Tham dự Hội thảo có đại diện của Sở Xây dựng TP.HCM và 21 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xây dựng; trong đó có các đơn vị sản xuất công nghiệp có phát sinh chất thải rắn, xử lý môi trường và các nhà đầu tư…
Hội thảo tập trung thảo luận 3 chuyên đề: “Vật liệu xây dựng không nung và vấn đề môi trường” (VPI); “Giải pháp tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung tại Thành phố Hồ Chí Minh” (Sở Xây dựng TP.HCM); “Thách thức về mặt kỹ thuật, cạnh tranh giá cả trong việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung tại Việt Nam” (Công ty Kỹ thuật Công nghệ Châu Âu).
Với chuyên đề vật liệu xây dựng không nung và vấn đề môi trường, VPI đã phân tích các cơ hội và thách thức khi thay thế vật liệu xây dựng truyền thống bằng vật liệu xây dựng không nung; tận dụng yếu tố môi trường (giảm thiểu phát thải khí CO2, khí ô nhiễm; xử lý chất thải rắn công nghiệp, , tro xỉ thải…) để tạo nên cơ hội thúc đẩy quá trình sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung. Hướng tiếp cận của VPI sử dụng xúc tác thải FCC từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất kết hợp với tro bay, xỉ thép làm nguyên liệu, áp dụng công nghệ ép tĩnh cho ra sản phẩm 4,6,8 lỗ đáp ứng đầy đủ tiêu chí về kỹ thuật (đã có sáng chế được cấp bằng “Phương pháp và hệ thống thiết bị làm mới xúc tác FCC thải bằng ngâm chiết acid sử dụng quá trình reflux”; sáng chế được chấp nhận đơn “Phương pháp tái chế xúc tác FCC và thành phần nguyên liệu sản xuất gạch không nung tương ứng”) và đáp ứng nhu cầu của thị trường, có khả năng thương mại, cạnh tranh được về giá với gạch nung và vượt trội về yếu tố môi trường (không độc hại, không có nguy hiểm phóng xạ).
Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM trình bày chuyên đề “Giải pháp tăng cường sử dụng tại TP.HCM”. Theo đó, vật liệu xây dựng không nung hiện vẫn tồn tại các hạn chế: chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế, thi công và nghiệm thu riêng cho tường xây bằng gạch; số lượng/sản lượng cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng không nung chưa thể đáp ứng nhu cầu dễ dẫn đến tình trạng độc quyền, dây chuyền thiết bị hầu hết phải nhập, hoạt động thiết kể/chế tạo còn yếu; kiểm soát về giá vật liệu xây dựng không nung và chất lượng phụ kiện đi kèm; công nhân có tay nghề chưa đáp ứng nhu cầu, chưa tuân thủ chỉ dẫn và hướng dẫn về kỹ thuật; công trình xây dựng thuộc nguồn vốn khác, công trình nhà ở riêng lẻ không hưởng ứng sử dụng vật liệu xây dựng không nung; quản lý Nhà nước còn gặp khó khăn thu thập thông tin… Các kiến nghị/giải pháp cho doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không nung để giải quyết các hạn chế trên: công bố đầy đủ thông số kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng sản phẩm, uy tín thương hiệu; đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị, phương thức quản lý, tuân thủ tiêu chuẩn/QCVN; nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng; nghiên cứu, tận dụng phế thải làm nguyên liệu tái chế để sản xuất vật liệu xây dựng không nung và tham gia hội/hiệp hội giao lưu, hợp tác, phát triển, hưởng các chính sách hội viên…
Hội thảo cũng nghe trình bày chuyên đề “Thách thức về mặt kỹ thuật, cạnh tranh giá cả trong việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung tại Việt Nam”. So với gạch đất nung truyền thống, gạch không nung sử dụng công cụ xây trát chuyên dụng, mạch vữa xây thấp nhất, năng suất xây cao tuy nhiên phải xây trát theo hướng dẫn của nhà sản xuất, giá thành cao. Các giải pháp được đề xuất bao gồm giải pháp kỹ thuật, thuế xử lý môi trường, công nghệ, thiết bị, nhà máy; thiết kế sản phẩm phù hợp với vùng miền; kết hợp xử lý chất thải rắn nguy hại.
Kết luận Hội thảo, TS. Phan Minh Quốc Bình, Phó Viện trưởng VPI cho biết VPI sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm để cải thiện sản phẩm vật liệu xây dựng không nung để có thể đáp ứng thương mại hóa ngoài thị trường, tìm hiểu thêm các công nghệ đáp ứng được nhu cầu thị trường, nâng công suất để tăng quy mô sản xuất, giảm giá thành sản phẩm vật liệu xây dựng không nung, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm.
VLXD.org (TH)