Theo PGS. TS Lê Trung Thành Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), sau hơn 10 năm thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc đầu tư, sản xuất và sử dụng VLXKN ở nước ta đã có sự chuyển biến tích cực; các công nghệ mới, thiết bị mới sản xuất VLXKN đã từng bước được đầu tư, phát triển; các sản phẩm VLXKN đa dạng phong phú về chủng loại, chất lượng từng bước được hoàn thiện và nâng cao.
Các chủng loại VLXKN đã được đầu tư, phát triển đa dạng bao gồm: Gạch bê tông (gạch xi măng cốt liệu), gạch bê tông khí chưng áp, không chưng áp; gạch bê tông bọt; tấm bê tông rỗng đùn ép (Acotec), tấm tường bê tông khí chưng áp...
Tính đến hết năm 2019, số lượng cơ sở sản xuất gạch không nung khoảng hơn 2.000 cơ sở với tổng công suất thiết kế (CSTK) đạt khoảng 12,6 tỷ viên quy tiêu chuẩn (QTC)/năm, chiếm trên 30% tổng CSTK vật liệu xây, trong khi đó con số này tại thời điểm năm 2010 chỉ chiếm chưa đến 8%.
Cần giải pháp đồng bộ để phát triển vật liệu xây không nung.
Hiện tại, toàn quốc có khoảng 1.400 cơ sở sản xuất gạch bê tông với tổng công suất thiết kế khoảng 9,4 tỷ viên QTC/năm. Thực tế cho thấy, hầu hết các sản phẩm gạch bê tông sản xuất từ dây chuyền công nghệ hiện đại, có công suất lớn từ 10 triệu viên QTC/năm đều đạt tiêu chuẩn.Tuy nhiên, một số sản phẩm sản xuất từ các dây chuyền nhỏ, thủ công bán cơ giới không đạt đầy đủ các chỉ tiêu trong tiêu chuẩn.
Các sản phẩm VLXKN bê tông khí chưng áp (AAC) hiện nay được sản xuất tại một số cơ sở sản xuất như Viglacera, Tân Kỷ Nguyên, Công ty Cổ phần HASS với tổng công suất khoảng 800.000 m3/năm, tương đương 0,56 tỷ viên QTC/năm.
Các cơ sở này từ chỗ chỉ sản xuất gạch viên sang kết hợp cả sản xuất viên và phát triển sản xuất các tấm panel nhẹ cung cấp ra thị trường. Quy mô công suất của mỗi dây chuyền sản xuất sản phẩm AAC phổ biến từ 100.000 - 200.000 m3/năm tương đương công suất 80 - 160 triệu viên gạch QTC/năm.
Đối với sản phẩm VLXKN tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn theo công nghệ đùn ép (Acotec) có 16 dây chuyền với tổng công suất khoảng 3,2 - 4,5 triệu m2/năm. Đầu tư lớn nhất là Tập đoàn VinGroup với 8 dây chuyền, sau đó là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai 4 dây chuyền. Quy mô công suất từ 200.000 - 300.000 m2/năm.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, nhiều cơ sở sản xuất VLXKN có công suất nhỏ đã buộc phải dừng sản xuất do chất lượng sản phẩm không đảm bảo và gặp khó khăn về tiêu thụ.
Hiện nay, còn khoảng trên 1.600 cơ sở sản xuất VLXKN đang hoạt động, nhiều cơ sở phải giảm sản lượng sản xuất. Tổng công suất thiết kế còn khoảng 10,2 tỷ viên QTC/năm (vẫn chiếm khoảng gần 30% tổng công suất thiết kế sản phẩm vật liệu xây). Sản lượng sản xuất VLXKN toàn quốc năm 2020 đạt 4.700 triệu viên QTC, 4 triệu m2 tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn.
Theo PGS.TS. Lê Trung Thành, để khắc phục các tồn tại và đẩy mạnh việc sử dụng VLXKN trong thời gian tới, về chính sách cần điều chỉnh cơ chế chính sách về thuế đối với gạch đất nung theo hướng tăng các loại thuế tài nguyên, môi trường để đảm bảo tính cạnh tranh về giá thành giữa VLXKN và gạch đất sét nung.
