Điều kiện của đơn vị đánh giá đất đai
Tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp được thực hiện điều tra, đánh giá đất đai khi có đủ các điều kiện sau: Có chức năng thực hiện điều tra, đánh giá đất đai; có ít nhất 5 cá nhân đủ điều kiện theo quy định; có đủ trang thiết bị và công nghệ phù hợp với phương pháp thực hiện theo quy định kỹ thuật về điều tra, đánh giá đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong đó, cá nhân thực hiện điều tra, đánh giá đất đai phải có năng lực hành vi dân sự; có một trong các bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học chuyên ngành về quản lý đất đai, địa chính, khoa học đất, thổ nhưỡng, môi trường và các chuyên ngành khác có liên quan đến điều tra, đánh giá đất đai; có thời gian công tác trong lĩnh vực điều tra, đánh giá đất đai từ 36 tháng trở lên. Riêng các đơn vị thực hiện phân tích mẫu đất phải có phòng phân tích đất được cấp có thẩm quyền cấp Chứng nhận. Đây là nội dung được quy định tại Thông tư 35/2014/TT-BTNMTcủa Bộ Tài Nguyên và Môi trường về việc điều tra, đánh giá đất đai, có hiệu lực thi hành từ ngày 13-8.
Được phép bù trừ lỗ trong chuyển nhượng bất động sản
Từ ngày 2-8, cho phép doanh nghiệp trong kỳ tính thuế có các hoạt động chuyển nhượng bất động sản, dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia thực hiện dự án đầu tư nếu bị lỗ sẽ được bù trừ số lỗ này với lãi của hoạt động kinh doanh. Với số lỗ của các năm 2013 trở về trước còn trong thời hạn chuyển lỗ thì doanh nghiệp phải chuyển vào thu nhập của hoạt động chuyển nhượng bất động sản, dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia thực hiện dự án đầu tư, nếu không được chuyển hết thì chuyển vào thu nhập của hoạt động kinh doanh từ năm 2014 trở đi.
Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất là 20%; trường hợp doanh nghiệp mới thành lập trong năm không đủ 12 tháng thì trong năm đó doanh nghiệp kê khai tạm tính quý theo thuế suất 22%. Kết thúc năm tài chính, doanh thu bình quân của các tháng trước trong năm không vượt quá 1,67 tỷ đồng thì doanh nghiệp quyết toán thuế TNDN phải nộp của năm tài chính theo thuế suất 20%. Thông tư 78/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) có hiệu lực thi hành từ ngày 2-8 quy định.
Cho phép chuyển nhượng dự án xã hội hóa
Từ ngày 1-8, trong quá trình triển khai dự án xã hội hóa trên đất đã được Nhà nước cho thuê mà vì lý do khách quan nào đó không thể tiếp tục thực hiện được thì có thể được phép chuyển nhượng dự án này theo pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Bên nhận chuyển nhượng dự án vẫn phải bảo đảm tiếp tục thực hiện dự án xã hội hóa theo đúng mục tiêu và mục đích sử dụng đất của dự án. Nghị định 59/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8 quy định.
Được ghi nợ tiền sử dụng đất
Theo thông tư 76/2014/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8, hộ gia đình, cá nhân có khó khăn về tài chính, có nguyện vọng ghi nợ thì được ghi nợ tiền sử dụng đất phải nộp theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP.
Theo đó, hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất có đơn đề nghị kèm theo hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận hoặc hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất hoặc hồ sơ giao đất tái định cư; hoặc có đơn xin ghi nợ khi nhận thông báo nộp tiền sử dụng đất nộp về Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường (trong trường hợp chưa có Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất) thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi có đất.
Khi thanh toán nợ tiền sử dụng đất, hộ gia đình, cá nhân phải đến cơ quan thuế để làm thủ tục.
