Hiện nay, công nghệ kết cấu bê tông tiền chế DƯL được sử dụng khá phổ biến trong kết cấu các công trình xây dựng. Công nghệ này đã được ứng dụng từ đầu năm 2000 cho các khối nhà chung cư cao tầng (17 - 34 tầng) tại Khu ĐTM Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội). Việc sử dụng kết cấu tiền chế DƯL đã đánh dấu sự trở lại của một công nghệ thi công lắp ghép thế hệ mới khắc phục được hầu hết các nhược điểm của công nghệ lắp ghép cổ điển.
Ông Đặng Hoàng Huy - chuyên gia về bê tông dự ứng lực cho biết, nếu áp dụng công nghệ mới vào xây dựng, có thể tiết kiệm hàng chục tỷ đồng khi xây một tòa nhà so với công nghệ truyền thống. Như việc ứng dụng công nghệ sản xuất bê tông dự ứng lực tiền chế bằng phương pháp kéo trước, Cty không những tiết kiệm được lao động, chi phí mà còn giảm thời gian thi công từ 25 - 50%.
Thông thường, để đổ một khối bê tông cần vài công nhân, lại mất thời gian chờ bê tông khô. Nhưng với công nghệ bê tông DƯL, Cty chỉ cần 4 công nhân có thể đổ 1.000m3 bê tông/ngày (tương đương với 20 căn hộ 50m2). Bê tông lại được sản xuất trong nhà máy với điều kiện dưỡng hộ lý tưởng và quản lý chất lượng nghiêm ngặt nên các cấu kiện bê tông tiền chế có chất lượng rất cao, đáp ứng tốt các yêu cầu của kiến trúc. Các công trình thực tế cũng cho thấy, việc dùng hệ dầm sàn DƯL bán lắp ghép cho phép giảm tới 40% thời gian thi công công trình. Tốc độ lắp ghép trung bình là từ 8 - 10 phút/tấm sàn rộng 8m2.
Theo đại diện Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), cơ hội và hiệu quả mà các giải pháp DƯL mang lại có tiềm năng rất lớn tại Việt Nam. Công nghệ này không chỉ đáp ứng yếu tố kỹ thuật về rút ngắn thời gian thi công công trình, đảm bảo chất lượng bền vững, khoa học mà còn góp phần giảm giá thành sản phẩm xây dựng, giảm giá thành sản phẩm đầu ra của dự án. Do kết cấu sàn panel tiền chế trọng lượng bản thân khá nhẹ nên giá thành phần móng cũng như phần thân công trình giảm khá nhiều so với kết cấu thông thường. Qua thực tế so sánh các công trình đã sử dụng cho thấy, việc dùng hệ sản panel tiền chế DƯL có thể giảm giá thành từ 25 - 40% so với sàn bê tông cốt thép thông thường có cùng chiều dày và có thể giảm được 15% cho giá thành toàn bộ phần kết cấu. Ngoài ra, nó còn tiết kiệm được phần chi phí khá lớn do không dùng ván khuôn sàn.
Xét về hiệu quả môi trường, công nghệ bê tông DƯL được coi như là một công nghệ “xanh”, giảm thiểu tối đa về ô nhiễm môi trường mà rất nhiều dự án xây dựng hiện đang gặp phải và chưa có hướng giải quyết triệt để. Bởi hầu hết các cấu kiện bê tông DƯL tiền chế đều được sản xuất trong nhà máy nên khi thi công không cần nhiều nhân lực, ván khuôn, giáo chống, công trường lại luôn sạch sẽ, ít bụi bẩn và tiếng ồn.
Theo đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu xây dựng đề án công nghiệp hóa xây dựng nhà ở tại Việt Nam”, của VINACONEX cho thấy, qua nghiên cứu 10 mô hình công nghệ xây nhà thì việc ứng dụng bê tông DƯL, sàn bán lắp ghép là công nghệ phù hợp nhất để công nghiệp hóa xây dựng nhà ở xã hội. Công nghệ này đáp ứng tốt các tiêu chí về quy hoạch, kiến trúc, công nghệ và xây dựng.
Trong hoàn cảnh nhu cầu về nhà ở tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… ngày càng trở nên cấp thiết, thì việc ứng dụng bê tông DƯL sẽ là chìa khóa của ngành công nghiệp hóa xây dựng để đẩy nhanh tiến độ, giảm giá thành xây dựng, đặc biệt là đối với nhà ở xã hội. Công nghệ này trong 10 năm qua cũng đã chứng minh được tính khả thi về kỹ thuật và hiệu quả về kinh tế thông qua các dự án thành công. Đây cũng là chìa khóa để giúp những người có thu nhập thấp có thể sở hữu những căn hộ giá rẻ với chất lượng cao.
Theo Báo Xây dựng *