Đồng thời tăng cường chính sách quản lý chất lượng sản phẩm, điều chỉnh tăng mức phạt đối với việc sử dụng VLXKN không đáp ứng yêu cầu chất lượng trong công trình xây dựng.
Về sản xuất và sử dụng, cần sớm ban hành tiêu chuẩn thiết kế kết cấu tường xây bằng VLXKN. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn và chỉ dẫn kỹ thuật theo các loại VLXKN khác nhau.
Đội ngũ cán bộ kỹ thuật thuộc cơ quan, tổ chức tư vấn thiết kế kiến trúc, thiết kế kết cấu, thiết kế thi công, lực lượng tư vấn giám sát, thẩm định, thanh tra xây dựng và đặc biệt là bộ phận kỹ thuật của các đơn vị thi công cần được đào tạo, tập huấn thường xuyên về các tiêu chuẩn quốc gia và hướng dẫn kỹ thuật quy định về sử dụng VLXKN, khối xây VLXKN trong công trình xây dựng.
Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và cơ quan kiểm định, các phòng thí nghiệm LAS-XD cần phải kiểm tra đầy đủ VLXKN, vật liệu phụ trước khi chấp nhận đưa vào sử dụng trong công trình.
Cùng với đó phải ban hành giáo trình, hướng dẫn kỹ thuật về thi công VLXKN. Các giáo trình và tài liệu kỹ thuật này cần được đưa vào chương trình giảng dạy trong các cơ sở đào tạo liên quan. Đồng thời tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, giám sát, công nhân xây dựng nắm được quy trình và làm đúng với các chỉ dẫn kỹ thuật thi công cho mỗi loại VLXKN khác nhau.
Xu hướng phát triển vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng của Thế giới hiện nay đang ngày càng tiệm cận với quan điểm phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc về hài hòa cả ba nhân tố chính là kinh tế, xã hội và môi trường.
Nghiên cứu phát triển vật liệu xây dựng không sử dụng hoặc chỉ sử dụng một phần nguyên liệu khai thác trực tiếp từ tài nguyên thiên nhiên, đồng thời tăng cao hàm lượng nguyên liệu tái chế từ phế thải các ngành công nghiệp, phế thải sinh hoạt đang ngày càng được triển khai mạnh mẽ.
Hiện nay, trên Thế giới có khoảng 465 nhãn xanh tại 199 quốc gia và bao trùm 25 ngành công nghiệp trong đó có vật liệu xây dựng.
Tại Việt Nam, Chương trình nhãn môi trường xanh Việt Nam đã xây dựng được 17 bộ tiêu chí cho các nhóm sản phẩm khác nhau.Trong đó nhóm sản phẩm vật liệu xây dựng đã xây dựng được 2 bộ tiêu chuẩn: Sản phẩm sơn phủ dùng cho xây dựng-NXVN 11:2014 và Vật liệu ốp lát gốm sứ xây dựng-NSVN 05:2014.
Gần đây, Viện Vật liệu xây dựng đã hoàn thành xây dựng 2 bộ tiêu chuẩn vật liệu xây dựng xanh cho sản phẩm xi măng và sứ vệ sinh.
Phát triển vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam tạo ra áp lực nhất định cho ngành xây dựng về việc phải đảm bảo nhân lực để có thể làm chủ công nghệ, vận hành dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng có áp dụng các giải pháp của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản thiên nhiên; tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính…
Việc am hiểu đầy đủ kiến thức về các tính năng vật liệu xây dựng để có thể vận dụng nhuần nhuyễn vào thiết kế, thi công công trình xanh và tiết kiệm năng lượng cũng là thách thức đối với giới chuyên môn xây dựng.
Để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn các loại vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng cũng như công trình xanh và tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp, có ưu đãi trong sản xuất, khai thác và sử dụng vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng trong công trình xây dựng.
Đồng thời, tăng thuế môi trường đối với các hoạt động sản xuất và sử dụng các loại vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ công nghệ sản xuất và ứng dụng các loại vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng vào công trình xây dựng; nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn nguồn nhân lực tham gia nghiên cứu, sản xuất, thiết kế, thi công công trình sử dụng vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng.
VLXD.org (TH/ Chính phủ)