Càng làm càng lỗ
Liên danh Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (gọi tắt là liên danh Vinaconex - Trung Nam) là nhà thầu thi công gói thầu số 14-XL, dự án thành phần đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư. Ngay sau khi khởi công, liên danh Vinaconex - Trung Nam đã huy động tối đa nhân lực, phương tiện máy móc và vật tư để thi công các hạng mục theo tiến độ hợp đồng. Tuy nhiên, ngay khi bắt đầu thi công, nhiều chủng loại vật liệu thi công chính đã tăng đột biến.
Ðơn cử, giá thép nếu tính từ đầu năm 2021 đến nay, đã tăng từ 20 - 60% (đợt cao điểm tăng tới 60%, nay dịu xuống mức hơn 20%), giá xi măng tăng từ 1,4 triệu đồng/tấn, hiện nay lên xấp xỉ 2 triệu đồng/tấn (chưa kể VAT), giá nhựa đường 11 triệu đồng/tấn thời điểm cuối năm 2020, nay lên 15,5 triệu đồng/tấn… Tất cả các loại vật liệu đều tăng cao và nếu tính theo tỷ trọng vật tư của cơ cấu giá thì việc tăng giá vật liệu đã làm giá thành gói thầu tăng lên từ 18 - 30% (tính trung bình cho từng thời điểm). Tại gói thầu 14-XL, khối lượng thép sử dụng cho công trình hơn 32.200 tấn, chênh lệch giữa giá thép áp cho gói thầu và giá thị trường lên tới hơn 180 tỷ đồng; chênh lệch vật liệu cát nền, cấp phối đá dăm, cốt liệu đá… cho bê tông xi măng và bê tông nhựa gần 100 tỷ đồng; vật liệu đất đắp nền đường (khối lượng khoảng 2,4 triệu m³), chênh lệch khoảng 50 tỷ đồng… Ðối với liên danh Vinaconex - Trung Nam, ngay khi triển khai thi công, tính toán lại tất cả cơ cấu giá ở thời điểm đó, đã thấy lỗ tới 46% so với giá gói thầu được chủ đầu tư ký hợp đồng, ông Nguyễn Hữu Tới, Phó Tổng Giám đốc Vinaconex cho hay.
Những ngày cuối tháng 6, dưới cái nắng thiêu đốt miền trung, hàng trăm công nhân cùng thiết bị máy móc của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi vẫn bám công địa gói thầu XL11 dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 nhằm bù lại sản lượng thi công sau những ngày mưa kéo dài. Chỉ huy trưởng gói thầu Lê Doãn Bắc cho biết, đơn vị đảm nhận thi công 7,4km đường (Km289+500 - Km296+940), hiện khối lượng cấp phối đá dăm Cường Thịnh Thi thực hiện đạt hơn 70%, thảm bê tông nhựa hơn 2 km. Dự kiến nhà thầu sẽ hoàn thành lớp nhựa C19 vào cuối tháng 7, cơ bản hoàn thành công trình vào tháng 9/2022, rút ngắn tiến độ 3 tháng so kế hoạch. Ước tính, đơn giá gói thầu của Cường Thịnh Thi hiện chênh lệch so thời điểm bỏ thầu khoảng 35%. Trong khi, chỉ số trượt giá địa phương công bố chỉ được 4 - 5%. Nếu không có giải pháp tháo gỡ về biến động giá, nhà thầu sẽ bị lỗ nặng, ông Lê Doãn Bắc lo lắng.
Là một trong số doanh nghiệp tham gia nhiều gói thầu nhất tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, Tập đoàn Cienco 4 cũng đang ở tình cảnh "như ngồi trên lửa" khi giá nhiên liệu, vật liệu thi công tại các dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lộ - La Sơn tăng phi mã. Ðại diện lãnh đạo Tập đoàn Cienco 4 cho hay, khi mới tham gia dự án, nhà thầu tương đối yên tâm vì hồ sơ mời thầu có đề cập vấn đề điều chỉnh giá, song qua thời gian dài biến động giá vật liệu, nhà thầu vẫn chưa nhận được động thái điều chỉnh như kỳ vọng từ phía cơ quan chức năng. Tại các gói thầu cao tốc bắc-nam, vướng mắc không nằm ở phương pháp tính giá mà do chỉ số giá vật liệu các cơ quan chức năng địa phương công bố không phù hợp, không đủ bù đắp chênh lệch giá cả.
Nhiều nhà thầu lâm vào tình cảnh càng làm càng lỗ, hết sức khó khăn vì giá vật liệu tăng cao.
Mong sớm có giải pháp hỗ trợ
Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng khó khăn của các nhà thầu xây dựng Việt Nam, trong đó điểm mấu chốt chính là tình trạng biến động giá cả vật liệu quá lớn nhưng cơ quan có thẩm quyền chưa có cơ chế bù giá, điều chỉnh hợp đồng hợp lý hoặc có những biện pháp cụ thể để hỗ trợ nên hàng loạt nhà thầu đang tham gia vào các gói thầu đầu tư công, nhất là các gói thầu đường cao tốc Bắc - Nam rơi vào tình trạng hết sức khó khăn. Hiện nay, nhiều nhà thầu không dám nhận thầu các công trình vốn đầu tư công do hệ thống định mức, đơn giá không được cập nhật theo giá thị trường. Ngành xây dựng có đặc thù 70% số lao động từ nông nhàn nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lao động này không quay trở lại làm việc, phần lớn ở lại quê hương tìm kiếm công việc khác. Do khan hiếm nhân công nên đơn giá nhân công thời gian qua tăng lên đến 25% để cạnh tranh thu hút nhân lực.
Bên cạnh đó, các thủ tục pháp lý về giao nhận thầu còn nhiều rắc rối phức tạp, đối với nhà thầu vừa mất nhiều thời gian, chi phí về thủ tục và cơ chế thanh quyết toán cũng còn nhiều bất cập. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp xây dựng chuyển hướng tìm kiếm công việc ở các dự án FDI. Tuy nhiên, thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận được các công trình vốn FDI. Vì vậy, đa số các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đang đứng trước thách thức hết sức khốc liệt.
Vấn đề tài chính cũng đang là sức ép lớn cho các doanh nghiệp xây dựng do việc thanh quyết toán với các chủ đầu tư còn phức tạp, khó khăn, hầu hết nhà thầu bị nợ đọng, đặc biệt ở khoảng 20 - 25% cuối của dự án. Thậm chí, nhiều dự án đã đưa vào khai thác, sử dụng nhiều năm vẫn chưa quyết toán được, trong khi nhà thầu phải vay tín dụng ngân hàng, chịu lãi suất cao dẫn đến tình trạng "nợ chồng nợ". Mặc dù, VACC đã nhiều lần có văn bản kiến nghị về cơ chế thanh toán để bảo vệ nhà thầu khỏi thua thiệt với các chủ đầu tư nhưng đến nay chưa có cơ quan chức năng nào lên tiếng. Các cuộc tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu, phần lớn các nhà thầu là bên phải chịu thua thiệt. Trong bối cảnh đó, việc các ngân hàng siết room tín dụng cho vay càng làm các nhà thầu đã khó khăn lại thêm điêu đứng về tài chính, ông Nguyễn Quốc Hiệp bày tỏ.
VLXD.org (TH/ Nhân dân)