Đầu 2018, Công ty CP Đầu tư xây dựng & Thương mại An Việt (Thạch Hội, Thạch Hà) đã đầu tư gần 12 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) không nung theo công nghệ Nhật Bản. Dù dây chuyền hiện đại, nhưng sản phẩm gạch của Công ty An Việt còn khó cạnh tranh, hoạt động SXKD vẫn đang theo kiểu "nhỏ giọt”.
Công ty Trần Châu chủ yếu đang sản đang xuất theo đơn đặt hàng, trung bình khoảng 1,5 - 2 triệu viên/tháng.
“Mức tiêu thụ hạn chế trong khi vật liệu, nhân công, chi phí vận tải phải thanh toán ngay nên vốn để quay vòng sản xuất còn rất ít. Hiện tại, doanh nghiệp vẫn chưa thể sản xuất theo đúng công suất thiết kế (khoảng 30 triệu viên/năm)” - Giám đốc công ty Dương Chí Việt cho biết.
Cùng "đi tắt, đón đầu”, tháng 5/2018, Công ty Trần Châu (Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên) đã đầu tư lắp đặt dây chuyền sản xuất gạch không nung Harex Gold 900 (Hàn Quốc) theo công nghệ châu Âu, công suất 110 triệu viên/năm. Tuy nhiên, hiện tại, công ty vẫn chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng, trung bình khoảng 1,5 - 2 triệu viên/tháng, chỉ đạt khoảng 40 – 50% công suất ước tính.
Sản phẩm gạch không nung vẫn chủ yếu cung cấp cho các công trình nhà nước...
Giải thích lý do doanh nghiệp khó khăn trong tìm đầu ra cho sản phẩm, ông Lã Thái Hải - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Trần Châu cho hay: "Có một thực tế, đa số người dân vẫn giữ thói quen sử dụng gạch đất nung truyền thống khi thi công các công trình xây dựng. Vì vậy, chúng tôi phải tổ chức bộ phận thị trường để tăng cường quảng bá, tiếp thị, tìm đầu ra cho sản phẩm."
Trường Mầm non xã Thạch Hội (Thạch Hà) sử dụng gạch không nung của Công ty An Việt.
Đầu ra đã khó, trong khi nguồn cung lại rất dồi dào. Hiện tại, chỉ riêng huyện Thạch Hà đã có 4 cơ sở sản xuất gạch không nung, trong đó có 2 nhà máy công suất lên đến 30 triệu viên/năm.
"Thị trường huyện Thạch Hà nhỏ, trong khi có quá nhiều cơ sở cùng mọc lên, các huyện khác cũng có cơ sở sản xuất loại gạch này. Còn xuất ra tỉnh bạn là điều không thể, bởi chi phí vận chuyển quá lớn. Vì vậy, tìm đầu ra cho gạch không nung là bài toán nan giải" - Giám đốc Công ty CP Thương mại & Dịch vụ An Việt Dương Chí Việt chia sẻ.
Do vẫn còn thói quen sử dụng gạch nung, người dân tìm đến các cơ sở mua gạch không nung như thế này vẫn chưa nhiều.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Tĩnh, tính đến đầu năm 2018, Hà Tĩnh đã có 12 nhà máy sản xuất gạch xây không nung đi vào hoạt động, với công suất 300 - 350 triệu viên/năm; 4 nhà máy đang đầu tư xây dựng và đi vào sản xuất vào cuối năm nay.
Các nhà máy vẫn chưa thể sản xuất hết công suất ước định do thị trường trong tỉnh hạn chế.
Với tốc độ phát triển ồ ạt của các cơ sở sản xuất gạch không nung như hiện nay, thị trường bị chia nhỏ khiến các cơ sở gặp không ít khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, khó đạt được công suất tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, tâm lý người dân vẫn chưa mặn mà với sản phẩm công nghệ mới này nên tình trạng cung vượt cầu là điều khó tránh khỏi.
Hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất gạch không nung trong thời điểm này đang là "chiếc áo" quá rộng so với "cơ thể" thị trường. Do đó, tình trạng lãng phí công suất thiết kế, thậm chi là thua lỗ trong SXKD đang làm đau đầu không ít nhà đầu tư.
VLXD.org (TH/ Báo Hà Tĩnh)