Trước những mâu thuẫn, tranh chấp tại các toà chung cư diễn ra trong thời gian gần đây, ông Ninh cho biết trong năm 2019, Bộ Xây dựng sẽ sửa đổi, bổ sung quy chế quản lý vận hành nhà chung cư nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, năm 2018 trên cả nước có 215 dự án khiếu nại, tranh chấp; trong đó có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân hoặc giữa các chủ thể liên quan trong phạm vi dự án, còn lại 107 dự án có khiếu nại, tranh chấp không thuộc phạm vi báo cáo như tranh chấp, khiếu nại về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và những nội dung dân sự khác.
Ông Ninh cho biết, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều chính sách pháp luật về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư như: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định, thông tư hướng dẫn kèm theo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư còn một số hạn chế, bất cập như: Việc quản lý chưa được thực hiện nghiêm túc; tình trạng tranh chấp, khiếu nại liên quan đến tổ chức hội nghị nhà chung cư; thành lập và quyết định công nhận ban quản trị nhà chung cư; lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư; xác định diện tích sở hữu chung - riêng; quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì, kinh phí quản lý vận hành; bàn giao nhà ở khi chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy theo quy định, công tác phòng cháy chữa cháy còn nhiều bất cập, nguy cơ cháy nổ cao...
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư và khắc phục kịp thời các hạn chế, bất cập nêu trên, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 9/10/2018, giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, trong đó chú trọng việc tổ chức thực hiện và xử phạt vi phạm. Cùng đó, trong năm 2019, Bộ Xây dựng sẽ sửa đổi, bổ sung quy chế quản lý vận hành nhà chung cư.
Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, kịp thời phát hiện các sai phạm và xử lý nghiêm theo thẩm quyền; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng đẩy mạnh phổ biến tuyên truyền chính sách pháp luật về xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.
Về giải pháp quản lý hiệu quả các dự án nhà chung cư, một số doanh nghiệp đề xuất đã đến lúc Chính phủ cần thay đổi, thậm chí ban hành một nghị định, pháp lệnh để điều chỉnh các hoạt động của nhà chung cư thay vì chỉ dừng ở mức Thông tư như hiện nay.
VLXD.org (TH/ DĐDN)