Hoạt động cầm chừng, giảm cung tìm lối thoát
Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Thép Việt cho biết, trong bối cảnh sức tiêu thụ yếu, hàng tồn chưa giải quyết được, nên nhiều nhà máy sản xuất thép buộc phải kéo giảm công suất xuống khoảng 60 - 70% để tránh tạo thêm áp lực lên nguồn cung ra thị trường.
Nhiều nhà máy xi măng vẫn phải sản xuất cầm chừng, máy móc thiết bị không hoạt động hết công suất
Tương tự, nhiều công ty sản xuất gạch ngói các loại cũng cho biết, đang cố gắng duy trì công suất ở mức 80%, đồng thời tìm nhiều giải pháp để tăng thêm nguồn cầu mới trên thị trường.
Giám đốc một công ty sản xuất xi măng cho biết, trong 1 - 2 năm trở lại đây, do sự ảm đạm của thị trường bất động sản nên phần lớn các DN hoạt động trong ngành sản xuất nguyên vật liệu xây dựng (VLXD) đều chịu cảnh khó khăn theo do không có đầu ra. Dường như, thị trường trong nước đã có sự bão hòa về lượng hàng hóa do thời gian dài các nhà máy sắt thép, xi măng phát triển quá ồ ạt.
Đó là chưa kể đến nhiều nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp tham gia thị trường với các nhà máy quy mô, hiện đại đạt công suất và sản lượng vượt trội càng khiến cho nguồn VLXD trong nước dư cung, ứ hàng. Hầu hết các tập đoàn nước ngoài khi đưa dây chuyền, máy móc sản xuất vào Việt Nam chủ yếu đều xác định rõ đưa sản phẩm ra tiêu thụ tại thị trường nội địa là chủ yếu, sau đó mới xuất đi các nước trong khu vực.
Đứng trước sự cạnh tranh gay gắt này, phần lớn các DN phải tìm đến biện pháp tiết giảm công suất một cách tối đa nếu không muốn tự loại mình khỏi cuộc chơi.
Chuyển hướng xuất khẩu để phát triển lâu dài
Theo ông Trương Phú Cường, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và VLXD TP. Hồ Chí Minh, việc giảm công suất chỉ là biện pháp tình thế trước mắt. Về lâu dài, một số DN trong ngành đã khá nhanh nhạy khi chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu đi thị trường một số nước.
Cụ thể như sắt thép, xi măng, gốm sứ của Việt Nam đã có mặt ở nhiều nước và đã tìm được chỗ đứng ở Lào, Campuchia, Thái Lan. Gần đây, nhu cầu về nguyên liệu, hàng hóa phục vụ cho công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước tại thị trường Myanmar cũng được kỳ vọng sẽ mở thêm cho DN sản xuất trong nước nhiều cơ hội – ông Cường nói.
Ông Nguyễn Công Lý, Chủ tịch HĐQT - CTCP Xi măng Công Thanh cho biết, năm qua công ty đã ký được 2 hợp đồng bán xi măng và clinker cho 2 đối tác lớn tại Bănglađét. Dự kiến thời gian tới công ty sẽ tiếp tục mở rộng hướng đi này để giải quyết khó khăn trong nước.
Xu hướng tìm đường xuất khẩu sang một số thị trường mới tại các nước Đông Nam Á và Trung Đông được nhiều DN trong nước khai thác triệt để đã góp phần đưa lượng xi măng xuất khẩu trung bình đạt hơn 1,1 triệu tấn/tháng. Trong năm 2013, riêng lượng xi măng xuất đi các nước đạt khoảng 14 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay.
Tương tự, số liệu từ Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam (VIBCA) cũng cho thấy nhiều hàng hóa VLXD khác đang tìm đường xuất khẩu, nhằm giải quyết khó khăn đầu ra trong nước. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu gạch ốp lát và sứ vệ sinh của năm 2013 ước đạt 300 triệu USD, trong đó gạch ốp lát tăng 17,3%, sứ vệ sinh tăng 15,7% so với năm 2012…
Xuất khẩu đã góp phần giải quyết phần nào bài toán khó khăn cho các DN ngành VLXD trong nước. Tuy nhiên, nhìn vào tỷ trọng cung ứng hàng hóa phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu của nhiều DN trong ngành cho thấy, không nhiều DN có thể đưa hàng ra nước ngoài. Trung bình sản lượng phục vụ cho xuất khẩu của nhiều DN mới chỉ đạt khoảng 20 -30%.
Do vậy, đầu ra chính vẫn còn tắc nghẽn. Nói về điều này, ông Công Lý cho rằng, trước mắt DN VLXD chỉ còn có thể hy vọng vào gói giải cứu thị trường BĐS của Chính phủ, khi thị trường này được khơi thông, thì ngành VLXD cũng sẽ tìm được lối thoát. Bằng không, với tổng công suất hoạt động như hiện nay của tất cả các nhà máy trong nước dù có giảm công suất tối đa thì chắc chắn nhiều DN sẽ vẫn tiếp tục phải “sống chung” với tình trạng cung vượt cầu, khó khăn đầu ra.
Theo TBNH - QN