế đạt 81,56 triệu tấn/năm (bao gồm xi măng Dầu khí 12/9 công suất 0,6 triệu tấn/năm, xi măng Công Thanh 2 công suất 3,6 triệu tấn/năm). Năm 2017 có thêm 2 nhà máy là xi măng Sông Lam công suất 4 triệu tấn/năm và xi măng Thanh Liêm công suất 2,3 triệu tấn/năm đi vào sản xuất. Như vậy đến năm 2017 ngành xi măng sẽ có tổng công suất 87,86 triệu tấn/năm. Từ năm 2018 trở đi sẽ có thêm một số nhà máy như Xi măng Tân Thắng công suất 2 triệu tấn/năm, Xi măng FiCO công suất 1,4 triệu tấn/năm, Xi măng Xuân Thành công suất 4,5 triệu tấn/ năm, nâng công suất toàn ngành lên 95,76 triệu tấn/năm.
VICEM chủ động hội nhập
VICEM là doanh nghiệp xi măng hàng đầu trong việc xuất khẩu xi măng và tiêu thụ trong nước. Điều đó đồng nghĩa với việc VICEM phải đối mặt với 2 sự cạnh tranh cùng lúc. Vậy doanh nghiệp đã chuẩn bị những gì trước khi bước vào sân chơi lớn? Ông Lương Quang Khải - Chủ tịch HĐTV VICEM cho biết, VICEM đã chuẩn bị cạnh tranh sòng phẳng. “Đến giờ chất lượng sản phẩm của VICEM đảm bảo chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, chỉ tiêu sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế. Vấn đề còn lại cần làm là nâng cao trình độ quản lý sản xuất, quản lý bán hàng và quản lý kinh doanh thương mại quốc tế đạt tiêu chuẩn quốc tế và VICEM vẫn đang tiếp tục hoàn thiện, đồng thời nâng cao quản trị doanh nghiệp đạt trình độ quốc tế”- ông Khải nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phạm Hồng Hà chỉ đạo: Trong thời gian tới, VICEM đánh giá thị trường cũng như những tác động của Hiệp định TPP, các hiệp định song phương và đa phương, căn cứ vào thực lực của mình để xây dựng đường hướng, chiến lược phát triển trung và dài hạn; Tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, quản lý doanh nghiệp, xác định đúng cơ cấu sản phẩm, cơ cấu đầu tư.
Bên cạnh những sản phẩm truyền thống, VICEM cần tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ cho ra những sản phẩm mới, đồng thời đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào trong quản lý kỹ thuật và điều hành SXKD; chủ động trong tính toán hợp tác liên kết các đơn vị trong ngành xi măng để cùng cạnh tranh có hiệu quả. Trong 3 khối sản xuất kinh doanh xi măng, mong Vicem tiếp tục dẫn dắt, chủ động cùng Hiệp hội xi măng và các đơn vị cùng liên kết để phát triển tốt hơn trong thời gian tới.
Theo Báo Xây dựng