Trường hợp sau 5 năm kể từ ngày ghi nợ trên Giấy chứng nhận, hộ gia đình, cá nhân mới thanh toán nợ hoặc trong thời hạn 5 năm mà chưa thanh toán hết nợ thì số tiền sử dụng đất còn nợ đối với từng loại diện tích trong hạn mức và ngoài hạn mức được quy đổi ra tỷ lệ (%) chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính và hộ gia đình, cá nhân phải nộp tiền sử dụng đất với phần diện tích này.
Sử dụng đất không đúng mục đích bị thu hồi tiền thuê đất được miễn, giảm
Từ ngày 1/8, trong quá trình quản lý, theo dõi, nếu các cơ quan có thẩm quyền phát hiện người sử dụng đất đã được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước nhưng không đáp ứng các điều kiện để được miễn, giảm tiền thuê đất thì sẽ bị thu tiền thuê đất đã được miễn, giảm.
Lỗi để bị thu hồi đất có nguyên nhân từ phía người sử dụng đất hoặc sử dụng đất không đúng mục đích thì cơ quan thuế xác định và báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định việc thu hồi số tiền thuê đất được miễn, giảm theo quy định về chính sách và giá đất tại thời điểm được miễn, giảm tiền thuê đất, cộng thêm tiền chậm nộp tính trên số tiền thuê đất được miễn giảm theo mức quy định. Thông tư 77/2014/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định 46/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước quy định như trên.
Ngoài ra, những dự án đang hoạt động và thực hiện nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước hàng năm trước ngày 01/07/2014 không thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; nay thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất, mặt nước theo Nghị định 46/2014/NĐ-CP thì được miễn, giảm cho thời hạn ưu đãi còn lại theo đề nghị của chủ đầu tư.
Sử dụng phí đường bộ để đầu tư đường giao thông nông thôn
Đây là nội dung quy định tại Nghị định 56/2014/NĐ-CP của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/03/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ.
Theo đó, thay vì quy định toàn bộ phí sử dụng đường bộ thu được đối với mô tô tại địa phương nào bổ sung vào Quỹ bảo trì đường bộ của địa phương đó như trước đây, kể từ ngày 20-8, phần phí này sẽ được nộp vào ngân sách địa phương để đầu tư đường giao thông nông thôn theo Chương trình xây dựng nông thôn mới và bổ sung vào Quỹ địa phương.
Tạm ứng vốn bảo vệ và phát triển rừng
Từ 15-8, chủ đầu tư hoặc Ban quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nơi thuận tiện cho giao dịch của chủ đầu tư và thuận tiện cho việc kiểm soát thanh toán của Kho bạc Nhà nước. Chủ đầu tư được tạm ứng vốn với tổng mức vốn tạm ứng của các hợp đồng thực hiện trong năm tối đa là 30% kế hoạch vốn giao hàng năm cho dự án. Trường hợp dự án được bố trí kế hoạch vốn mà mức vốn tạm ứng không đủ theo hợp đồng, sau khi đã thanh toán khối hoàn thành và thu hồi toàn bộ hoặc một phần số vốn đã tạm ứng lần trước, chủ đầu tư có thể đề nghị Kho bạc Nhà nước tạm ứng tiếp cho dự án, trong đó, tổng số dư vốn tạm ứng chưa thu hồi tối đa là 30% kế hoạch vốn giao hàng năm cho dự án.
Vốn tạm ứng được thanh toán qua từng lần thanh toán khối lượng hoàn thành của hợp đồng, bắt đầu thanh toán từ lần thanh toán đầu tiên và thu hồi hết khi thanh toán khối lượng hoàn thành đạt 80% giá trị hợp đồng; mức thanh toán từng lần do chủ đầu tư thống nhất với nhà thầu và quy định cụ thể trong hợp đồng. Chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư phát triển rừng có trách nhiệm tính toán mức tạm ứng hợp lý để đề nghị ứng vốn, nhưng không vượt quá mức 30% nêu trên. Thông tư 85/2014/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng quy định.
Theo PLO