Nhìn có vẻ nhiều lợi thế, nhưng tấm tường bê tông được đánh giá khó đánh bại được gạch nung truyền thống.
Có vẻ lợi thế
Cùng với sự phát triển của đô thị thông minh, vật liệu xanh, thân thiện với môi trường, giúp tiết kiệm được điện năng đang là xu hướng mà các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng hướng tới, trong đó có tấm tường bê tông và tấm tường thạch cao.
Trao đổi với kiến trúc sư Vũ Quốc An, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, các công trình xây dựng ngày càng được chú trọng đến độ bền chịu lực, độ bền theo thời gian, tiết kiệm năng lượng, chi phí sản xuất, xây lắp, đặc biệt phải thích ứng với khí hậu tại nơi xây dựng. Vì vậy, một số định hướng chính về phát triển vật liệu xây dựng trong tương lai cần tập trung đối với các chủng loại vật liệu mới như gạch không nung, tấm tường bê tông, vách ngăn thạch cao…
Sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh góp phần tiết kiệm tài nguyên không tái tạo, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính - nguyên nhân gây biến đổi khí hậu.
Nhiều loại vật liệu xây dựng xanh đã được khuyến khích sử dụng, nhưng phổ biến nhất là vật liệu xây dựng không nung. Nguyên liệu sản xuất được lấy từ các phế thải công nghiệp, có khả năng tái sử dụng và dễ tiêu hủy sau khi không còn công năng.
Với ưu điểm về cách âm, cách nhiệt, chống cháy, động đất, tiết kiệm năng lượng..., vật liệu không nung ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều công trình như bệnh viện, khách sạn, trường học, trụ sở cơ quan, ga tàu điện ngầm... ở các nước phát triển đều sử dụng loại vật liệu này. Bên cạnh đó, việc sử dụng vật liệu không nung còn giúp tiết kiệm tài nguyên, nhất là khi quỹ đất nông nghiệp ngày càng hạn hẹp.
Ở góc độ kỹ thuật, theo ông An, với lợi thế về thi công, trọng lượng và đặc biệt là tiết kiệm được diện tích không gian, nên tấm tường bê tông và thạch cao đang được nhiều người áp dụng trong xây dựng. Có thể kể đến một số dự án bất động sản của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai, các dự án, nhà xưởng ở các khu công nghiệp của Công ty TNHH Xây dựng Hinokiya Resco Việt Nam….
Theo ông Nguyễn Hữu Tĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây (SJSC), ứng dụng sản phẩm bê tông lắp ghép sẽ giúp việc xây dựng các công trình công nghiệp, các khu đô thị hiện đại đạt tiêu chí tốt nhất cho một công trình: Chất lượng công trình cao nhất, tốc độ thi công nhanh nhất, sử dụng ít nhất công nhân lao động trên công trường, bảo vệ môi trường tốt nhất, góp phần giảm nhu cầu sử dụng gạch đất nung.
“Bên cạnh đó, tất cả những hạn chế của công nghệ xây tường, xây nhà truyền thống của Việt Nam như kết cấu rời rạc, chất lượng thẩm mỹ bề mặt không đồng đều, tường hay bị thấm, nứt, chống ồn kém, hay dễ bị ẩm mốc, hao phí vật liệu trong quá trình thi công… sẽ hoàn toàn được giải quyết với sản phẩm bê tông đúc sẵn”, ông Tĩnh cho biết thêm.
Tương tự, theo ông Nguyễn Thạc Quang, Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Gạch khối Tân Kỷ Nguyên, với chi phí nhân công xây dựng ngày càng cao, việc sử dụng gạch nung với kích thước nhỏ, độ chính xác thấp càng ngày càng trở nên tốn kém và việc thay thế bằng vật liệu xây dựng không nung như tấm tường bê tông, thạch cao… là một lợi thế.
Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Quang Hiệp, Phó vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản với nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích sử dụng các sản phẩm gạch không nung. Trong đó, Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP quản lý vật liệu xây dựng đã có các ưu đãi đầu tư cho dự án sản xuất vật liệu xây không nung loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1.000 kg/m3) có công suất cho một dây chuyền từ 50.000 m3/năm trở lên; dự án sản xuất gạch bê tông (gạch xi măng - cốt liệu) có công suất cho một dây chuyền từ 10 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm trở lên.
“Bên cạnh đó, các dự án sản xuất gạch không nung còn được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư; được hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ đối với các dự án đầu tư có chi phí chuyển giao theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ… Chính các ưu đãi này sẽ giúp hạ giá thành cho sản phẩm gạch không nung”, ông Hiệp cho biết.
