Các cơ sở sản xuất gạch không nung trên địa bàn tỉnh hiện đều sử dụng nguyên liệu chủ yếu là xi măng cốt liệu. Theo đánh giá của các chủ đầu tư và nhà thầu, công trình xây dựng sử dụng loại vật liệu này thường có hiện tượng nứt theo mạch xây, tường hay bị thấm nước gây ẩm mốc, mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến quá trình sử dụng công trình.
Bên cạnh đó, gạch này nặng nên tăng kết cấu chịu lực công trình, làm tăng thời gian, chi phí xây dựng. Để khắc phục những hạn chế của gạch không nung bằng xi măng cốt liệu, ở một số địa phương đã sản xuất, ứng dụng và phát triển gạch không nung với nguyên liệu chủ yếu là đất. Loại gạch này sau khi được tạo hình sẽ tự đóng rắn, đạt các chỉ số về cơ học mà không cần phải qua xử lý nhiệt độ nên được gọi là “đất hóa đá”. Tuy nhiên, sản xuất gạch không nung theo công nghệ này chưa được nghiên cứu, ứng dụng sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Ngôi nhà kiểu homestay được xây dựng bằng gạch không nung từ đất đồi.
Nhận thấy tiềm năng lớn của gạch không nung theo công nghệ “đất hóa đá”, tháng 2/2018, Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ hướng nghiệp Thành Nhân tại TP. Buôn Ma Thuột đã bắt tay nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm gạch không nung tự khóa từ đất đồi. Các chuyên gia đã lấy 3 loại đất khác nhau gồm đất đồi tại đèo Ea Na (huyện Krông Ana), đất pha sét tại xã Quảng Điền (huyện Krông Ana) và đất đỏ bazan tại TP. Buôn Ma Thuột để làm nguyên liệu. Đất được pha trộn với ít cát, xi măng theo 4 công thức, tỷ lệ khác nhau để so sánh kết quả. Tuy nhiên, các công thức này đều cho kết quả là gạch có hiện tượng sứt cạnh, nứt trong quá trình ngâm nước. Đơn vị phải điều chỉnh công thức, tỷ lệ pha trộn và bổ sung thêm chất phụ gia chống sự trương nở của đất. Sau nhiều lần tiến hành, công thức tối ưu mới được tìm thấy, trong đó loại đất đồi cho kết quả cao nhất, gạch đẹp, chịu được nước và không bị sứt mẻ.
Bà Nguyễn Thị Yến, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ hướng nghiệp Thành Nhân cho biết, với tính chất thử nghiệm, chi phí sản xuất gạch này giảm 20% so với gạch không nung cốt liệu, nếu sản xuất đại trà và chủ động nguồn đất thì chi phí sẽ giảm nhiều hơn. Để kiểm chứng chất lượng sản phẩm, đơn vị đã xây dựng nhà kiểu homestay với kết cấu nhà chủ yếu bằng loại gạch này. Theo kết quả kiểm định của Trung tâm Kiểm định xây dựng (Sở Xây dựng), vật liệu gạch không nung từ đất đồi đạt và vượt tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng TCVN6744:2011. Ngoài ra, gạch xây không cần xi măng, không tô, nên tiết kiệm thời gian, chi phí, không đòi hỏi tay nghề cao của thợ, nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu về độ bền, độ cứng, chịu nhiệt, ấm mùa đông, mát mùa hè; gạch nhẹ, nên tháo lắp, thao tác vận hành nhanh chóng thuận tiện, đơn giản, láng mịn và sản phẩm có màu tự nhiện theo màu đất nên rất dễ trang trí hoa văn, họa tiết, tạo điểm nhấn cho công trình.
Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tìm hiểu sản phẩm gạch không nung đất đồi.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đạt, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên đánh giá, công nghệ sản xuất gạch không nung này sẽ tận dụng nguồn nguyên liệu đất đồi không có khả năng canh tác tại địa phương, quy trình công nghệ không phức tạp và mức đầu tư thấp, nằm trong khả năng đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, sản xuất gạch không nung theo công nghệ này không gây ô nhiễm môi trường do không phát sinh khói bụi và chất thải, tận thu các phế thải sản xuất công nghiệp...
Sản phẩm gạch không nung từ đất đồi được trình làng tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột năm 2019 đã thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thời gian gần đây, đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tại Đắk Lắk, Đắk Nông đang đàm phán chuyển giao đưa cộng nghệ gạch không nung này vào sản xuất theo quy mô công nghiệp. Theo Tiến sĩ Nguyễn Phan Duy (Khoa Xây dựng, Đại học Xây dựng miền Trung), đây là công nghệ mới nhưng rất nhiều triển vọng phát triển là hướng đi mới trong công nghiệp sản xuất gạch xây dựng, qua đó nâng cao trình độ, năng lực công nghệ, tạo sản phẩm gạch xây dựng mới và nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 cơ sở gạch không nung cốt liệu đang hoạt động, công suất 80 triệu viên/năm. Theo Chỉ thị 09/CT-UBND, ngày 17/4/2018 của UBND tỉnh, các đơn vị khi lập và thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình bằng ngân sách nhà nước phải sử dụng 100% vật liệu không nung, các công trình từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80%. Theo tính toán của Sở Xây dựng, nhu cầu gạch không nung trên địa bàn tỉnh năm 2020 khoảng 210 – 300 triệu viên. Điều này cho thấy, nhu cầu gạch không nung của thị trường còn lớn, khả năng phát triển mạnh theo xu thế vật liệu thân thiện với môi trường.
VLXD.org (TH/ Báo Đắk Lắk)