Hiện nay, người dân vẫn còn e dè khi sử dụng gạch không nung.
Đi vào hoạt động năm 2010 trong lĩnh vực xây dựng, cuối năm 2014, Công ty Cổ phần A&T (phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên) mạnh dạn đầu tư hơn 7 tỷ đồng xây dựng nhà máy và 2 dây chuyền sản xuất gạch không nung với công suất 15 triệu viên/năm theo chủ trương khuyến khích sử dụng gạch không nung của Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh.
Theo chị Nguyễn Thị Hải Yến, kế toán Công ty, với nguồn nguyên liệu sản xuất chính là xi măng, cát và tro bay, sản phẩm gạch không nung của công ty có độ bám dính và liên kết với vữa rất cao, tiết kiệm xi măng trong quá trình xây và trát tường, đáp ứng theo tiêu chuẩn gạch bê tông TCVN6477-2011 về cường độ, độ thấm nước…
Đặc biệt, do có độ chịu nén, chịu kéo và thấm nước, giúp cách âm, cách nhiệt tốt, thích hợp với cả môi trường ẩm ướt, phèn mặn nên trong năm đầu đi vào hoạt động, 2 dòng sản phẩm gạch đặc kích thước 60x105x220 và gạch rỗng 2 lỗ có kích thước 60x105x220 của công ty được thị trường đón nhận và trở thành vật liệu xây dựng chính của nhiều công trình nhà nước. Năm 2015, công ty sản xuất và tiêu thụ được gần 800.000 viên gạch, với giá bán bình quân 1.250 đồng/viên, trừ chi phí, công ty thu lãi hơn 400 triệu đồng; tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 30 lao động, với mức lương bình quân 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2016 đến nay, thị trường tiêu thụ gạch không nung của công ty gặp rất nhiều khó khăn. Hiện, công ty đang hoạt động cầm chừng, chỉ duy trì 1 dây chuyền sản xuất, với sản lượng 1 vạn viên/ngày, giảm nhân công lao động từ 30 người xuống còn 10 người.
Theo tính toán của chị Yến, để sản xuất 1 viên gạch không nung, công ty đầu tư hết khoảng 1.200 đồng nhưng giá bán trên thị trường chỉ khoảng 1.000 đồng/viên. Từ đầu năm đến nay, Công ty sản xuất khoảng 3,6 vạn viên nhưng chỉ tiêu thụ được khoảng 1,8 vạn viên dẫn đến lượng hàng tồn kho lớn, công ty phải bù lỗ 25 - 30 triệu đồng/tháng.
Theo đánh giá của một số chuyên gia ngành xây dựng, gạch không nung xuất hiện khá lâu trên thị trường, với nhiều ưu điểm vượt trội như: Không cần đất sét nên không “đụng” đến quỹ đất nông nghiệp, không dùng than, củi… để đốt gây khí thải độc hại, ô nhiễm môi trường.
Hơn nữa, gạch không nung có tính chịu lực cao, cách âm, cách nhiệt tốt, bề mặt phẳng, kích thước đồng đều, tiết kiệm vữa xây, chi phí đầu tư giảm và tiết kiệm thời gian xây dựng hơn rất nhiều so với gạch nung.
Vì vậy, gạch không nung là sự lựa chọn thông minh của các công trình xây dựng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế tại các địa phương cho thấy, người dân chưa “mặn mà” với vật liệu xây dựng gạch không nung.
Theo anh Nguyễn Văn Diện, xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường), thói quen sử dụng, tâm lý tin dùng gạch đất nung của người dân còn khá phổ biến dẫn đến nhu cầu sử dụng sản phẩm vật liệu xây không nung rất ít.
Hiện nay, người dân sử dụng gạch không nung chủ yếu là xây tường rào, cổng, những nhà kho, nhà bếp, công trình phụ hay những ngôi nhà cấp bốn. Rất ít sử dụng xây dựng nhà cao tầng vì hầu hết đều cho rằng gạch không nung có khả năng chịu lực và độ bền kém hơn loại gạch nung truyền thống.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, hiện toàn tỉnh có khoảng 10 cơ sở sản xuất gạch không nung với công suất khoảng 165 triệu viên/năm. Thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 của Chính phủ, tháng 8/2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2065 về phê duyệt quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh đến năm 2020, trong đó, khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư sản xuất gạch không nung từ nguyên liệu đất đồi theo công nghệ hiện đại để dần thay thế các loại vật liệu xây dựng nung thông thường, đưa năng lực sản xuất vật liệu xây các loại đến năm 2020 đạt 1.672 triệu viên (trong đó vật liệu không nung chiếm 40%).
Sở Xây dựng ban hành các văn bản hướng dẫn sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ ngày 15/1/2013, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung; tỉnh đã thu hồi, chấm dứt hoạt động của nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, không cấp phép mới cho các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung. Tuy nhiên, việc phát triển và sử dụng rộng rãi vật liệu xây dựng không nung trong các công trình xây dựng vẫn còn nhiều hạn chế.
Để sản phẩm gạch không nung trụ vững trên thị trường, các doanh nghiệp mong muốn thời gian tới các cấp có thêm những chính sách ưu đãi đối với việc tiêu thụ sản phẩm gạch không nung, nhất là các công trình đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước; khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất, sử dụng vật liệu không nung; hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn vay để các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng không nung có điều kiện tập trung đầu tư dây chuyền máy móc, đổi mới công nghệ sản xuất, kinh doanh.
VLXD.org (TH/ Báo Vĩnh Phúc)