Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh hiện có 13 cơ sở nung vôi thủ công, trong đó có một số lò đã dừng hoạt động nhưng chưa được tháo dỡ, nằm rải rác ở các huyện. Mỗi cơ sở thường có từ 1 - 2 lò, công suất thiết kế từ 40 - 50 tấn/mẻ. Phần lớn các lò vôi thủ công đều của các hộ gia đình tự góp vốn đầu tư xây dựng, hình thành tự phát từ lâu đời, không được cơ quan thẩm quyền cấp phép nên không xây dựng theo quy hoạch và quy chuẩn kỹ thuật; sử dụng công nghệ lạc hậu: lò dã chiến, lò đứng thủ công liên hoàn, thiết bị phục vụ chủ yếu dùng trong các lò vôi này là băng tải, máy xúc để vận chuyển nguyên, nhiên liệu vào lò và đưa sản phẩm ra lò. Do vậy, quá trình sản xuất luôn phát tán một lượng khói bụi lớn ra ngoài môi trường nhưng các cơ sở này đều không có hệ thống thu gom xử lý trước khi thải ra môi trường; chưa có hệ thống thu gom chạt vôi; không thực hiện các biện pháp như dùng bạt lưới, tưới nước dập bụi để xử lý hạn chế bụi phát tán. Nếu gặp mưa, lượng chạt vôi phát sinh trong quá trình sản xuất vôi của các lò thủ công sẽ có nguy cơ bị cuốn trôi, phát tán ra môi trường.
Lò vôi thủ công của gia đình anh Nguyễn Văn Giỏi tại xóm 1, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng).
Có mặt tại lò sản xuất vôi của ông Hoàng Văn Khải ở xóm Nam Phú, Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng), chúng tôi được biết nghề sản xuất vôi đã gắn bó với gia đình ông được hơn 20 năm. Trước đây, nghề sản xuất vôi truyền thống phát triển mạnh chủ yếu phục vụ các gia đình đóng gạch bi xây nhà, quét tường. Ngày nay, công nghệ sản xuất vôi nước, vôi bột, sơn tường phát triển, vôi nung chỉ còn phục vụ cho công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại hoặc ao nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi ven biển của tỉnh nên gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại, giá vôi cục xuất bán trên thị trường bình quân khoảng 1 triệu đồng/tấn. Dẫu vậy, lò nung vôi của gia đình ông Khải cũng tạo việc làm ổn định cho hơn 6 lao động thường xuyên với thu nhập trung bình từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.
Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp vôi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 507/QĐ-BXD ngày 27/4/2015 của Bộ Xây dựng quy định rõ, đến năm 2016 loại bỏ ít nhất 50% số lò thủ công gián đoạn trên cả nước; đến năm 2020, xóa bỏ hoàn toàn các lò thủ công gián đoạn và thủ công liên hoàn trên phạm vi toàn quốc. Ngày 15/7/2016, Bộ Xây dựng ban hành Công văn số 1452/BXD-GĐ về tăng cường công tác quản lý đối với các lò nung thủ công sản xuất vật liệu xây dựng trên toàn quốc nhằm hạn chế tối đa các sự cố đáng tiếc như sập lò, tai nạn lao động...
Để nâng cao hiệu lực công tác quản lý Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Bộ Xây dựng, ngăn ngừa những sự cố tương tự có thể gây hậu quả đáng tiếc, UBND tỉnh Nam Định cần sớm có kế hoạch chỉ đạo các ngành, địa phương kiểm tra, rà soát các lò vôi thủ công đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; xây dựng lộ trình xóa bỏ các lò vôi thủ công theo chủ trương của Nhà nước. Tăng cường công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu đối với các công trình sản xuất vật liệu xây dựng có kết cấu dạng lò nung được xây mới để đảm bảo các dự án đầu tư phải sử dụng lò nung theo công nghệ tiên tiến, đáp ứng các yêu cầu về khả năng chịu lực, an toàn vận hành, tiết kiệm tài nguyên và đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, cần tăng cường phổ biến sâu rộng về tác hại nhiều mặt của các lò vôi thủ công cũng như chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc xóa bỏ lò vôi thủ công truyền thống.
Kiên quyết không để phát sinh các lò vôi thủ công mới trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện của từng cơ sở. Đặc biệt, trước khi tiến hành chuyển đổi hoặc chấm dứt hoạt động, các cơ quan chức năng phải yêu cầu các cơ sở sản xuất vôi bằng lò nung thủ công khắc phục tồn tại, thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tài nguyên nước và mất an toàn lao động./.
Tại xóm 1, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) dọc triền đê sông Ninh Cơ, 13 năm nay lò nung vôi của gia đình anh Nguyễn Văn Giỏi vẫn hoạt động đều đặn với công suất 15 - 17 tấn/ngày theo kiểu lò đứng liên hoàn. Bình quân mỗi tháng gia đình anh Giỏi xuất bán hơn 450 tấn vôi. Nguyên liệu chủ yếu là đá vôi nhập từ Ninh Bình và than từ Quảng Ninh theo đường thủy vận chuyển đến tận chân các lò vôi. Mỗi năm lò vôi thủ công đem lại thu nhập cho gia đình anh hơn 200 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động. Theo ghi nhận của phóng viên tại lò vôi này, điều kiện làm việc cũng như trang thiết bị của lao động tại lò vôi khá sơ sài, nhóm đàn ông có sức khoẻ làm công việc quai búa đập đá, dỡ vôi từ đáy lò để chuyển sang xe tải; nhóm phụ nữ phân loại vôi. Trên nóc lò cao từ 7 - 8m lắp đặt hệ thống tời, thường trực có 1 người điều khiển, trông khá chênh vênh. Đầu sợi dây cáp mỏng mảnh được móc vào chiếc thùng đá to nặng như muốn rớt xuống. Đứng dưới chân lò cũng có thể cảm nhận cái nóng hầm hập, bụi tung mù mịt. Hầu hết cây cối xung quanh lò vôi đều phủ lớp bụi dày trắng xoá. Những vật dụng bảo hộ của người lao động ở đây rất đơn giản, đàn ông có người chỉ mặc quần cộc, áo may ô, khi quai búa không có găng tay; phụ nữ đội nón che mặt kín bưng nhờ chiếc khẩu trang chống nắng...
Không khí xung quanh khá ngột ngạt do khí thải CO từ quá trình đốt than, bụi băng chuyền tỏa ra môi trường. Ngoài yếu tố không đảm bảo môi trường, mất an toàn lao động, các lò vôi này đều nhập nguồn nguyên liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo tiêu chuẩn, gây lãng phí và khó kiểm soát, quản lý tài nguyên khoáng sản như: đất sét, đá vôi, than bánh… Việc bán sản phẩm vôi cho các đơn vị thu mua không có hợp đồng, không thực hiện kê khai thuế cũng dẫn đến thất thu thuế. Hơn nữa, đến nay, kiểu lò sản xuất vôi liên hoàn cũng không có quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật nên việc kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình, an toàn sản xuất của cơ quan chức năng khá khó khăn.
VLXD.org (TH/ Báo Nam Định)