Nhấn mạnh lợi ích mang lại từ gạch không nung, ông Hiệp cho rằng, việc tăng tỷ lệ gạch không nung so với gạch đỏ là xu thế tất yếu của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Để sản xuất 1 tỷ viên gạch đỏ quy tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn 1,5 triệu m3 đất sét, tương đương 75 ha đất nông nghiệp (độ sâu khai thác là 2 m) và 150.000 tấn than, đồng thời thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2, gây hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường. Dự báo năm 2020, nhu cầu vật liệu xây đạt khoảng 42 tỷ viên quy tiêu chuẩn. Nếu đáp ứng nhu cầu này hoàn toàn bằng gạch đỏ, sẽ tiêu tốn khoảng 57 - 60 triệu m3 đất sét, tương đương 2.800 - 3.000 ha đất nông nghiệp; tiêu tốn 5,3 - 5,6 triệu tấn than, đồng thời thải ra khoảng 17 triệu tấn khí CO2.
“Như vậy, để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây tăng khoảng 10 - 12%/năm, nếu chỉ sử dụng gạch đỏ sẽ tiêu tốn hàng nghìn héc-ta đất nông nghiệp, hàng triệu tấn than mỗi năm”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Nhưng vẫn lép vế
Theo kiến trúc sư Vũ Quốc An, nhìn về mặt tổng thể, có vẻ như vật liệu xây dựng không nung, trong đó có tấm tường bê tông, thạch cao đang chiếm ưu thế với nhiều ưu tiên cho sự phát triển. Tuy nhiên trên thực tế, việc áp dụng các vật liệu xây dựng mới này vào đại trà còn là câu chuyện dài hơi. Bởi hiện nay, tư duy người tiêu dùng vẫn nặng về gạch nung truyền thống và phần về kinh phí và kỹ thuật xây dựng, cũng như chất lượng các loại vật liệu xây dựng mới chưa thực sự tạo được niềm tin với “thượng đế”.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng thương mại và Kỹ thuật Trường Hải, người từng phải trả giá đắt cho phát triển gạch không nung siêu nhẹ và hiện đang sản xuất tấm tường thạch cao cho biết, thực ra, lợi thế của vật liệu xây dựng không nung mọi người đều nhìn thế rõ và sử dụng loại vật liệu này là yêu cầu bức thiết trong bối cảnh môi trường sống, tài nguyên thiên nhiên đang bị đe dọa. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách trung thực, thì tấm tường bê tông và thạch cao đang lép vế với gạch nung truyền thống trong các công trình xây dựng hiện nay. Đây cũng là bài toán khiến các nhà sản xuất phải đau đầu.
Tương tự, đại diện Công ty cổ phần Gạch khối Tân Kỷ Nguyên cũng cho biết, dù đáp ứng tiêu chuẩn của các cơ quan chức năng, vật liệu xây không nung đôi khi không đạt yêu cầu của người tiêu dùng trong từng ứng dụng cụ thể. Với yêu cầu kỹ thuật cao, các nhà sản xuất quy mô nhỏ, thiếu đầu tư công nghệ sẽ gặp khó khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Bên cạnh đó, việc sử dụng vật liệu không nung cũng đòi hỏi đúng phương pháp thi công, trong khi nhiều nhà thầu tại Việt Nam chưa đáp ứng được điều này. Điều này khiến chất lượng công trình không đảm bảo.
Ngoài ra, giá thành sản phẩm cũng là trở ngại khiến sản phẩm này chưa phát triển. So với vật liệu truyền thống, các sản phẩm không nung thường có giá thành cao hơn. Song theo đánh giá của chuyên gia, việc sử dụng vật liệu không nung sẽ là mang lại hiệu quả lâu dài, đảm bảo tính bền vững cho công trình.
Theo PGS-TSKH. Bạch Đình Thiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng vật liệu xây dựng nhiệt đới (Trường Đại học Xây dựng), theo quy định, tại TP.HCM và Hà Nội, 100% công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước phải sử dụng gạch không nung nói chung. Để tăng tỷ lệ đón nhận sản phẩm này trong cộng đồng, cần tiếp tục tuyên truyền những lợi ích mang lại từ việc sử dụng gạch không nung, đồng thời việc dùng các dây chuyền hiện đại và sản xuất với năng suất cao, giá thành gạch không nung sẽ rẻ và cạnh tranh được với gạch nung trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, đã đến lúc việc các cơ quan chức năng cần tăng cường xử lý các trường hợp cố tình vi phạm hay hợp thức hóa vi phạm, vốn phổ biến như hiện nay. Bên cạnh đó, cũng cần tăng mức chế tài, đủ để thúc đẩy các chủ đầu tư nghiêm túc nhìn nhận lại các lợi ích và hiệu quả của việc sử dụng vật liệu không nung.
VLXD.org (TH/ Đầu tư BĐS)