Tồn đọng đến 50%
Theo nội dung từ báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục thực hiện kế hoạch năm 2018 của UBND tỉnh Quảng Bình cho thấy, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm có tăng trưởng nhưng chưa vững chắc, chỉ số sản xuất công nghiệp và giá trị sản xuất công nghiệp tăng thấp so với cùng kỳ. Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như gạch không nung, xi măng, bia rượu, chế biến mủ cao su...
Việc sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng và một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu khác gặp khó khăn được dư luận và cử tri đặc biệt quan tâm. Tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVII, tổ chức ngày 12/7; trước chất vấn của bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Bình đề nghị làm rõ về vấn đề trên, ông Trần Hoàng Giang - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Quảng Bình đã trả lời rằng:
Tính đến giữa năm 2018, tại địa phương có 5.136 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Về tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn đúng là có, đặc biệt như gạch không nung...
Đang vào mùa xây dựng, các sản phẩm xi măng, gạch nung, gạch men, gỗ xây dựng sản xuất đến đâu bán đến đó. Trái ngược với điều đó, sản phẩm gạch không nung tiêu thụ rất hạn chế, có nơi tồn đọng đến 50% lượng sản phẩm.
Để tháo gỡ vấn đề này, Hội Doanh nghiệp Quảng Bình đã phối hợp với Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh đưa ra các biện pháp gồm: Định hướng sản xuất; Ưu tiên dùng sản phẩm do địa phương sản xuất; Thực hiện thu hồi vốn và xoay vòng vốn.
Người dân và chủ đầu tư chưa mặn mà
Tính đến năm 2018, Quảng Bình có 13 cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung đang sản xuất ổn định với tổng công suất trên 145 triệu sản phẩm/năm. Lãnh đạo Phòng Vật liệu Xây dựng (Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình) cho biết: Về phương diện quản lý Nhà nước, Sở Xây dựng đã chú trọng công tác vận động các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển sản xuất vật liệu xây không nung.
Đã thực hiện các quy định của Luật Xây dựng, Nghị định 46 và 59 của Chính phủ về công tác sử dụng vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu xây không nung trong công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật.
Nhưng thực tế việc sử dụng gạch không nung ở các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Vấn đề này đã được báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Bình. Hiện nay, HĐND tỉnh cũng đang có kế hoạch giám sát chuyên đề với những cơ sở sản xuất gạch không nung đang hoạt động.
Nguyên nhất chính khiến gạch không nung tiêu thụ chậm là do người dân vẫn chưa quen với việc sử dụng loại vật liệu này để xây dựng các công trình dân dụng. Đối với các công trình sử dụng nguồn vốn Nhà nước, rất ít chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc chủ trương của tỉnh.
Khi áp dụng gạch không nung cho các công trình dân sinh và công trình Nhà nước thì việc thi công đơn giản, tốn ít vữa xây hơn gạch sét nung. Nhưng vẫn gặp hiện tượng nứt tường không theo quy luật, các vết nứt ngang, phương thẳng đứng, xiên tường... gây thấm, giữ ẩm lâu làm hư hỏng lớp sơn tường. Tuy không gây hư hỏng công trình, nhưng làm ảnh hưởng đến chất lượng, thẩm mỹ…
Đặt mục tiêu đến năm 2020, lượng vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh đạt trên 150 triệu sản phẩm/năm, thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 30 - 40%. Vấn đề độ cứng, khả năng chịu nén, chịu áp lực của gạch không nung cần được kiểm định chất lượng một cách chính xác, công tâm nhằm đưa ra kết luận sản phẩm hợp quy, tạo tâm lý an tâm cho khách hàng và nhà thầu khi chọn mua sản phẩm là yếu tố tiên quyết tạo dựng sự thành công của loại hàng hóa này.
VLXD.org (TH/ Xây dựng)