Người tiêu dùng thờ ơ
Theo Sở Xây dựng Bắc Giang, sau gần 10 năm thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây không nung, hiện nay toàn tỉnh Bắc Giang có 12 cơ sở sản xuất gạch không nung với tổng công suất thiết kế khoảng 480 triệu viên/năm.
Dây chuyền sản xuất gạch không nung tại Công ty Cổ phần Sông Cầu Hà Bắc.
Gạch không nung được xác định là vật liệu sẽ dần thay thế các loại gạch xây dựng truyền thống. Gạch không nung hiện nay gồm một số loại chính như gạch bê tông hay còn gọi là xi măng cốt liệu, , gạch bê tông bọt (gạch nhẹ)… So với gạch đất nung, gạch không nung được sản xuất theo dây chuyền cơ giới hóa, người lao động không phải tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao, bụi bặm. Loại gạch này sử dụng chất kết dính là xi măng (tỷ lệ từ 8 - 10%), thành phần còn lại là đá mạt, tro xỉ than… là các chất thải từ công nghiệp, không dùng than đun đốt do vậy góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Cùng đó, gạch nhẹ, có tính cách âm, cách nhiệt, khiến tỷ trọng công trình giảm đáng kể; giá thành gạch không nung thường thấp hơn hoặc tương đương so với gạch đất nung.
Với những lợi thế đó, cộng với cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện của Nhà nước, bắt buộc 100% các công trình sử dụng vốn đầu tư ngân sách nhà nước phải xây bằng , tưởng rằng loại vật liệu này sẽ phát triển song trên thực tế, loại gạch này chưa được người tiêu dùng đón nhận nhiều. Trao đổi với ông Nguyễn Đức Hùng, thị trấn Nếnh (Việt Yên) được biết, gia đình ông vừa hoàn thành xây dựng ngôi nhà 4 tầng nhưng vẫn sử dụng gạch đất nung. Anh Thân Văn Hải, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) làm nghề “cai thầu” xây dựng, nói, thói quen sử dụng gạch đất nung đã ăn sâu vào suy nghĩa của người dân. Các công trình tôi nhận thầu chủ nhà đều sử dụng gạch nung, chỉ một số nhà trọ, công trình phụ, tường rào… mới dùng gạch không nung để xây. Kinh nghiệm nhiều năm làm nghề cho thấy, gạch không nung có những ưu điểm nhất định nhưng nhiều người vẫn nghi ngờ chất lượng, độ chịu lực của sản phẩm này. Một bộ phận người tiêu dùng khi xây dựng nhà ở có tâm lý không thích màu xám của gạch không nung, cho rằng không đẹp bằng gạch đất nung nên ít lựa chọn.
Đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước cũng thừa nhận gạch không nung gặp khó trong tiêu thụ và sử dụng. Ông Ngô Văn Trình, Phó trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Việt Yên (Bắc Giang) cho biết, mỗi năm trên địa bàn huyện có khoảng 30 - 40 công trình sử dụng vốn đầu tư xây dựng từ ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, tương đương khoảng 6 triệu viên gạch các loại. Tuy nhiên, ở các công trình, tỷ lệ sử dụng gạch không nung chỉ đạt 70 - 80%, nhiều hạng mục vẫn buộc phải dùng gạch đất nung.
Cơ hội cho các cơ sở sản xuất
Trong năm 2020 và những năm tiếp theo, dự báo nhu cầu xây dựng cần khoảng 2,4 tỷ viên gạch/năm, đồng nghĩa với cơ hội rất lớn cho các cơ sở sản xuất gạch không nung. Đặc biệt, thời gian gần đây, các lò vòng nung đốt gạch bằng đất sét đã bị cấm hoạt động. Tuy vậy, trên thực tế các cơ sở sản xuất vẫn chưa thể sản xuất hết công suất thiết kế. Khảo sát tại Công ty Cổ phần Công nghệ Đại Toàn Quang (Cụm công nghiệp Việt Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cho thấy, doanh nghiệp đi vào sản xuất từ năm 2016 với công suất dự kiến 8 vạn viên/ngày nhưng 4 năm qua, dây chuyền chỉ hoạt động ở mức 3 - 5 vạn viên/ngày. Sản phẩm khá đa dạng, giá bán dao động từ 750 đồng đến 1.300 đồng/viên. Chị Tạ Thị Hà, đại diện doanh nghiệp cho biết, sản phẩm gạch không nung của Công ty chủ yếu phục vụ xây dựng các công trình sử dụng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước như trường học, kênh mương, nhà văn hóa… Còn với hộ dân, chúng tôi chỉ bán được loại gạch 8 lỗ, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số sản phẩm. Hiện nay doanh số giảm khoảng 50%, chúng tôi phải cho một số công nhân nghỉ việc luân phiên.
Cũng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, gần đây, Công ty cổ phần Sông Cầu Hà Bắc (huyện Việt Yên, Bắc Giang) phải dừng một dây chuyền, chỉ duy trì sản xuất hơn 10 triệu viên GKN/năm dù năng lực có thể lên đến 15 triệu viên/năm. Ông Diêm Đăng Dược, Phó Giám đốc Công ty cho hay, là một trong những đơn vị tiên phong sản xuất gạch không nung, sản phẩm đa dạng, chất lượng được khẳng định bằng việc công bố quy chuẩn hợp quy song sản phẩm của Công ty cũng chỉ tiêu thụ ở khu vực huyện Việt Yên và một phần của tỉnh Bắc Ninh với cơ cấu 70 - 80% phục vụ các công trình xây dựng có vốn ngân sách nhà nước, hộ dân chiếm khoảng 20 - 30%.
Gạch không nung chưa có chỗ đứng trên thị trường, bên cạnh lý do thói quen của người tiêu dùng, mạng lưới các doanh nghiệp sản xuất loại gạch này cũng phân bố thiếu hợp lý, khu vực có nhu cầu thì không có đơn vị sản xuất, ngược lại, một số địa phương lại tập trung nhiều cơ sở sản xuất.
Ông Ong Thế Viên, Phó trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang nêu ý kiến: Nhu cầu hằng năm trên địa bàn huyện cần 2 - 3 triệu viên gạch không nung để xây dựng các công trình đầu tư công. Thế nhưng ở huyện không có cơ sở sản xuất gạch không nung nào, các nhà thầu phải tìm mua sản phẩm ở Lạng Giang, Việt Yên. Khoảng cách vận chuyển xa khiến đội giá thành, nhiều thời điểm không chủ động, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng. Tuy huyện có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất gạch không nung nhưng chưa có đơn vị nào xúc tiến.
Còn ông Lê Quang Minh, Phó trưởng phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng) cho rằng, để gạch không nung sử dụng rộng rãi trong xây dựng công nghiệp và dân dụng nên tiếp tục có chính sách khuyến khích sản xuất, tiêu thụ, đặc biệt là tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của việc sử dụng loại vật liệu này. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ nghiêm các quy định về sử dụng vật liệu xây dựng không nung; tăng cường kiểm tra việc sản xuất, sử dụng gạch không nung trong các công trình xây dựng từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế đến đấu thầu, thi công, giám sát thi công xây dựng.
VLXD.org (TH/ Báo Bắc Giang)